Rơi vào "sách đỏ"
Từ ngôi nhà ẩm thấp, người đàn ông bước ra với nét mặt hằn học, đôi mắt đỏ ngầu như muốn “sinh sự” với người mới đến. Nhếch miệng phát những câu gầm gừ như tiếng sấm, khi người nghe chưa hiểu ông nói gì thì bất ngờ cặp nanh trồi ra giữa hai khóe miệng. Cặp nanh lúc đưa lên, lúc quặm xuống, lúc lại chĩa thẳng ra như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện…
Đó là hình ảnh hiếm hoi chúng tôi bắt gặp “chằn” Điền Sao thi triển dáng bộ ngoài đời. Nhân vật huyền thoại với hình ảnh biểu trưng cho một loại hình sân khấu độc đáo - dù kê, vang bóng một thời, nay đã rơi vào “sách đỏ”.
Nghệ thuật dù kê từ lâu trở thành niềm tự hào của người Khmer Nam bộ. Được sáng tạo bởi một nhà sư ở Trà Vinh, vào những năm 20 của thế kỷ trước, một thời cùng với hát bội, cải lương, dù kê phát triển rộng khắp vùng châu thổ Cửu Long. Không chỉ trong cộng đồng người Khmer Nam bộ, loại hình nghệ thuật này đã xuất ngoại và sớm được yêu thích, trở nên phổ biến ở Campuchia.
|
Trong các vở dù kê kinh điển, có một nhân vật tạo ra nhiều cảm xúc nhất khi xuất hiện là nhân vật chằn tinh. Hình ảnh chằn tinh không chỉ hiển hiện trên sân khấu mà còn len lỏi vào cuộc sống đời thường. Theo nhà nghiên cứu Sơn Lương, đối với những ông thầy tuồng, tuồng tích được dựng luôn phải có phe tốt và phe xấu - đại diện là chằn. Nó trở thành biểu trưng sân khấu của những nhân vật phản diện, mang đậm tính chất thế sự. Diệt chằn truyền thống trở thành quán tính thị hiếu của người Khmer.
Nhân vật chằn được vẽ mặt hao hao giống kép phiên, kép núi của hát bội hay hồ quảng. Điều khó nhất của các diễn viên đóng vai chằn là phải vừa ngậm nanh, múa võ, vừa đối thoại. Nanh chằn trong dù kê không phải được vẽ hay gắn cố định một chỗ, mà là nanh thật được giấu vào hai bên mép. Tùy theo diễn biến câu chuyện và trạng thái, tính cách của chằn mà nanh lồi ra theo kiểu nào, xuất hiện 1 hay 2 cái, đưa lên hay đưa xuống. Mọi động thái đều được điều khiển bằng lưỡi. Và vì vai chằn đòi hỏi công phu khổ luyện, nhiều lúc phải trả giá, nên người đóng vai này vốn đã hiếm giờ chẳng còn được mấy.
Những chằn tinh cuối cùng
Nghệ sĩ Điền Sao (Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng) lôi từ hộc tủ ra cặp nanh dài khoảng 1 tấc, được gói cẩn thận trong tấm vải đỏ. Nó là đạo cụ đã theo anh từ khi khởi nghiệp, trải qua bao nhiêu ngọt đắng của đời nghề. Giờ anh là một trong những người hiếm hoi đóng được vai chằn trên sân khấu dù kê.
|
Mê dù kê, 21 tuổi, anh chàng nông dân Điền Sao ở P.2, TP.Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đứng ra thành lập hẳn một gánh hát, có lúc lên đến 30 diễn viên, đi lưu diễn gần xa. Chỉ được 2 năm, “ông” chằn đã kéo Điền Sao đến với sân khấu của đoàn nghệ thuật tỉnh. Lúc đó, Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng thi tuyển diễn viên. Điền Sao dự thi với vai kép độc. Nhưng bất ngờ lại được yêu cầu diễn vai chằn, vì có người thấy Điền Sao diễn chằn ở sân khấu nhỏ khá đạt. Khác với nhiều vai diễn khác, vai chằn tinh trước tiên đòi hỏi người diễn có diễn được hay không, chứ chưa nói đến diễn hay hoặc dở. Lúc này, vai chằn tại đoàn đã có một cây đại thụ là NSƯT Thạch Wong đảm trách. Ngoài Thạch Wong, những người con của ông cũng noi theo cha diễn vai chằn. Còn Điền Sao, “nghiệp” chằn của anh bắt đầu từ việc đi khắp các chợ ở Sóc Trăng tìm mua đầu heo về bổ ra để… tìm lấy nanh. Phải mua hàng chục đầu heo anh mới tìm được chiếc nanh vừa ý.
Con đường nghệ thuật của các ông chằn kể ra cũng… chẳng nghệ thuật như thế. Đã vậy, khổ luyện để diễn vai chằn là một chặng đường gian nan. Nghệ sĩ Thạch Sovana, một chằn tinh khác của Đoàn nghệ thuật Khmer Triều An (Trà Vinh), kể rằng để luyện thành người đóng vai chằn, anh phải ngậm cái nanh trong miệng mấy tháng trời. Ban đầu, đưa cái nanh heo vô miệng, Sovana không sao tránh được buồn nôn. Cái nanh heo sao khớp với miệng người (?), chả trách anh chàng này tập đến nỗi... vạt cả các nướu răng, rách mép hàm, máu tuôn như nước. Hay những lúc lôi nanh lên, kéo nanh xuống, anh cắn phải lưỡi, chảy máu. Tuy vậy, không phải ai chuyên tâm khổ luyện đều thành công, mà phải cần có năng khiếu. Có đoàn hát vì thiếu vai chằn đã cho anh kép ngậm thử nanh và kết quả là nanh chằn chạy luôn vào dạ dày, báo hại phải chở đi phẫu thuật. Ngoài ngậm nanh thuần thục, người thủ vai này còn phải thuộc các bài võ dành riêng cho nhân vật phản diện được Khmer hóa, luyện thanh sao cho giọng la cũng nghe vang hơn, dữ tợn hơn. Chính vì khổ nhọc như thế mà ít người có thể đảm nhiệm được vai chằn một cách hoàn thiện trong nghệ thuật dù kê.
Ít người diễn vai chằn, sân khấu dù kê ngày càng hiếm sự xuất hiện của chằn hơn.
Bấm đốt ngón tay, Điền Sao cố moi trong trí nhớ xem còn ai giữ vai chằn nữa không: Thạch Wong ba anh đã mất, còn ông Tà Ót ở Tham Đôn giải nghệ, ông Phươl ở P.5 đoàn hát rã gánh giờ chạy xe ôm… Giờ cả Sóc Trăng chỉ còn anh và người em Đa Ra đứng trên sân khấu diễn vai chằn.
Tiến Trình
>> Hùng kê quyền vắng bóng truyền nhân
>> Truyền nhân của làng nghề bốn thế kỷ
>> “Truyền nhân” tranh thủy mặc
>> Truyền nhân võ Tây Sơn lên phim
>> Truyền nhân Khổng Minh, Chu Du
Bình luận (0)