Sẽ cưỡng chế di dời khỏi khu vực nguy hiểm 'hố tử thần' ở Phú Thọ

29/08/2013 15:22 GMT+7

(TNO) Liên quan đến an nguy của người dân sống gần “hố tử thần" ở xã Ninh Dân (H.Thanh Ba, Phú Thọ), hôm nay 29.8, ông Vi Mạnh Hùng, Phó chủ tịch H.Thanh Ba, cho biết nếu các hộ dân trong diện nguy hiểm khẩn cấp nhất quyết không chịu di dời, chính quyền địa phương sẽ lên kế hoạch cưỡng chế để đảm bảo an toàn.

>> Lúng túng đối phó hố tử thần
>> ‘Hố tử thần’ ở Phú Thọ: Hơn 400 hộ dân đang nằm trong diện nguy hiểm
>> Hố tử thần ở Phú Thọ
>> Hố tử thần' liên tiếp xuất hiện ở Phú Thọ

 hố tử thần
Sụt lún mặt đất tạo thành "hố tử thần" ở xã Ninh Dân vẫn diễn biến phức tạp

Ông Hùng cho biết thêm, hiện tại công tác di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm, H.Thanh Ba đã giao cho xã Ninh Dân trực tiếp thực hiện. “Nếu người dân vẫn vì khoản hỗ trợ mà tiếp tục “mặc cả” với mạng sống chính mình, chúng tôi sẽ phải lên kế hoạch cưỡng chế”, lãnh đạo H.Thanh Ba khẳng định.

Về diễn biến của “hố tử thần” tại đây, nhiều người dân cho biết, suốt đêm qua và sáng nay mặt đất ở quanh khu vực này tiếp tục bất ổn.

Biểu hiện rõ nhất là có thêm một số hố, khe nứt sau mỗi tiếng động lớn do nổ mìn khai thác đá. Người dân ở đây cho biết cuối giờ chiều 28.8 và trưa 29.8, mỏ khai thác đá của Công ty xi măng Sông Thao cách khu dân cư có “hố tử thần” chừng 300 m vẫn tiếp tục cho nổ mìn khai thác đá. Kèm theo đó là hố sụt lún nằm ngay trước cửa ra vào tiếp tục ăn sâu vào móng ngôi nhà của bà Dương Thị Mậu và con trai là ông Vũ Đức Dũng. Mặc dù đã được đổ đất lấp nhưng hiện tượng sụt lún nền đất ở hố này vẫn chưa dứt.

Bà Dương Thị Mậu cho biết hiện có nhiều ngôi nhà trong gần “hố tử thần” đã bị nứt, có vết đút lọt bàn tay. Ngôi nhà của bà cụ 73 tuổi này cũng xuất hiện vết nứt lớn trên tường, gạch lát dưới nền cũng bị nứt toác nhiều vết.

 hố tử thần
Mặc dù có biển cấm vào khu vực sụt lún nhưng nhiều người vẫn phớt lờ

PGS.TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng bộ môn Địa chất Thủy văn trường ĐH Mỏ Địa chất, cho biết rất khó để đưa ra nhận định trong thời gian tới có còn xảy ra sụt lún ở những khu vực trên hay không, vì cần phải khảo sát, đánh giá cẩn thận.

Còn việc khắc phục bằng cách đổ đất đá xuống chỉ là giải pháp tình thế, khó có thể khắc phục triệt để, dứt khoát.

“Đối với những “hố tử thần” lớn, những khu vực xảy ra hiện tượng sụt, lún cần lập dự án khảo sát, xác định rõ nguyên nhân, cấu trúc nền đất ở khu vực xuất hiện hố sụt, động lực dòng chảy, mức độ ảnh hưởng của các hoạt động khai thác khoáng sản, tháo khô mỏ, ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài… khoanh vùng bán kính ảnh hưởng. Từ đó, mới đánh giá được nguy cơ tiểm ẩn, đề xuất các giải pháp phòng tránh, khắc phục hợp lý và hiệu quả. Những hố nhỏ, nền địa chất ổn định hơn, có thể chỉ cần lấp đất và theo dõi”, ông Lâm cho hay.

Bài, ảnh: Hà An - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.