‘Sống trong sợ hãi’ ở Malaysia - Kỳ 2: Sốt nhu cầu thuê cận vệ

19/09/2013 08:00 GMT+7

(TNO) Sau cái chết vì ba phát đạn ngay giữa ban ngày của một ông chủ ngân hàng Malaysia , nhu cầu thuê cận vệ của những người giàu có ở nước này tăng lên đột biến.

>> Sống trong sợ hãi' ở Malaysia - Kỳ 1: Nuôi ngỗng, lắp hàng rào điện để giữ nhà


Nhu cầu thuê cận vệ ở Malaysia tăng cao đột biến sau những vụ giết người có tính chất trả thù. Trong ảnh là buổi tập bắn súng tại một trung tâm huấn luyện cận vệ ở Malaysia - Ảnh: KualaLumpurCity.oxl

Bất an

Chiều 29.7, ông Hussain Ahmad Najadi, người sáng lập ngân hàng Arab Malaysian Development Bank lớn thứ 5 của Malaysia, cùng vợ đang đi đến điểm đỗ xe hơi giữa trung tâm thủ đô Kuala Lumpur thì bất ngờ bị bắn 3 phát vào ngực và bụng.

Ông Najadi, 75 tuổi, chết tại chỗ. Vợ ông, 49 tuổi, cũng bị thương, phải nằm viện.

Người bắn ông Najadi ngay lập tức cùng 2 đồng phạm nhảy lên một xe taxi đợi sẵn và tẩu thoát. Cảnh sát nhận định đây là một vụ “giết người theo hợp đồng”.

Trước đó 2 ngày, anh R. Sri Sanjeevan, 29 tuổi, chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận MyWatch chuyên theo dõi tội phạm và các sai phạm của lực lượng cảnh sát, bị 2 người đi xe gắn máy bắn tới tấp khi đang dừng xe hơi tại đèn đỏ giao lộ. Kẻ thủ ác sau đó phóng xe trốn mất.

Liên tục sau đó, nhiều vụ bắn người diễn ra khắp nơi trên bán đảo Malaysia gần 30 triệu dân.

Giới chuyên gia nhận định đó là những vụ thanh toán nhau, hoặc trả thù, do những kẻ giết thuê thực hiện, được chuẩn bị rất chu đáo và nhằm giết chết mục tiêu ngay tại chỗ.

Cái chết của ông chủ ngân hàng Najadi gây chấn động mạnh. Những doanh nhân, chính khách, cũng như các nhà ngoại giao nước ngoài… cảm thấy bất an tột cùng.

Báo cáo khảo sát triển vọng kinh doanh ASEAN năm 2014 do Phòng thương mại Mỹ (AmCham) tại Singapore công bố hồi cuối tháng 8 vừa qua cho hay doanh nhân Mỹ rất lo lắng về an ninh cá nhân tại Malaysia. Chỉ số này (triển vọng kinh doanh - NV) của Malaysia giảm 17% so với năm 2008.

Tình trạng gia tăng tội phạm có vũ trang ở Malaysia gần đây được tin là do chính phủ bãi bỏ Pháp lệnh khẩn cấp (EO) - ra đời năm 1969 - cho phép giam giữ vô thời hạn những kẻ quấy rối an ninh quốc gia và trật tự công cộng, hồi tháng 9.2011, và thả 2.473 tù nhân diện EO hồi tháng 7.2012.

Báo cáo của cảnh sát quốc gia cho hay trong 6 tháng đầu năm 2013, có 67 vụ án nghiêm trọng do các phần tử được phóng thích này gây ra.

Thuê cận vệ

Trước tình hình đó, các ngân hàng, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp… lập tức thuê cận vệ có vũ trang để bảo vệ những người lãnh đạo và điều hành công ty.

“Hầu như bất kỳ quý ông giàu có hay lãnh đạo công ty có niêm yết trên sàn chứng khoán nào trong thành phố bây giờ cũng có ít nhất một cận vệ mang vũ trang”, một chuyên gia an ninh, không muốn nêu tên, nói với báo The Star.

“Doanh nhân nào mà không có đối thủ? Làm sao họ nhớ hết những ai họ đã từng “gây thù chuốc oán” trong quá trình hoàn tất một vụ làm ăn”, chuyên gia này lý giải cho nhu cầu thuê cận vệ của các doanh nhân.

Nhu cầu tăng đột biến đến mức nhiều doanh nhân tiếng tăm cũng phải nằm trong danh sách khách hàng chờ, do nguồn cung cận vệ không đủ.

Theo thống kê, Malaysia hiện có không dưới 600 cận vệ được đào tạo bài bản. Nhưng con số đó là quá nhỏ.

Theo luật Malaysia, đất nước hiện có trên 2 triệu lao động nước ngoài, người ngoại quốc được thuê làm cận vệ không được phép mang vũ khí.

“Vì vậy, chúng tôi phải tìm kiếm các cận vệ người địa phương. Nhưng để có được người đủ các phẩm chất thì rất khó”, ông Kailas nói.

Chưa hết, các nhà hàng gần đây cũng thuê bảo vệ mang khí giới canh gác bên ngoài, sau khi xảy ra hàng loạt vụ cướp mang dao xông vào tấn công thực khách.

Ngoài ra, báo The Star cũng cho biết một bộ phận nhỏ công dân bình thường cũng có nhu cầu thuê cận vệ, nhưng nhóm này hầu như không có cơ hội thuê được người.

Bất tiện

Nếu không phải lo lắng cho tính mạng thì có lẽ nhiều người cũng chẳng muốn lúc nào cũng có cận vệ kè kè bên mình.

Một doanh nhân hàng đầu ở Malaysia nói rằng ông phải thuê một cận vệ mang súng hồi tháng 5, sau khi cảnh sát khuyên ông nên làm như vậy.

“Tôi từng nhận được nhiều thư và cuộc gọi đe dọa. Thậm chí một người bạn của tôi còn tình cờ nghe một người khác bảo anh ta sẽ hãm hại tôi”, vị doanh nhân họ Tan này kể.

Vậy nên, theo lời khuyên của cảnh sát, ông Tan yêu cầu người cận vệ luôn kè sát bên mình, thay vì đi sau lưng cách ông một khoảng.

Người cận vệ này đến nhà ông Tan mỗi buổi sáng và đứng canh bên ngoài phòng làm việc của ông đến cuối ngày.

“Khi tôi đi, anh ta đi theo. Khi tôi vào tiệm ăn, anh ta ngồi ở bàn bên cạnh. Thật chẳng thoải mái tí nào. Nhưng tôi phải trả giá cho việc mang một bộ mặt mà nhiều người có thể nhận ra”, vị doanh nhân này nói về lý do bất đắc dĩ phải thuê cận vệ.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Đường dây người Malaysia lừa đảo bằng thẻ tín dụng giả lãnh án
>> Cảnh sát Malaysia bắn chết 5 thành viên xã hội đen
>> Malaysia trong vòng xoáy tội phạm
>> Một du khách Việt bị đâm chết ở Malaysia
>> Gái mại dâm Việt đứng đầu 'danh sách bán dâm quốc tế' ở Malaysia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.