Lo lỡ cơ hội từ TPP

24/07/2013 03:00 GMT+7

Trong khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) còn đang đàm phán thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mạnh tay rót vốn vào những lĩnh vực VN có lợi thế cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội. Ngược lại, hầu hết các doanh nghiệp trong nước vẫn rất mơ hồ về TPP.

Doanh nghiệp ngoại nhanh chân

Các nghiên cứu đều thừa nhận việc tham gia TPP sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế VN. Theo tính toán, năm 2025 GDP của VN có tham gia TPP sẽ cao hơn từ 7,7 - 10,5% so với không tham gia TPP; xuất khẩu cao hơn 28,4%, tương đương con số 307 tỉ USD... Những ngành thâm dụng lao động cao, hàm lượng công nghệ thấp như dệt may và da giày sẽ tăng mạnh nhất, đến 45,8% và đạt kim ngạch khoảng 165 tỉ USD.

Lo lỡ cơ hội từ TPP
Các doanh nghiệp nước ngoài nhanh chân đầu tư vào dệt may để đón đầu cơ hội từ TPP - Ảnh: Diệp Đức Minh

Có lẽ vì vậy mà nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài đã mạnh tay rót vốn đầu tư vào ngành dệt may, mà đặc biệt là lĩnh vực phụ trợ cho ngành này tại VN. Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trong “sân chơi” này thì Mỹ là người dẫn dắt cách chơi. Họ muốn bảo hộ ngành dệt may của mình nên áp dụng nguyên tắc, tất cả nguyên liệu đầu vào của ngành này phải có xuất xứ từ TPP mới được hưởng thuế suất ưu đãi, trong khi ngành dệt may của VN phụ thuộc tới 40% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc - quốc gia không tham gia TPP. Đó là bất lợi của VN trong việc tranh thủ các ưu đãi thuế của TPP.

Đáng nói hơn, trong khi VN đang đàm phán chi tiết về các điều khoản của TPP thì các DN đến từ các nước, vùng lãnh thổ không tham gia TPP đang phát triển các dự án đầu tư tại VN theo quy mô lớn. Điển hình như Công ty Kyungbang của Hàn Quốc mới khai trương cơ sở sợi trị giá 40 triệu USD ở Bình Dương và sẽ tiếp tục mở rộng gia đoạn 2, 3 có tổng vốn đăng ký thêm 160 triệu USD với mục tiêu trở thành nhà máy sợi lớn nhất châu Á. Công ty Unisoll Vina (thuộc Hansoll Textile Ltd, Hàn Quốc) vừa được tỉnh Bến Tre trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc và các sản phẩm từ da, lông thú, có vốn đầu tư 50 triệu USD, công suất 90 triệu sản phẩm/năm để xuất khẩu. Một "đại gia" khác trong ngành này là Texhong đến từ Hồng Kông cũng đã khánh thành giai đoạn 1, đồng thời khởi công xây dựng giai đoạn 2 nhà máy sản xuất sợi vốn 300 triệu USD tại Quảng Ninh. Dự án là một tổ hợp nhà máy gồm 4 xưởng sợi với 370.000 cọc sợi và các công trình phụ trợ để sản xuất, gia công, tiêu thụ các loại sợi bông thiên nhiên, sợi nhân tạo, vải. Trước đó, doanh nghiệp này đã có một nhà máy trị giá 200 triệu USD ở tỉnh Đồng Nai. Một DN khác đến từ Hồng Kông là TAL cũng đầu tư thêm 200 triệu USD vào hàng dệt may tại VN.

Không chịu chậm chân, các DN Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Công ty Sunrise của Trung Quốc đã liên doanh với Công ty CP đầu tư và phát triển Thiên Nam (VN) thành lập Công ty CP dệt nhuộm Thiên Nam Sunrise, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2013 với quy mô sản xuất 1 triệu mét vải dệt thoi/tháng và 300 tấn vải dệt kim/tháng.

Có thể thấy, các DN nước ngoài đánh giá rất cao những cơ hội mà VN có được khi tham gia TPP và họ đã nhanh chóng triển khai mọi hoạt động để chớp lấy những cơ hội này.


Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng qua các năm - Nguồn: báo cáo của Bộ Công thương

Lo doanh nghiệp nội "lỡ hẹn"

Theo TS Thành, TPP được đánh giá là hiệp định thương mại tự do của thế kỷ 21 vì nó có chất lượng cao nhất so với các hiệp định từ trước tới nay. Còn ông Mark Gillin, Chủ tịch AmCham VN, thì coi đó như cơ hội đổi mới lần thứ 2 của VN. Cuộc đổi mới lần thứ nhất, nền kinh tế VN có nhiều bước phát triển vượt bậc. Đặc biệt, quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và VN đã tăng từ mức 1 tỉ USD lên 26 tỉ USD, tính từ năm 2001 - 2012. Tuy nhiên, trong cơ cấu xuất khẩu của VN thì hàng của các DN nước ngoài ngày càng tăng và hiện chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy các DN trong nước chưa tận dụng tốt các cơ hội được tạo ra khi VN tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế mà đặc biệt là WTO.

Nhiều chuyên gia nhận xét, các lần trước DN trong nước thường rất mơ hồ, không có và cũng không được chuẩn bị để tham gia vào các sân chơi lớn. Chính vì vậy, họ thường bị “hụt hơi” nên teo tóp dần trước sức cạnh tranh của các DN nước ngoài. Với TPP lần này cũng tương tự. Dự đoán sẽ có một luồng vốn của các DN nước ngoài đầu tư vào VN để đón đầu TPP và khi đó phần lợi lớn mà VN được hưởng theo các nghiên cứu định lượng nói trên vẫn sẽ rơi vào tay họ chứ không phải DN nội địa.

Để tránh “lỡ hẹn” như những cơ hội trước đây, ông Mark Gillin cho rằng VN cần tạo cơ hội cho các DN tư nhân có điều kiện thuận lợi để phát triển. Khu vực kinh tế tư nhân chính là tiền đề, động lực cho cuộc đổi mới lần thứ 2 thành công vì họ thực sự là những người năng động và sáng tạo. Mặt khác, các DN Việt Nam cũng phải tự nỗ lực và chủ động tìm kiếm nắm bắt cơ hội của chính mình.

Vài nét về TPP

Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - còn gọi là TPP) là hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó:

* Thuế quan: Cắt giảm hầu hết các dòng thuế, thực hiện ngay hoặc thực hiện với lộ trình rất ngắn.

*Dịch vụ: Tăng mức độ mở cửa các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính.

*Đầu tư: Tăng cường các quy định liên quan đến đầu tư nước ngoài và bảo vệ nhà đầu tư.

*Quyền sở hữu trí tuệ: Tăng mức độ bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.

*Bảo vệ tính mạng, sức khỏe: Tăng mức độ bảo vệ thông qua các quy định khắt khe hơn về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật.

*Cạnh tranh và mua sắm công: Tăng cường cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm công.

*Các vấn đề lao động: đặc biệt là các vấn đề về quyền lập hội (công đoàn), quyền tập hợp và đàm phán chung của người lao động, quy định cấm sử dụng mọi hình thức lao động cưỡng bức, quy định cấm khai thác lao động trẻ em, quy định không phân biệt đối xử trong lực lượng lao động.

Theo các chuyên gia TPP, với vai trò dẫn dắt của Mỹ nên tới thời điểm này Trung Quốc vẫn tuyên bố không tham gia TPP. Trong khi đó, ông Mark Gillin cho biết nhiều nước TPP cũng không muốn có sự tham gia của Trung Quốc vì “người dân Mỹ và nhiều nước khác đã rất sợ hàng hóa kém chất lượng của nước này...”.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.