Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi? - Kỳ 5: EMG không thực hiện đúng tinh thần Cambridge

28/06/2013 03:30 GMT+7

Nội dung chương trình và tinh thần giáo dục Cambridge đã bị méo mó khi chương trình này triển khai tại TP.HCM thông qua Công ty EMG Education.

>> Dạy tiếng Anh Cambridge, ai hưởng lợi ?
>> Kỳ 2: Không nói được bao nhiêu chi phí là vừa phải!
>> Kỳ 3: “Có chương trình nào nữa mà không độc quyền?”
>> Kỳ 4: Những vấn đề cần minh bạch

Với sự đồng ý của Sở GD-ĐT TP.HCM, Công ty EMG Education (EMG) đã đưa một số chương trình của Hội đồng Khảo thí quốc tế ĐH Cambridge (CIE) vào giảng dạy tại một số trường học, thường được mọi người gọi là chương trình tiếng Anh Cambridge, với học phí đến 3,4 triệu/tháng cho mỗi học sinh (HS). Tuy nhiên, đối chiếu những gì CIE đang làm ở 9.000 trường trên 160 nước thì có thể kết luận đã có 2 nhầm lẫn lớn về chương trình này tại Việt Nam.

 EMG không thực hiện đúng tinh thần Cambridge
Trên website của EMG có nhiều thông tin dễ gây nhầm lẫn cho phụ huynh và học sinh về chương trình Cambridge - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

EMG không thể tổ chức dạy các chương trình của CIE

Trên website của mình, EMG khẳng định: “Tại Việt Nam, EMG Education là đối tác ủy quyền chính thức để giảng dạy các chương trình của CIE như: Chương trình tiểu học quốc tế Cambridge; Chương trình THCS quốc tế Cambridge; Chương trình THPT quốc tế Cambridge IGCSE; Chương trình tú tài Anh quốc - chứng chỉ AS và A level”. Đây là một nhầm lẫn lớn.

 

Vai trò của EMG khi làm đối tác liên kết lẽ ra chỉ là trung gian giữa trường và CIE, thay mặt CIE hỗ trợ trường và tổ chức các kỳ thi mà thôi. Không thể có chuyện EMG đứng ra tổ chức trực tiếp giảng dạy, thu phí, bán sách còn nhà trường chỉ việc nhận 15% chiết khấu

Trên thế giới, thông thường một trường sẽ bày tỏ ý muốn hợp tác và CIE sẽ tìm hiểu mọi mặt về trường này, cử người sang khảo sát, sau đó hai bên ký hợp đồng hợp tác. Hợp tác chủ yếu bao gồm chuyện CIE cung cấp chương trình chuẩn, giáo án, giúp đào tạo giáo viên, tổ chức các kỳ thi cuối khóa... Hợp tác như thế thì phí sẽ không ở mức cao ngất như EMG đang tính bởi chỉ còn chủ yếu là phí đăng ký hằng năm, phí tổ chức thi... Vì thế, 9.000 trường trên thế giới đi theo con đường này, áp dụng chung cho toàn bộ HS của trường, không thể có chuyện phân biệt HS có khả năng nộp tiền thì được học, HS không đủ điều kiện thì chịu. Trong khảo sát, CIE sẽ cử người đến xem đội ngũ giáo viên của trường có đủ năng lực không, sự cam kết của ban lãnh đạo có cao không, cơ sở vật chất có đáp ứng không...

Cũng có những trường hợp trường không làm việc trực tiếp với CIE mà thông qua một đối tác liên kết (Cambridge Associate) - EMG là một đơn vị như thế. Nhưng vai trò của EMG khi làm đối tác liên kết lẽ ra chỉ là trung gian giữa trường và CIE, thay mặt CIE hỗ trợ trường và tổ chức các kỳ thi mà thôi. Không thể có chuyện EMG đứng ra tổ chức trực tiếp giảng dạy, thu phí, bán sách còn nhà trường chỉ việc nhận 15% chiết khấu. Làm như vậy là sai tinh thần Cambridge!

Cứ để tình hình như hiện nay, có thể đã xảy ra một sự cố ý nhầm lẫn bởi trên website của mình, EMG quảng bá họ có hàng loạt trường như thể đây là các chi nhánh của EMG như: EMG Chu Văn An, EMG Ngô Tất Tố, EMG Lê Quý Đôn, EMG Nguyễn Du... Và thực tế đã xảy ra tình huống EMG lấy cơ sở vật chất của các trường, tổ chức dạy cho HS như một nhà trường thứ hai song song với nhà trường chính thức. Như thể họ có trong tay một loạt trường tốt để kinh doanh - một hình thức kinh doanh rất khó chấp nhận.

Tất cả ý nghĩa của việc hợp tác với CIE là để dần dần xây dựng một đội ngũ giáo viên dạy được chương trình của CIE - một nhà trường hoạt động như một trường có danh nghĩa là “Cambridge School” - đã bị đánh mất theo cách làm của EMG. Đó là một hình thức “thương mại hóa” rất lộ liễu. Điều đáng lưu ý là có trường đã là thành viên chính thức của CIE, nộp hồ sơ xin triển khai chương trình IGCSE (tức một phần của chương trình Cambridge ở cấp trung học) mà Sở GD-ĐT TP.HCM từ chối, với gợi ý hoặc làm việc thông qua EMG hoặc xin phép Bộ. Đây là một cách làm mang tính củng cố sự độc quyền cho EMG.

Chương trình của CIE không phải chỉ dạy tiếng Anh

Thử khảo sát phụ huynh hay HS hay thậm chí cán bộ giáo dục xem họ nói các chương trình của CIE là gì. Có lẽ đa số sẽ nói đó là chương trình dạy tiếng Anh thuần túy hoặc dạy tiếng Anh sử dụng trong môn toán và khoa học. Đây là nhầm lẫn thứ hai.

CIE xây dựng một chương trình liên tục từ cấp tiểu học đến trung học và cả bằng Tú tài Anh quốc để chuẩn bị vào ĐH, tức giáo dục toàn diện các môn chứ không phải chỉ có tiếng Anh. Ví dụ trong cấp tiểu học, ngoài các môn tiếng Anh, toán và khoa học, HS còn học thêm tin học dưới dạng làm quen với các ứng dụng. Mục đích khi học các môn toán hay khoa học là học để lấy kiến thức và kỹ năng chứ không phải học để biết từ ngữ tiếng Anh trong các môn này. Hai cái này khác xa nhau. Đặc biệt đến cấp độ Cambridge IGCSE thì chuyện này càng rõ; chương trình gồm đến 70 môn cho HS chọn lựa với các môn như: văn học, nông nghiệp, kinh tế, sinh học... Đối với HS giỏi, còn có những chương trình như Cambridge A Level mức độ kiến thức cao hơn. Nói cách khác, CIE cũng sử dụng các chương trình này ở những nước nói tiếng Anh như: Úc, Mỹ, Anh nên nó không chỉ đơn thuần là chuyện dạy tiếng Anh như nhiều người lầm tưởng...

Trong khi đó, mục đích của Việt Nam trong đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 hoàn toàn khác, chủ yếu là giúp học sinh “có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa”. Hai mục tiêu khác nhau đã dẫn đến nhầm lẫn lớn nêu trên.

Vì thế, với các trường triển khai chương trình Cambridge lẽ ra họ phải trực tiếp làm việc với CIE để linh hoạt điều chỉnh chương trình “chính khóa”. Ví dụ đã học môn hóa bên Cambridge rồi thì được miễn môn hóa bằng tiếng Việt. Nhưng chắc chắn điều này không xảy ra ở Việt Nam và nếu CIE biết điều này, chắc họ sẽ ngỡ ngàng lắm. Đa số các trường trên thế giới, một khi đã áp dụng chương trình Cambridge rồi thì cứ thế mà dạy, chứ làm gì có chuyện dạy trùng lắp như ở nước ta!

Ngoài ra, CIE có tổ chức các kỳ thi cuối khóa nhưng để “chuẩn hóa” họ lại gợi ý sử dụng hệ thống thi của một “Cambridge” anh em khác - đó là Cambridge ESOL với các chứng chỉ như: Starters, Movers, Flyers, KET hay IELTS... Hệ thống thi cử này cũng đang được tổ chức cho các HS không theo học chương trình Cambridge nên sẽ làm cho phụ huynh bối rối, thắc mắc.

Với tất cả ma trận các chương trình và chứng nhận viết tắt khó nhớ như thế, phụ huynh và HS đang chịu những đợt “thương mại hóa” việc dạy và học tiếng Anh rất lộn xộn trong sự thờ ơ lẩn tránh trách nhiệm của lãnh đạo ngành giáo dục.

Trường học ở Thái Lan không phải thông qua trung gian nào

Các trường công lập ở Thái Lan có những lớp học EP (English Program). Trường công lập phải hội đủ một số yêu cầu về phòng ốc, phương tiện giảng dạy, giáo viên... sẽ được Bộ Giáo dục cấp phép mở lớp EP. Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo của Bộ Giáo dục Thái Lan cho biết giáo trình giảng dạy cho những lớp EP là do bộ này quy định, được phát hành rộng rãi trong các nhà sách toàn quốc. Những lớp EP có thời gian học không dưới 18 tiết tiếng Anh/tuần và mỗi lớp không quá 30 HS. Các HS sẽ phải trả thêm tiền cho những lớp học đặc biệt này.

Việc giảng dạy bằng tiếng Anh trong các trường học ở Thái Lan khá đa dạng. Rất nhiều trường quốc tế ở nước này chọn tiêu chuẩn của Cambridge. Đại diện của Trường Varee International (Chiang Mai) cho PV Thanh Niên biết trường giảng dạy theo chương trình Cambridge cho HS từ lớp 7 trở lên và học bằng tiếng Anh hoàn toàn. Đại diện của trường liên lạc trực tiếp với CIE mà không qua bất kỳ đại diện được ủy quyền hay đối tác nào ở Thái Lan. Sách giáo khoa được giáo viên chọn và thông báo trước cho HS vào đầu năm học. Có ít nhất 3 nguồn cung cấp sách học theo chương trình của CIE ở Thái Lan, trong đó có cả nhà sách của Cambridge.

Minh Quang (Văn phòng Bangkok)

Nguyễn Vạn Phú

>> TP.HCM giảm số trường dạy tiếng Anh tự chọn
>> Tuyển 29 giáo viên Philippines dạy tiếng Anh
>> Dạy tiếng Anh cho công an theo chuẩn quốc tế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.