Mặc dù nhiều người có thể rất coi thường nguồn năng lượng này nhưng đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể sạc pin trực tiếp cho thiết bị như điện thoại di động từ nước tiểu, do đó có thể được xem là một bước đột phá. Báo Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Ioannis Ieropoulos từ Trường đại học West England, Bristol: “Dùng chất thải cuối cùng làm nguồn năng lượng sản xuất ra điện là cách sử dụng có lợi cho sinh thái. Nước tiểu có nguồn cung vô tận. Do đó, độ tin cậy của nguồn nhiên liệu này là một điểm đặc sắc. Ưu điểm của nguồn nhiên liệu này là không phải dựa vào bản chất thay đổi thất thường của gió hay mặt trời”.
|
Các cục pin nhiên liệu vi khuẩn là bộ chuyển đổi năng lượng, trực tiếp biến chất hữu cơ thành điện nhờ quá trình trao đổi chất của vi sinh vật sống. Về cơ bản, điện là phụ phẩm trong chu kỳ sống tự nhiên của vi khuẩn, do đó chúng càng tiêu hóa nhiều nước tiểu càng tạo ra nhiều năng lượng trong thời gian dài hơn.
Bằng cách khai thác năng lượng của nước tiểu khi đi qua một chuỗi pin nhiên liệu vi khuẩn, các nhà nghiên cứu đã có thể sạc được điện thoại di động Samsung. Sản lượng điện mà pin nhiên liệu vi khuẩn tạo ra tương đối ít, các nhà nghiên cứu hiện chỉ có thể trữ và tích lũy ít năng lượng vào tụ điện để dùng cho sạc nhanh. Cho đến nay, năng lượng nhiên liệu vi khuẩn tạo ra đủ để gửi tin nhắn SMS, duyệt web và thực hiện một cuộc gọi ngắn. Tuy nhiên, để thực hiện cuộc gọi dài trên điện thoại di động sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn.
Ý tưởng sạc điện thoại từ nước tiểu đã được thử nghiệm và đang đi vào hoạt động, các nhà nghiên cứu đang cố gắng cải tiến quy trình phát triển pin nhiên liệu vi khuẩn để có thể sạc đầy pin. Nghiên cứu này được chia sẻ trên tạp chí Hóa học vật lý của Hội Hóa học Hoàng gia Anh.
Trong tương lai, công nghệ này có thể được lắp đặt trong các nhà vệ sinh để khai thác nước tiểu và sản xuất đủ điện dùng cho bóng đèn, thiết bị vòi sen hoặc ít nhất cho đồ cạo râu. Cũng theo tiến sĩ Ioannis, các nhà nghiên cứu hiện đang đấu thầu cho khoản tài trợ để làm việc với các đối tác của Mỹ và Nam Phi trong dự án xây dựng nhà vệ sinh thông minh.
Phương Tú - Tạ Xuân Quan
>> Sạc pin siêu tốc
>> Sạc pin điện thoại khi mất điện
>> Sạc pin không dây trên ô tô
>> Lắc "dế" để sạc pin
>> Sạc pin điện thoại trong 10 phút
Bình luận (0)