Không bán nợ xấu sẽ bị thanh tra

26/07/2013 03:20 GMT+7

Những ngân hàng có nợ xấu sẽ được xem xét mua lại, trong trường hợp giấu giếm không chủ động bán sẽ bị thanh tra, kiểm toán làm rõ để xử lý.

Những ngân hàng có nợ xấu sẽ được xem xét mua lại, trong trường hợp giấu giếm không chủ động bán sẽ bị thanh tra, kiểm toán làm rõ để xử lý.

  VAMC sẽ phụ trách xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng
VAMC sẽ phụ trách xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng - Ảnh: Ngọc Thắng

Đó là những biện pháp chủ yếu mà Công ty quản lý tài sản (VAMC) sẽ sử dụng để giải quyết gần 140.000 tỉ đồng nợ xấu hiện nay, khi chính thức ra mắt ngày hôm nay (26.7).

“Siêu” công ty

Theo Nghị định 53 của Chính phủ, VAMC là công ty TNHH một thành viên do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sở hữu 100% vốn với nhiệm vụ chính là xử lý nợ xấu cho hệ thống, hoặc cũng có thể đầu tư vào các doanh nghiệp (DN) thông qua mua cổ phần, góp vốn… Hai biện pháp kỹ thuật được dùng là: mua trực tiếp bằng tiền; phát hành trái phiếu đặc biệt để các NH mua lại bằng đúng món nợ xấu, các NH có thể dùng trái phiếu này thế chấp, vay tái cấp vốn từ NHNN.

 

Việc mua bán nợ đòi hỏi phải rất minh bạch và quá trình giám sát cũng phải rất chặt chẽ. Bởi đa phần các khoản nợ hiện nay đều gắn nhiều đến thị trường bất động sản, nếu không giải trình minh bạch dễ dẫn đến sự hiểu lầm của dư luận...

TS Lê Đăng Doanh

Có thể thấy VAMC là một “siêu” công ty với đủ cơ chế ưu ái, đặc thù khi hoạt động không vì lợi nhuận, vốn điều lệ chỉ 500 tỉ đồng. Vốn mỏng nên VAMC được phát hành trái phiếu đặc biệt mua lại các món nợ xấu của NH, tất nhiên những món nợ phải có tài sản thế chấp và các DN phải còn khả năng trả nợ…

Ngoài ra, theo Nghị định 53, nếu NH nào có nợ xấu chiếm trên 3% tổng dư nợ không bán lại, NHNN sẽ thanh tra, hoặc đề nghị kiểm toán và buộc phải bán lại. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, nhận xét cơ chế này dù hơi hướng mang tính chất “ép buộc” nhưng lại hết sức cần thiết trong bối cảnh nợ xấu cao, cần phải xử lý gấp và việc các NH lâu nay vẫn thường xuyên giấu giếm, không công khai tình trạng, mức độ nợ xấu thật.

Trước đó, vào cuối tháng 6.2013, Chánh thanh tra NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa đã công bố tỷ lệ nợ xấu toàn ngành NH tính đến hết tháng 5.2013 là 4,65% tổng dư nợ, có 30 trong tổng số 124 tổ chức tín dụng có mức nợ xấu trên 3% tổng dư  nợ. Như vậy, ngay sau khi đi vào hoạt động, NHNN đã có thể căn cứ vào quy định này để yêu cầu phải sớm bán lại nợ xấu cho VAMC.

Cần công khai minh bạch

 SỐ LIỆU NỢ X́U

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng sau khi đi vào hoạt động VAMC sẽ xử lý được khoảng 40.000 đến 70.000 tỉ đồng nợ xấu trong 2013. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này là hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng - Trường đại học Mở TP.HCM, nhận xét: “Khả năng này sẽ khó đạt vì năm 2013 chỉ còn có 5 tháng nữa. Công ty thì mới đi vào hoạt động nên thị trường cũng chưa kỳ vọng nhiều. Phải có thời gian thì khoản nợ xấu kia mới có thể giải quyết được”. Cũng theo ông Thuận, trong thời gian đầu, những khoản nợ xấu có thanh khoản cao được xử lý trước, lúc đó đồng vốn sẽ quay vòng nhanh để xử lý những khoản nợ xấu còn lại. “Các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo thường là bất động sản, khi những khoản nợ này được giải quyết, thanh khoản trên thị trường bất động sản sẽ tốt hơn. Dòng tín dụng từ ngân hàng đối với DN cũng sẽ tốt hơn”, ông Thuận đề xuất thêm.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), số nợ xấu 70.000 tỉ đồng quá lớn, trong khi những quy định về quy chế hoạt động của VAMC cũng như thông tư hướng dẫn hiện chưa được ban hành. Quan trọng hơn cả, đó chính là việc định giá lại nợ xấu hiện nay không hề đơn giản khi thị trường mua bán nợ xấu, cũng như các đơn vị định giá vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp…

TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho biết VAMC theo quy định chỉ xử lý nợ xấu có tài sản đảm bảo, thế chấp và DN có khả năng trả được nợ. Hiện tại, không ít DN không có tài sản thế chấp, tài sản không đủ giá trị, nên sẽ khó lòng được mua nợ. Vì vậy, việc kỳ vọng xử lý nhanh, cũng như làm sạch nợ trong hệ thống để khơi thông dòng tín dụng sẽ không hề đơn giản. Về giải pháp dùng “tiền mặt” mua trực tiếp nợ theo giá thị trường, theo ông Thành, cũng hàm chứa nhiều yếu tố rủi ro cả về khâu định giá, cũng như khả năng thực sự của VAMC khi mức vốn điều lệ hiện nay chỉ có 500 tỉ đồng.

TS Lê Đăng Doanh khẳng định việc mua bán nợ đòi hỏi phải rất minh bạch và quá trình giám sát cũng phải rất chặt chẽ. Bởi đa phần các khoản nợ hiện nay đều gắn nhiều đến thị trường bất động sản, nếu không giải trình minh bạch dễ dẫn đến sự hiểu lầm của dư luận... Vì vậy, VAMC cần phải công khai những khoản nợ xấu được xử lý để dư luận được biết. 

Anh Vũ - Thanh Xuân

>> Nợ xấu tăng thêm gần 1,7%
>> Đề xuất giám sát xử lý nợ xấu, hàng tồn kho trong năm 2014
>> Khó khăn trong xử lý nợ xấu
>> Che giấu nợ xấu sẽ bị chế tài nghiêm khắc
>> Nhanh chóng xử lý “cục máu đông” nợ xấu
>> Nợ xấu còn cao, doanh nghiệp phá sản còn nhiều
>> Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... còn chậm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.