Bên cạnh chương trình bình thường, các trường đại học còn có những chương trình đặc biệt thu học phí cao. Sau nhiều năm triển khai, vấn đề đặt ra là chất lượng các chương trình này chưa thực sự xứng với mức học phí cao mà người học phải bỏ ra.
>> Ngổn ngang nỗi lo đầu năm học mới
>> Năm học mới, giải quyết vấn đề cũ
Học phí cao, đầu vào thấp
Năm 2006, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là một trong những trường đầu tiên trong cả nước triển khai tuyển sinh và đào tạo chương trình chất lượng cao. Từ 3 ngành, nay trường mở rộng quy mô lên tới hơn 10 ngành. Chương trình này sau đó tiếp tục mở rộng ở nhiều trường ĐH như: Luật, Ngoại thương, Mở, Kinh tế… Đặc biệt đến năm học 2013-2014, khi Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH xây dựng mô hình chương trình đào tạo chất lượng cao với học phí tương ứng thì mô hình này ngay lập tức được nhân rộng thêm nhiều trường khác như: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Tài chính - Marketing… với mức học phí trên dưới 20 triệu đồng/năm, cao gấp 4 đến 5 lần so với học phí bình thường.
|
Trong khi đó, yêu cầu đầu vào của các chương trình này khá đơn giản, thậm chí còn thấp hơn một số ngành có điểm trúng tuyển cao của trường. Thí sinh chỉ cần trúng tuyển vào trường, có nguyện vọng, đăng ký sẽ được theo học. Bên cạnh đó, ở một số trường, chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt nên sinh viên cũng không cần phải đạt chuẩn đầu vào tiếng Anh. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Dù đầu vào dễ nhưng sinh viên đăng ký theo học chương trình này không nhiều lắm qua các năm. Những năm đầu sinh viên đăng ký còn nhiều, sau này thì mỗi năm chỉ có khoảng từ 300 đến 400 sinh viên đăng ký. Lý do một phần cũng bởi học phí cao hơn nhiều so với chương trình đại trà, như năm 2012 khoảng 19 triệu đồng/năm”. Không chỉ đầu vào, chuẩn đầu ra mà các trường xây dựng với chương trình chất lượng cao cũng không khác biệt nhiều so với bình thường. Có chăng, ở một số trường chỉ khác chuẩn đầu ra tiếng Anh và các kỹ năng mềm.
Chỉ là dịch vụ cao
Trao đổi về chất lượng đào tạo của chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận: “Chương trình chất lượng cao ở đây không phải chương trình đào tạo tài năng mà chỉ là một dịch vụ đào tạo chất lượng cao. Chỉ tiêu chương trình này nằm trong chỉ tiêu chung, bằng cấp cũng giống với chương trình đại trà. Cái khác duy nhất chỉ là môi trường và cách thức đào tạo chất lượng tốt hơn. Cụ thể thì đó là lớp học sĩ số thấp, giảng viên từ thạc sĩ, giảng viên chính trở lên mới tham gia giảng dạy. Điều kiện thực hành, thực tập và giáo trình cũng được phục vụ tốt hơn”.
Theo quan điểm của tiến sĩ Dũng, để có chất lượng đào tạo tốt, ngoài công tác quản lý và môi trường học tập tốt, cần phải có đầu vào tốt. Tuy nhiên, chương trình chất lượng cao của trường chủ yếu là thí sinh rớt nguyện vọng 1. Thực tế, nhiều sinh viên theo học chương trình này chưa có thái độ học tập tốt, còn thụ động và lười học, vẫn không ít sinh viên bị nợ học phần. “Đây là vấn đề rất “đau đầu” của nhà trường. Với chương trình mà người học đóng học phí cao hơn để có điều kiện học tập tốt hơn, nhà trường cũng kỳ vọng sẽ có được chất lượng đầu ra tốt hơn”, ông Dũng nhìn nhận.
Với những trường năm nay bắt đầu triển khai chương trình này, tuy cho rằng sẽ chú trọng vào chất lượng (chứ không chỉ là dịch vụ cao) nhưng cũng không khẳng định mạnh mẽ .
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết trường chỉ mở 2 ngành thế mạnh: báo chí, quan hệ quốc tế. Sinh viên muốn học chương trình chất lượng cao bắt buộc phải trúng tuyển vào 2 ngành này và xét chỉ tiêu từ cao xuống thấp. Ngoài ra, trường cũng sẽ tiến hành kiểm tra năng lực chuyên môn đầu vào của sinh viên theo từng ngành. Bằng cấp sinh viên ra trường cũng khác với đại trà khi có ghi rõ hệ đào tạo chất lượng cao. Tiến sĩ Hạ kỳ vọng: “Với sinh viên đầu vào cao, môi trường đào tạo tương đối đặc biệt, nhà trường hy vọng sẽ cho ra những sản phẩm sinh viên chất lượng với cơ hội việc làm tốt. Do vậy, với chuẩn đầu ra được xác định rõ ràng, chương trình này không chỉ cung cấp dịch vụ cao trong học tập cho sinh viên”.
Lãnh đạo Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao và chương trình đặc biệt sẽ được trường giới thiệu việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, khi bàn về chất lượng, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, chỉ nói: “Sinh viên sẽ có điều kiện học tập tốt hơn hẳn so với sinh viên đại trà. Tuy vậy, chất lượng cuối cùng của người học thế nào thì còn phải chờ khi sinh viên ra trường”!
Hà Ánh
>> Chất lượng giáo dục phải tương ứng với học phí
>> Tăng học phí nhưng không tăng chất lượng !
>> TP.HCM tăng học phí
>> Đề xuất tăng học phí gấp 2 đến 6 lần
>> Học trường mới, học phí tăng gần 4 lần
Bình luận (0)