Xây dựng cơ bản: Đầu tư lớn, sai phạm nhiều

11/06/2013 03:15 GMT+7

Những bức xúc của cử tri, đại biểu Quốc hội về tình trạng công trình, dự án đội vốn đầu tư, kém hiệu quả, không loại trừ thất thoát, tham nhũng đã được minh chứng bởi Báo cáo năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước.

Xây dựng cơ bản: Đầu tư lớn, sai phạm nhiều

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa đưa vào sử dụng đã có hiện tượng xuống cấp - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011 vừa gửi đến các đại biểu Quốc hội cho thấy tình trạng đội vốn đầu tư các công trình, dự án, hiệu quả đầu tư thấp... diễn ra hầu như ở tất cả các ngành, địa phương. Trong đó, nổi bật là tình trạng bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối nguồn vốn; bố trí vốn sai nguồn...

Tổng mức đầu tư tăng chóng mặt

Theo báo cáo, đến hết năm 2011 còn 7.335 dự án đã có quyết định đầu tư (tổng mức đầu tư 273.469 tỉ đồng) nhưng vẫn chưa bố trí được vốn. Đặc biệt, tại một số địa phương, nếu tính theo kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2011 của địa phương, gồm cả ngân sách nhà nước và nguồn trái phiếu chính phủ thì phải mất nhiều năm địa phương mới đầu tư hết cho các dự án này, chưa kể số vốn phải bố trí cho các dự án dở dang và trả nợ. Trong đó tỉnh Hưng Yên phải mất gần 24 năm, Lâm Đồng gần 19 năm... Không ít địa phương, ngành nhiều lần điều chỉnh, bổ sung vốn đầu tư dự án. Bộ GTVT có 23 lần điều chỉnh bổ sung vốn; Bộ NN-PTNT điều chỉnh 211 dự án; Bộ VH-TT-DL điều chỉnh 40/61 dự án. Tỉnh Hà Nam điều chỉnh, bổ sung 13 lần với tổng số vốn trên 467 tỉ đồng; tỉnh Quảng Ninh điều chỉnh, bổ sung 16 lần với tổng số vốn 4.100 tỉ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy nhiều sai phạm trong chấp hành trình tự đầu tư, dù đã kiến nghị từ nhiều năm trước nhưng chậm khắc phục, như: phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án nhiều lần làm tăng quy mô đầu tư, kéo dài thời gian thực hiện. Trong đó, tỉnh Yên Bái điều chỉnh 50 dự án, tăng tổng mức đầu tư (TMĐT) 1.147,9 tỉ đồng; tỉnh Điện Biên điều chỉnh 23 dự án, tăng TMĐT 636,5 tỉ đồng; Dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải thời gian thi công kéo dài làm tăng TMĐT 8.160 tỉ đồng; Dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ (QL) 50 đoạn Gò Công - Mỹ Tho điều chỉnh tăng TMĐT 798,6 tỉ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp QL7 đoạn từ Khe Thơi đến Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An điều chỉnh tăng TMĐT 483,7 tỉ đồng.

Nghiệm thu cả phần chưa làm

 

Chuyển 5 vụ sang Cơ quan điều tra

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 14.710 tỉ đồng, trong đó tăng thu ngân sách trên 1.991 tỉ đồng, giảm chi 2.308 tỉ đồng; chuyển hồ sơ 5 vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật gồm: Công trình cấp nước liên xã Tân Việt - Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ; Công trình cấp nước xã Hồng Quang, huyện Ân Thi thuộc tỉnh Hưng Yên, Công ty CP lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Công ty CP bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai và Công ty tài chính cổ phần Sông Đà.

Theo báo cáo, số công trình, dự án được chỉ định thầu còn chiếm tỷ lệ cao, trong đó Bộ NN-PTNT có 737 gói thầu được chỉ định thầu; Bộ LĐ-TB-XH chỉ định 88/146 gói thầu; Bộ VH-TT-DL có 245/280 gói; Tổng cục Thuế 371/421 gói; tỉnh Hải Dương 70/131 gói; tỉnh Bến Tre 223/297 gói...

Tình trạng đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu không đúng quy định vẫn diễn ra ở nhiều nơi, cá biệt còn tình trạng chia nhỏ gói thầu để chỉ định. Trong đó gói thầu EPC (Gói 04) của dự án Trung tâm tu bổ phục chế tài liệu lưu trữ thuộc Bộ Nội vụ có giá trị trúng thầu lớn hơn giá trị gói thầu được duyệt 6,1 tỉ đồng. TP.Đà Nẵng chỉ định 27 gói thầu (giá trị 629,2 tỉ đồng) không đúng quy định, ngoài ra, một số trường hợp UBND TP.Đà Nẵng có công văn chỉ định thầu trước khi Sở KH-ĐT thẩm định kế hoạch đấu thầu.

Quá trình kiểm toán cũng đã phát hiện không ít các công trình dự án có hiện tượng nghiệm thu sai khối lượng, đơn giá, định mức. Trong đó, tại tỉnh Hà Nam, dự án xây dựng cầu Châu Giang thay đổi biện pháp thi công nhưng chủ đầu tư vẫn thanh toán cho nhà thầu phần biện pháp thi công theo giá trúng thầu. Tại An Giang, dự án cải tạo nâng cấp QL 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên nghiệm thu hạng mục đào kênh mương tưới tiêu dù chưa thi công (gói 2)... Tại công trình xây dựng đường từ trung tâm xã Mường Bon đến điểm tái định cư Đoàn Kết (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thuộc dự án tái định cư thủy điện Sơn La, một số vị trí nền đường, công việc đang thi công nhưng đã nghiệm thu thanh toán 1,6 tỉ đồng.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện một số công trình dự án có chất lượng không đảm bảo, trong đó, dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng còn nhiều khiếm khuyết trong vận hành làm sản lượng điện chỉ đạt 65% so với thiết kế; mức tiêu hao nhiên liệu khởi động tăng so với thiết kế bình quân mỗi năm 96,4 tỉ đồng. Một số công trình có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng dù đưa vào sử dụng chưa lâu như dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình...

Thái Sơn - Hoài Trang

>> Chống thất thoát ngân sách trong xây dựng
>> Tiền thất thoát có đòi được không ?
>> Đầu tư công vẫn thất thoát, trì trệ, kém hiệu quả
>> Còn thất thoát, lãng phí trong đầu tư cho “tam nông”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.