|
Sáng nay 18.9, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn với các ngành, các cấp để triển khai các phương án phòng chống lụt bão trước khi cơn bão số 8 đổ bộ.
Liên tiếp trong hai ngày 17-18.9, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 8. Nhiều địa phương có mưa to đến rất to, phổ biến từ 5-10 mm.
Đặc biệt, một số địa phương có lượng mưa lớn trên địa bàn tỉnh như: Đông Giang 285 mm, Nam Giang 234 mm, Phước Sơn 193 mm, Trà My 179 mm. Mực nước ở hầu hết các sông đều dưới báo động 1.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão (BCH PCLB) Quảng Nam bão sẽ đổ bộ vào khu vực phía bắc Quảng Nam từ trưa đến chiều 19.9. Trên địa bàn sẽ có mưa to đến rất to, mực nước trên các sông sẽ dâng cao và hình thành một đợt lũ có khả năng lên trên báo động 2.
|
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Nam, đêm 18.9, lượng mưa tại khu vực miền núi tây bắc Quảng Nam sẽ tăng cao, có nơi tăng lên 150 mm. Rạng sáng ngày mai 19.9, bão số 8 sẽ cách đất liền khoảng 60-80 km với mức độ ảnh hưởng trực tiếp vào tỉnh Quảng Nam với bán kính hoạt động 250 km.
Đặc biệt, các địa phương ven biển như: Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên… cần hết sức cảnh giác do nước dâng cao bởi ảnh hưởng triều cường. Dự kiến sóng sẽ cao ở mức 1,5-2 m. Sức gió khi bão đổ bộ ở cấp 6-7.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, hiện tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 176 tàu (khoảng 3.341 lao động).
Đến 7 giờ sáng 18.9, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đã kêu gọi được 480 tàu vào nơi trú ẩn an toàn.
Sở GD-ĐT Quảng Nam cho biết, chiều nay 18.9, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tạm nghỉ học.
|
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói vùng phía đông của tỉnh bị ảnh của triều cường trong bão nên khả năng sẽ bị ngập lớn do nước rút chậm, cho nên các địa phương cần có phương án di dời dân kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đề nghị các ngành, đơn vị không được chủ quan; lãnh đạo các đơn vị cần liên tục chỉ đạo trong từng giờ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu đói nếu xảy vùng bị cô lập...
* Trong khi đó, hàng chục hộ dân trong khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đang khẩn trương chống đỡ di tích xuống cấp và được khuyến cáo phải di dời để tránh bão số 8
Hôm nay 18.9, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tiếp tục huy động lực lượng phòng chống bão lụt để cùng với người dân trong khu phố cổ chằng chống các di tích xuống cấp nghiêm trọng.
Công tác chằng chống này đã bước sang ngày thứ 2, với 9 di tích được lực lượng của trung tâm trực tiếp chống đỡ bằng cột gỗ; chưa kể 11 di tích tư nhân khác được khuyến cáo sớm chống đỡ, gia cố và dặm mái ngói dột nát.
Hiện tại, Hội An xác định có 17 di tích xuống cấp nghiêm trọng với trên 50 hộ dân phải di dời cục bộ; 3 di tích khác xuống cấp nghiêm trọng buộc di dời chủ hộ đi nơi khác để đảm bảo an toàn tính mạng trước bão số 8.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, những di tích nào xuống cấp thì buộc chủ nhân phải tham gia cùng với nhà nước khẩn trương tu bổ, có sự hỗ trợ của nhà nước về kinh phí, cơ chế ưu đãi khi vay vốn…
Hoàng Sơn - H.X.H - Q.Phương
>> Bão số 8: Học sinh Đà Nẵng nghỉ học ngày 19.9 để đảm bảo an toàn
>> Bão số 8 mạnh cấp 8, giật cấp 9-10
>> Đêm nay, bão số 8 đổ bộ vào đất liền
>> Bão số 8 có khả năng đi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi
Bình luận (0)