Hạn chế ngộ độc thực phẩm

24/08/2013 07:40 GMT+7

(TNTS) Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, để riêng đồ ăn sống/chín, nấu chín, đun sôi... là những nguyên tắc có lẽ bà nội trợ nào cũng thuộc nằm lòng để bảo vệ gia đình của mình trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

(TNTS) Rửa tay trước khi chế biến thức ăn, để riêng đồ ăn sống/chín, nấu chín, đun sôi... là những nguyên tắc có lẽ bà nội trợ nào cũng thuộc nằm lòng để bảo vệ gia đình của mình trước nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, còn có nhiều điều cần thiết khác mà có thể bạn chưa lưu ý đủ:

Đi chợ buổi sáng, bởi đó là lúc có nhiều thực phẩm tươi ngon nhất. Nếu buộc phải đi chợ chiều thì không nên mua thịt, cá chết vì trong rất nhiều trường hợp, đó là thực phẩm còn lại từ buổi sáng bị tẩm ướp nhiều loại hóa chất để có thể giữ đến chiều. Hãy chọn các loại thực phẩm sống như cá điêu hồng, cá lóc, lươn...

Hạn chế ngộ độc thực phẩm
Ảnh: Shutterstock

Cảnh giác với hàng quá rẻ. Với đồ hộp, chúng có nguy cơ đã hết “đát” hoặc là hàng thải loại. Với thực phẩm bình thường, có thể chúng đã ươn, hư bị “phù phép” bằng hóa chất. Với gia vị, dụng cụ nhà bếp, chúng cũng có thể thuộc loại kém chất lượng. Hãy thử đặt câu hỏi vì sao giá của chúng lại rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm tương tự khác?

Rửa sạch rau củ rồi mới cắt, bởi nếu làm cách ngược lại, thuốc trừ sâu còn sót lại trên bề mặt có thể nhiễm bẩn vào thực phẩm. Rửa trước khi cắt cũng giúp hạn chế mất chất dinh dưỡng trong rau củ. Với tất cả các loại trái cây, bạn cũng cần làm điều tương tự, kể cả những loại trái lột vỏ vì tay bạn có thể tiếp xúc với hóa chất dính trên vỏ, sau đó chạm vào phần ruột.

Thường xuyên vệ sinh những “ổ vi trùng” dễ bị quên lãng trong nhà bếp, chẳng hạn nơi cất miếng rửa chén, họng rác trong bồn rửa chén, vòi nước máy, vòi bình nước uống, xung quanh ron cao su ở nắp hộp thực phẩm...

Cẩn thận với hải sản lạ. Nhiều loại hải sản có hàm lượng độc tố cao. Nếu không biết rõ về một loại hải sản nào đó, tốt nhất là bạn không nên ăn. Trong số các loại thực phẩm, hải sản là một trong những thứ dễ bị ngộ độc nhất. Vì thế, để tránh phiền phức, những khi đi du lịch bạn nên tránh hải sản, nhất là những món sống.

Đừng lạm dụng ăn ngoài. Thỉnh thoảng đi ăn ở ngoài có thể giúp bạn thay đổi không khí gia đình nhưng đừng lạm dụng nó, bởi tất cả mọi quy trình an toàn thực phẩm đều nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

  Nhật Khuê

>> Hơn 70 công nhân nhập viện do ngộ độc thực phẩm
>> Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm tại Mũi Né
>> Ngộ độc thực phẩm tại Ấn Độ, 22 học sinh tử vong
>> Hàng chục du khách nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
>> 8 du khách nhập viện vì ngộ độc thực phẩm
>> Khách du lịch Đà Lạt bị ngộ độc thực phẩm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.