Ngân hàng khẩn trương đóng trạng thái vàng

13/06/2013 03:30 GMT+7

Các ngân hàng đang chạy nước rút để đóng trạng thái huy động vàng trước ngày 30.6 theo quy định. Do vậy câu hỏi đang đặt ra là giá vàng sau ngày 30.6 sẽ diễn biến ra sao?

 Ngân hàng khẩn trương đóng trạng thái vàngGiá vàng được dự báo vẫn sẽ ở mức cao sau ngày 30.6 - Ảnh: Đ.N.Thạch

Còn 5-6 ngân hàng chờ tất toán

Ông Phan Huy Khang - TGĐ ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) - cho biết: “Sacombank còn cần hơn 1 tấn vàng để đóng trạng thái. Chúng tôi đang canh thời điểm để đóng sao cho hiệu quả. Việc đóng trạng thái này sẽ kịp trước ngày 30.6 theo quy định. Nguồn vàng chủ yếu mua từ các phiên đấu thầu do NH Nhà nước (NHNN) tổ chức”. Ông Trương Văn Phước - TGĐ NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - cũng thông tin NH này cũng cần khoảng 1 tấn vàng nữa và sẽ đóng trạng thái trước ngày 30.6.

 

NHNN bán 20 tấn vàng, lời 117 triệu USD

Theo bảng nghiên cứu toàn cầu của NH Standard Chartered vào cuối tháng 5, qua 21 phiên đấu thầu vàng bán ra 20 tấn vàng, ước tính NHNN đã chi ra khoảng 1 tỉ USD (10% kim ngạch nhập khẩu hằng tháng của cả nước) để nhập khẩu vàng và thu về khoản lợi nhuận cho ngân sách khoảng 117 triệu USD. NHNN công bố sẽ bán thêm khoảng 10 tấn vàng nữa nhằm hỗ trợ các NH trả lại vàng cho người gửi.

Qua 29 phiên đấu thầu vàng, 21 đơn vị tham gia đấu thầu đã mua từ NHNN VN 735.700 lượng vàng (hơn 27,5 tấn vàng) trong tổng số 822.000 lượng vàng (30,8 tấn vàng) chào thầu. Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM - cho biết: “Phần lớn các NH trên địa bàn TP.HCM đã hoàn tất đóng trạng thái vàng. Lượng vàng tồn quỹ của các NH đã có thể chi trả đầy đủ cho người gửi. Riêng trường hợp của NH TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ có cơ chế đặc thù riêng để xử lý lượng vàng còn khá lớn. Vào năm 2011, NH này mất thanh khoản nên huy động vàng bán lấy tiền đồng. Trong đề án tái cơ cấu của SCB có phần đề cập đến việc xử lý số vàng huy động này”.

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo cấp cao của NHNN khẳng định, hiện toàn hệ thống chỉ còn 5-6 NH chưa hoàn thành việc tất toán trạng thái, các NH này sẽ bị đốc thúc, thậm chí “ép” phải hoàn thành vào ngày 30.6.

Cũng theo lãnh đạo này, việc xử lý tất toán trạng thái vàng không đơn giản vì phải tính toán tới thanh khoản của từng NH. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ không có chuyện lùi thời hạn. Một là do tình hình đã nằm trong vòng kiểm soát khi thanh khoản của các NH đủ để đảm bảo và NHNN sẵn sàng bán vàng qua kênh đấu thầu đủ đáp ứng nhu cầu để tất toán. Thứ hai, về mặt nguyên tắc cũng không thể lùi vì các NH đã chấm dứt huy động vào ngày 25.11.2012, kỳ hạn cuối cùng - dài nhất cũng chỉ đến 30.6.2013.

Vấn đề còn lại hiện nay theo lãnh đạo NHNN nằm ở “đầu ra” vàng, khi nhiều NH đã dùng vàng huy động để khách hàng vay hoặc chuyển hóa thành tiền đồng, ngoại tệ kinh doanh. Hiện vẫn còn các hợp đồng cho vay trung - dài hạn mà khách hàng đang rất khó khăn để trả nợ. Đối với những trường hợp này, phương án giải quyết hiện nay là NH phải đàm phán với khách hàng có thể trả nợ trước hạn hoặc chuyển đổi sang tiền đồng. Tuy nhiên, dù chọn phương án nào các NH cũng còn phải phụ thuộc vào từng khách hàng, nếu khách hàng không chịu thỏa thuận thì NH cũng phải chấp nhận và phải cố gắng xử lý dứt điểm. “Tuy nhiên tình hình cũng không đến mức quá căng thẳng” - vị lãnh đạo NHNN chia sẻ. “Trong số khoảng 28 tấn vàng NHNN bán ra thị trường, khoảng một nửa được các NH mua để đóng trạng thái, số còn lại được các NH và DN bán ra thị trường đảm bảo nguồn cung, giữ cho thị trường vàng ổn định, không hỗn loạn” - vị lãnh đạo NHNN khẳng định. 

Khoảng cách giá chưa rút ngắn

Mặc dù áp lực mua vàng từ các NH không còn nhiều như trước nhưng khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước vẫn không rút ngắn lại hơn.

Ngày 12.6, giá vàng miếng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới 5,5 triệu đồng/lượng thay vì mức 5,7 triệu đồng/lượng của ngày 11.6. Chênh lệch này được rút ngắn nhờ giá vàng thế giới tăng 8 USD/ounce, lên 1.378 USD/ounce, trong khi giá vàng miếng SJC chỉ tăng có 10.000 đồng/lượng, giá mua  - bán ở mức 40,48 - 40,68 triệu đồng/lượng. Từ nhiều ngày nay, giá mua vàng miếng SJC tại NH đưa cao hơn giá của các công ty từ 70.000 - 120.000 đồng/lượng.

Ông Trần Thanh Hải - TGĐ Công ty CP kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam (VGB) - nhận định: “Sau ngày 30.6, tôi không nghĩ khoảng cách chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước thấp hơn mức 3 triệu đồng/lượng. Bởi giá vàng hiện đang ở mức đáy trong vòng 3 năm trở lại đây. NHNN không dễ gì xuất ngoại tệ hoài để mua vàng. NHNN phải cân đối làm sao có một khoảng cách an toàn trong trường hợp dùng USD nhập khẩu vàng. Quy trình nhập khẩu vàng sẽ phải mất nhiều ngày mới có vàng, trong khi giá vàng biến động liên tục nên độ rủi ro về giá cao”. TGĐ một công ty vàng lớn cũng đưa ra nhận xét tương tự. Theo vị này, đơn giản là nhà nước muốn chống “vàng hóa” thì phải để giá vàng ở mức cao.

Thanh Xuân - Anh Vũ

>> Vàng đứng giá 42,9 triệu đồng/lượng
>> Nhà nước hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng
>> Ngân hàng Nhà nước “trần tình” về chênh lệch giá vàng
>> Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật
>> Thêm 25.600 lượng vàng trúng thầu
>> Sàn vàng và vàng nữ trang là lối thoát cho thị trường vàng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.