(TNO) Trung Quốc vào hôm nay (26.6) đã hoàn tất sứ mệnh tàu vũ trụ có người lái dài nhất trong lịch sử khám phá không gian của nước này, sau khi tàu Thần Châu 10 mang ba phi hành gia trở về Trái đất an toàn, theo AFP.
Tàu Thần Châu 10 đã đáp xuống khu vực thảo nguyên Nội Mông ở miền bắc Trung Quốc vào lúc 8 giờ 7 phút sáng 26.6 (giờ Trung Quốc, tức 7 giờ 7 phút theo giờ VN).
AFP cho biết, chỉ huy chuyến bay là Nhiếp Hải Thắng là người đầu tiên bò ra khỏi khoang trở về của tàu Thần Châu 10 vào lúc 9 giờ 31 phút trong tiếng vỗ tay reo mừng của các chuyên gia cứu hộ, tiếp đó là Trương Hiểu Quang và Vương Á Bình, nữ phi hành gia thứ hai của Trung Quốc.
|
Như vậy, tàu Thần Châu 10 đã hoàn thành sứ mệnh chu du trong vũ trụ kéo dài 15 ngày, nhằm giúp Trung Quốc tiến thêm một bước lớn trong việc hiện thực hóa tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ riêng cho mình.
Trước đó, tàu Thần Châu 10 được đưa lên không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (ở vùng sa mạc Gobi thuộc tây bắc Trung Quốc) vào ngày 11.6. Đến ngày 13.6, tàu bay đến kết nối với Thiên Cung 1, mô-đun không gian được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo từ năm 2011, theo chế độ tự động.
Trong thời gian kết nối với Thiên Cung 1, ba phi hành gia của tàu Thần Châu 10 đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm về y tế và công nghệ lắp ghép trên quỹ đạo. Nữ phi hành gia Vương Á Bình đã có một buổi lên lớp về các kinh nghiệm bay vào không gian đối với hàng triệu học sinh nước này theo dõi qua video trực tuyến.
Được biết, Trung Quốc hiện có tham vọng lớn trong chương trình không gian của mình nhằm đuổi kịp Mỹ và Nga. Theo tuyên bố của Bắc Kinh thì đến năm 2020, nước này sẽ đưa người đặt chân lên mặt trăng và xây dựng một trạm vũ trụ riêng trên quỹ đạo.
Năm 2003, đất nước đông dân nhất hành tinh đã ghi tên vào danh sách những quốc gia có khả năng tự đưa người vào không gian (cùng với Nga, Mỹ) bằng tàu Thần Châu 5 với một phi hành gia.
|
Hai năm sau, Trung Quốc nâng số lượng phi hành gia theo tàu Thần Châu 6 lên hai người. Năm 2008 đánh dấu thêm một bước tiến của ngành công nghệ vũ trụ Trung Quốc bằng việc phóng tàu Thần Châu 7 mang theo ba phi hành gia.
Với chuyến bay này, Trung Quốc trở thành một trong ba nước (cùng với Mỹ, Nga) có khả năng tự đưa người vào vũ trụ và thực hiện việc đi bộ ngoài khoảng không vũ trụ.
Trong khi đó, Thiên Cung 1 được Trung Quốc phóng vào vũ trụ hồi tháng 9.2011 đặt cơ sở cho việc xây dựng trạm vũ trụ riêng của mình. Tiếp đó, Trung Quốc phóng tàu vũ trụ không người lái Thần Châu 8 lên thực hiện sứ mệnh lịch sử là lần đầu tiên kết nối với Thiên Cung 1 trên quỹ đạo vào đầu tháng 11.2011.
Vào giữa tháng 6.2012, Bắc Kinh tiến thêm một bước quan trọng bằng việc phóng tàu Thần Châu 9 mang ba phi hành gia, trong đó có nữ phi hành gia đầu tiên của mình, lên kết nối với Thiên Cung 1.
Ngoài ra, trong hai năm 2007 và 2010, Trung Quốc cũng hai lần phóng tàu thăm dò Hằng Nga đến quỹ đạo mặt trăng để chuẩn bị cho việc đưa tàu đáp xuống bề mặt chị Hằng và tiếp theo là đưa người đặt chân lên vệ tinh tự nhiên của Trái đất trước năm 2020.
Tiến Dũng
>> Thần Châu 10 thử nghiệm lắp ghép thủ công trên quỹ đạo
>> Lớp học không gian" đầu tiên của Trung Quốc
>> Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu-10
>> Trung Quốc sắp phóng tàu vũ trụ Thần Châu 10
>> NASA treo bảng cho thuê bệ phóng tàu vũ trụ
>> Trung Quốc thử nghiệm tàu vũ trụ tối mật?
>> Tàu vũ trụ SpaceShipTwo thử nghiệm hiệu suất tên lửa
>> Mỹ và châu u bắt tay chế tạo tàu vũ trụ mới
>> Viễn cảnh tàu vũ trụ đáp như trực thăng
>> Tàu vũ trụ Dragon bay chuyến thương mại đầu tiên
>> Tàu vũ trụ bí mật của Mỹ sắp bay chuyến thứ ba
>> Tàu vũ trụ của Nhật rời ISS
>> Tàu vũ trụ Nga "yên nghỉ" ở Thái Bình Dương
Bình luận (0)