|
Được bác sĩ Alexandre Yersin phát hiện năm 1893, Đà Lạt từ một vùng đất hoang sơ đã phát triển thành một đô thị nổi tiếng, với những công trình kiến trúc mang đậm nét châu Âu. Hàng ngàn công trình kiến trúc Pháp ở đây phần lớn là các biệt thự nhẹ nhàng nép mình vào thiên nhiên đã tạo nên nét đặc thù riêng biệt của Đà Lạt, một trong những đô thị hiếm hoi ở VN đủ các yếu tố để có thể gọi là “đô thị di sản”.
Những biệt thự hoang
Thế nhưng, Đà Lạt lại đang là thành phố có số biệt thự bị bỏ hoang khá lớn.
Điển hình là 11 ngôi biệt thự trên đường Nguyễn Du (P.9). Khoảng 10 năm trước, sau khi di dời các cơ quan thuộc Tỉnh ủy Lâm Đồng ở khu vực này về đường Lê Hồng Phong, hàng chục biệt thự lớn được sử dụng vào mục đích kinh doanh, tạo thành khu du lịch phía đông - bắc hồ Xuân Hương. Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) được giao 20 ngôi biệt thự ở khu vực đường Nguyễn Du - Phó Đức Chính này để đầu tư. Đầu năm 2010, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 11 biệt thự ở đường Nguyễn Du từ HAGL. Tháng 9.2010, những biệt thự trên được giao cho Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy để tập đoàn này đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp. Thế nhưng, cuối năm 2012, Công ty CP Tập đoàn Trung Thủy xin rút khỏi dự án. Lúc này, nhiều biệt thự đã xuống cấp, địa phương lại không thu được tiền cho thuê nhà đất khuôn viên biệt thự, ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư… Đầu năm 2013, UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức có quyết định thu hồi và sau đó giao lại số biệt thự trên cho UBND TP.Đà Lạt quản lý. Đến nay, số biệt thự này vẫn bỏ hoang.
Một công trình lớn khác bị “bỏ hoang” là Dinh 1, được xây dựng trước những năm 1940 (khuôn viên khoảng 60 ha), từng là tổng hành dinh của vua Bảo Đại, rồi là dinh riêng của Ngô Đình Diệm. Sau năm 1975, dinh được làm nhà khách; sau đó cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng và hiện do Văn phòng UBND tỉnh quản lý. Hiện dinh này đang đóng cổng, không đưa vào khai thác sử dụng, biệt thự ở đây đang đổ nát.
|
Trên đường Trần Hưng Đạo, rất dễ dàng nhìn thấy nhiều biệt thự đẹp đang bỏ hoang. Tại cuộc họp HĐND tỉnh mới đây, ông Huỳnh Đức Hòa - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phải thốt lên: “Ở giữa thành phố mà có quá nhiều biệt thự hoang, và có lẽ ít thành phố nào có nhiều biệt thự hoang như thành phố của chúng ta”.
Luẩn quẩn
Sau khi khu biệt thự trên đường Nguyễn Du bị thu hồi, nhiều cơ quan, đơn vị mau mắn “nhảy vào” xin làm trụ sở. Hiện nay, mới chỉ có Ban Quản lý rừng Lâm Viên được giao 1 biệt thự. UBND TP.Đà Lạt được giao quản lý toàn bộ diện tích nhà, đất và tài sản của những biệt thự trên và khẩn trương tham mưu UBND tỉnh phương án khai thác, sử dụng toàn bộ quỹ nhà đất này.
|
Trong khi chờ phương án khai thác thì hiện nay, hàng chục ngôi biệt thự ở đây đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề, thậm chí đổ nát. Vật liệu, cửa nẻo biệt thự bị tháo dỡ tan hoang. Nhiều cán bộ hưu trí ở khu vực này cho hay, không chỉ người ta tự do ra vào phá phách, lấy đồ đạc, vật liệu mà nạn tiêm chích ma túy ở khuôn viên các biệt thự này và dọc đường Tương Phố, Phó Đức Chính (đoạn giáp đường Tương Phố) còn diễn ra thường xuyên, kể cả ban đêm lẫn ban ngày, khiến người dân ở đây rất bất an.
Một cán bộ hưu trí dẫn chúng tôi vào biệt thự số 15 (ngay trước Nhà văn hóa Nguyễn Du) và chúng tôi không khỏi “rùng mình” khi nhìn thấy hàng loạt ống kim tiêm vứt trong khuôn viên. Dọc đường Tương Phố rồi đầu đường Phó Đức Chính (giáp đường Tương Phố) cũng như vậy, rất nhiều kim tiêm vứt bừa bãi trên sân hoặc lẫn trong cây cỏ. Một người dân ở đây cho hay, nhiều thanh niên nam nữ cặp nhau vô ra biệt thự, rồi tụm năm, tụm ba hút chích. “Cứ bỏ hoang và đổ nát như thế này thì lãng phí quá. Ngày xưa, bà con chúng tôi còn muốn đi vào khu biệt thự trên dạo mát, chứ bây giờ thì không dám vào vì sợ giẫm phải kim tiêm. Người dân ở đây phản ánh mãi, nhưng tình trạng vẫn như thế”, một cán bộ hưu trí ở đây cho biết.
|
Ông Trần Văn Việt, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho hay tỉnh đã chỉ đạo dọn dẹp khu vực mũi tàu ở góc đường Nguyễn Du - Tương Phố để xây dựng thành tiểu công viên, phục vụ nhân dân và du khách. Còn việc sử dụng những biệt thự trên như thế nào thì ông Việt cho biết “đang nghiên cứu và sắp tới có thể sẽ trình UBND tỉnh cho san ủi hết những biệt thự này, tạo mặt bằng thông thoáng, sạch sẽ, trồng cây xanh rồi sau đó tính tiếp”. Như vậy, sau khoảng 10 năm, từ những ngôi biệt thự sạch đẹp, sau khi “giao lên giao xuống” đến nay có nguy cơ bị xóa sổ. (Còn tiếp)
Gia Bình
>> Biệt thự triệu đô bị “tố” sai thiết kế
>> Đấu giá nhiều biệt thự là trụ sở các cơ quan
>> Đột nhập biệt thự Phó ban phòng chống tham nhũng lấy trộm ô tô
>> Bỏ hoang hàng trăm biệt thự
>> Xử đi xử lại vụ “biệt thự ngàn lượng”
>> Hà Nội cân nhắc đánh thuế biệt thự bỏ hoang
Bình luận (0)