(TNO) 'Thành công trì hoãn' là cụm từ mà giới trẻ thường dùng để chia sẻ với những ai chưa đậu ĐH ngay lần thi đầu tiên. Nhưng trượt đại học lần đầu, bạn vẫn có thể tận dụng thời gian đấy đi học từ 'trường đời', xem đấy như một 'học kỳ trống' bổ ích, khám phá bản thân trước khi đặt chân vào giảng đường.
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 3: Những người không học đại học
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 2: Cứ đi sẽ tìm thấy đường
>> Tôi trượt đại học - Kỳ 1: Rớt đại học? Đó chỉ là một con đường
Thất bại là bài học của sự thành công
Không chỉ riêng ở Việt Nam, mà trên thế giới, nhiều bạn trẻ cũng phải đối diện với áp lực giành tấm vé vào ĐH, sau khi kết thúc những năm tháng phổ thông. Ở nhiều nước, vào ĐH không phải chỉ là kì thi ĐH 3 môn, mà gồm một bộ hồ sơ nhiều yếu tố: điểm ngoại ngữ, điểm phổ thông, bài luận, thư giới thiệu…
Vì vậy, việc bị “đá ra khỏi trường ĐH” cũng là điều bình thường. Vấn đề là nhiều bạn trẻ lại có cách tận dụng việc thi trượt ĐH như một điểm mạnh để bước vào đời.
Adam Grant (24 tuổi) sau khi tốt nghiệp cấp 3 tại Trường Westminster School (London, Anh quốc) đã nộp hồ sơ vào ĐH Oxford danh tiếng, ngành kinh tế học. Adam bị loại ngay từ vòng xét hồ sơ. Thế nhưng, cậu bạn không chán nản mà chọn cách riêng của mình thực hiện một gap year - Học kỳ trống (có thể hiểu nôm na là dành một năm không đụng gì đến sách vở, rời khỏi ghế nhà trường, đi trải nghiệm thực tế - NV).
|
Anh chàng năm đó 18 tuổi đã tự xách ba lô lên đi sang Ý, Hy Lạp, bay hẳn một vòng sang Campuchia, Lào, Việt Nam… để tham gia nhiều chương trình tình nguyện, du lịch, thậm chí là làm việc tại nơi xứ người.
Adam kể: “Ở nước mình, chuyện trượt ĐH là bình thường và mọi người thường xách ba lô lên vào thời điểm hết năm phổ thông và năm đầu tiên của đại học để quyết định về tương lai của mình: Tôi muốn làm gì?”.
Trong suốt thời gian “xê dịch” Adam từng đến Việt Nam phục vụ cho một cửa hàng bánh pizza ở Q.1 (TP.HCM). Và vì vậy Adam có thể kể vanh vách về mọi ngóc ngách tại Sài Gòn.
Hết một năm di chuyển, Adam Grant quay về lại London và nộp lại hồ sơ bài luận rất ấn tượng với chủ đề “Tôi đã học được gì từ cú trượt ĐH đầu đời”.
Ngay sau đó, Adam nhận ra mình hợp với ngành luật hơn là kinh tế học. Sau chuyến “gap year”, Adam nhận được học bổng toàn phần tại ĐH Oxford. Hiện tại, Adam đang làm việc tại hãng tư vấn luật toàn cầu Cleary Gottlieb Steen & Hamilton (New York, Mỹ).
Tại Việt Nam, từng có chương trình trại hè VYE (Vietnamese Youth Entrepreneur) dạy các bạn trẻ về cách khởi nghiệp do Giáo sư Tom Kosnik (Đại học Standford, Hoa Kỳ) đứng bục.
Giáo sư Tom Kosnik từng chia sẻ với các học trò Việt Nam “Sự thất bại bao gồm cả việc thi rớt ĐH hay khởi nghiệp thất bại. Đó là bài học của sự thành công vì nếu như cuộc sống bạn chỉ có thành công liên tục thì khi gặp thất bại sẽ là điều rất tồi tệ. Đó là lý do các bà mẹ ở Mỹ đều mong cho con của mình thi trượt ít nhất một kỳ thi quan trọng trong cuộc đời hơn là mong chúng thành công”.
|
"Học kỳ trống" cho “thành công trì hoãn”
Câu chuyện của Trần Việt Linh (học sinh 12 chuyên hóa, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) là điển hình cho một câu chuyện theo đuổi học kỳ trống. Việt Linh quyết định trì hoãn việc đi học dù đã được nhận vào ĐH.
Ở nhà một năm, Việt Linh làm việc cho một trung tâm du học để hiểu thêm về văn hóa, tham gia những tổ chức hướng dẫn cho các bạn trẻ trên diễn đàn VietAbroader, sáng lập ra hàng loạt các kênh kết nối thế hệ học sinh Ams.
Năm sau, cậu thi lại vào Washington and Lee (nằm trong top 12 trường ĐH hàng đầu nước Mỹ) và giành học bổng gần 232.000 đô la Mỹ (5 tỉ đồng) cho 4 năm ĐH.
|
Cẩm Anh (22 tuổi) từng hoãn việc học để "đi trải nghiệm" bằng việc sang Mỹ làm thêm, rồi "phượt" sang Ấn Độ một mình, lặn lội sang Thái Lan để tìm hiểu về ngành học mà mình yêu thích.
Sau kỳ "học kỳ trống", Cẩm Anh quyết định chọn Trường Prince of Songkla (Phuket, Thái Lan) để theo học ngành quản trị kinh doanh.
|
Nhiều trường ĐH lớn trên thế giới như Harvard, Princeton, Yale (Mỹ) hoặc Cambridge, Oxford (Anh)… đều ghi rõ trong thông báo tuyển sinh của mình rằng: Khuyến khích các bạn học sinh đi đâu đó trải nghiệm, học "học kỳ trống", để có được cái nhìn rõ ràng, cụ thể và tầm nhìn chắc chắn trước khi quyết định vào trường.
Với số đông các bạn Việt Nam, việc chọn một "học kỳ trống" để trải nghiệm, để hiểu về bản thân và tích lũy kinh nghiệm là điều tương đối mới mẻ và... khó khăn.
Thế nên, nếu có không may mắn trong kỳ tuyển sinh năm nay, bạn sẽ vẫn là một thí sinh có “thành công bị trì hoãn” mà thôi.
Thay vì chọn cho mình cách suy nghĩ tiêu cực, việc “Việt hóa gap-year” bằng cách cho phép mình "tìm hiểu cuộc sống" trong vòng một tháng, vài tháng, nửa năm hoặc chỉ 1-2 tuần cũng được, bằng cách làm thêm, tham gia tình nguyện... cũng là một lựa chọn không hề tồi.
Người viết đã thực hiện một khảo sát bỏ túi với 80 bạn trẻ Việt Nam về kết quả kỳ thi ĐH. Có 13 bạn (16%) đã nghĩ rằng mình sẽ tham gia vào một học kỳ trống, trong khi đó chỉ có 5 bạn (6%) chọn việc học lại để năm sau thi tiếp. Trong số các bạn được khảo sát, có đến 42 bạn (53%) chọn việc vào ĐH rồi... tính tiếp. Chỉ có 40 bạn (50%) thi ĐH vì chính cuộc sống bản thân mình. Các bạn còn lại thi ĐH vì bố mẹ, vì chứng minh bản thân và vì hiệu ứng xã hội. 12 bạn (15%) cho biết bị bố mẹ mắng thậm tệ sau khi thi trượt ĐH. |
Huỳnh Lưu Đức Toàn
Ảnh: Do các nhân vật cung cấp
>> Giới trẻ Trung Quốc làm gì khi trượt đại học?
>> Tạo điểm tựa khi con trượt đại học
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc
>> Bốn lần thi đại học của chàng trai rượu chè, cờ bạc - Kỳ 2
Bình luận (0)