Tỉ phú Phạm Nhật Vượng lên bìa Forbes

25/06/2013 12:30 GMT+7

(TNO) Hôm nay (25.6), Forbes phiên bản Việt Nam chính thức ra mắt với ảnh bìa là ông chủ của Vingroup Phạm Nhật Vượng, người Việt đầu tiên trở thành tỉ phú đô la (USD) của VN với khối tài sản ước tính khoảng 1,5 tỉ USD.

>> Ông Phạm Nhật Vượng giàu thứ 974 thế giới
>> Ra mắt tạp chí Forbes Việt Nam

Việc ông Vượng lọt vào top những người giàu nhất thế giới đã được Forbes công bố trước đó trong danh sách các tỉ phú thế giới năm 2013. Tuy nhiên, việc hình ảnh vị doanh nhân Việt đầu tiên lên trang bìa của tạp chí uy tín Forbes (phiên bản Việt Nam) là một sự khẳng định cho việc lần đầu tiên VN có tên trong top danh sách tỉ phú thế giới. Đây cũng là niềm hy vọng và cảm hứng cho các doanh nhân Việt trong thời buổi nền kinh tế có nhiều khó khăn như hiện nay.

Câu chuyện thành công của Phạm Nhật Vượng cùng phương châm “Làm đẹp cho đời” giúp doanh nhân gốc Hà Tĩnh này vinh dự được chọn làm nhân vật trang bìa và bài viết chi tiết chiếm 6 trang báo.

Phạm Nhật Vượng - người Việt đầu tiên vào bản đồ tỉ phú đô la thế giới
 Ông Phạm Nhật Vượng được chọn làm nhân vật trang bìa cho tạp chí Forbes Việt Nam số ra mắt - Ảnh: BTC

 
Trở thành tỉ phú đôla nhờ bước đầu khởi nghiệp từ kinh doanh mì ăn liền tại Ukraine và sau đó là đầu tư bất động sản ở Việt Nam, ông Phạm Nhật Vượng đang nuôi tham vọng vươn tới những cơ hội mới trên thị trường quốc tế
Bloomberg
Khối tài sản khổng lồ tỉ phú USD Việt 

Theo cách tính của Forbes, khối tài sản được thống kê của các ông chủ dựa theo cổ phiếu sở hữu trong công ty đại chúng và tư nhân, bất động sản, du thuyền, tác phẩm nghệ thuật, tiền mặt và trừ đi số nợ.

Với 53% cổ phần trong tập đoàn bất động sản Vingroup (284,6 triệu cổ phiếu VIC) cùng các bất động sản ở nhiều địa phương khác nhau, ước tính tổng cộng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 1,5 tỉ USD, trở thành tỉ phú USD trên thế giới.

Số tài sản của ông Vượng ngang hàng với “ông trùm” xe hơi của Nhật - Yasumitsu Shigeta, đại gia ngành dược K. Anji Reddy của Ấn Độ...

Điều đáng nói là ông Vượng năm nay chỉ mới 45 tuổi (sinh năm 1968), vẫn còn nhiều tương lai rộng mở ở phía trước.

Trong năm 2013, Vingroup sẽ hoàn tất hai dự án lớn tại Hà Nội (Times City và Royal City) cùng 16 dự án đang trong quá trình chuẩn bị.

Mới đây, ngày 29.5, quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus công bố thỏa thuận đầu tư 200 triệu USD để lấy 20% trong Vincom Retail. Thỏa thuận này cộng với số tiền bán Vincom A đã tạo ra khoản vốn 700 triệu USD cho Vingroup “tung hoành” những dự án sau.

Đây cũng là điều mà doanh nhân Hà Tĩnh từng chia sẻ: “Tôi không quan trọng mình có bao nhiêu tài sản, mà quan trọng làm sao làm cho đẹp, góp phần thay đổi bộ mặt đất nước mình một chút. Cho nên bất kỳ bất động sản nào được giá tốt, tôi bán ngay để có tiền xây cái khác, để lại những công trình đẹp cho đời”.

 Những cột mốc của tỉ phú đô la Phạm Nhật Vượng

+ Sinh năm 1968
+ 1987: Sau khi đỗ điểm cao vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội, ông được chọn sang Nga du học
+ 1992: Tốt nghiệp Kinh tế địa chất tại Moscow, cưới bà Phạm Thu Hương, du học sinh tại Nga
+ 1993: Chuyển đến Ukraine, thành lập công ty thực phẩm LLC Technocom sản xuất mì gói và bột canh xuất khẩu sang 29 quốc gia
+ 2001, sau khi trở thành "ông vua thức ăn nhanh" ở Ukraine, ông về nước đầu tư vào Nha Trang (Vinpearl)
+ 2009: Bán Technocom cho Nestle. Đổi tên Technocom Việt Nam thành Tập đoàn Vingroup (Tập đoàn Đầu tư Việt Nam), chuyển trụ sở từ Kharkov (Ukraine) về Hà Nội.
+ Năm 2010, Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán và giữ vị trí này 2 năm sau đó. Chỉ riêng tài sản của ông đã chiếm gần 50% tổng tài sản của 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán hiện nay và bỏ xa những doanh nhân đứng tiếp theo trong bảng xếp hạng.
+ Năm 2013: Bán Vincom Center A
+ Lọt vào bản đồ tỉ phú USD của tạp chí Forbes

Danh sách tỉ phú USD năm 2013 của Forbes

1.         Carlos Slim Helu (Mexico) - 73 tỉ USD, lĩnh vực truyền thông
2.         Bill Gates (Mỹ) - 67 tỉ USD, lĩnh vực công nghệ thông tin
3.         Amacio Ortega (Tây Ban Nha) - 57 tỉ USD, lĩnh vực thời trang
4.         Warren Buffet (Mỹ) - 53,5 tỉ USD, ngành công nghiệp thực phẩm
5.         Larry Ellison (Mỹ) - 43 tỉ USD, lĩnh vực phần mềm - địa ốc
6.         Hai anh em Charles Koch và David Koch (Mỹ) - 34 tỉ USD, đa ngành
8.         Lý Gia Thành (Hồng Kông) - 31 tỉ USD, đa ngành
9.         Liliane Bettencourt (Pháp), lĩnh vực mỹ phẩm
10.       Bernard Arnault (Pháp), lĩnh vực thời trang
....
974.     Phạm Nhật Vượng (Việt Nam) - 1,5 tỉ USD, bất động sản

Thanh Châu

>> Gia đình ông Phạm Nhật Vượng yêu cầu đính chính tin đồn thất thiệt
>> Ông Phạm Nhật Vượng giàu nhất sàn chứng khoán
>> Ông Phạm Nhật Vượng soán ngôi giàu nhất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.