Sự thật của Huyền Chip ?

20/09/2013 03:00 GMT+7

Buổi ra mắt tập 2 cuốn Xách ba lô lên và đi với tựa đề Đừng chết ở châu Phi! của Huyền Chip sáng 19.9 tại Hà Nội, trở thành buổi phản biện của tác giả về những nghi ngờ của độc giả xung quanh sự thật đằng sau các trang sách.

Buổi ra mắt tập 2 cuốn Xách ba lô lên và đi với tựa đề Đừng chết ở châu Phi! của Huyền Chip sáng 19.9 tại Hà Nội, trở thành buổi phản biện của tác giả về những nghi ngờ của độc giả xung quanh sự thật đằng sau các trang sách.

 
Huyền Chip trong buổi ra mắt sách sáng 19.9 tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Khán phòng chật kín những gương mặt trẻ, trong đó có những người hâm mộ Huyền Chip và cả những người nóng lòng muốn đối chất với tác giả.

“Tôi không lừa dối”

Thắc mắc được đưa ra nhiều nhất là việc vì sao Huyền Chip quá dễ dàng xin visa mà không phải chứng minh tài chính. “Xin visa khó, nhưng không phải khó với tất cả các nước” - cô nói. Hành trình của Huyền chưa đến châu u, châu Úc, Mỹ, những nước phát triển vốn yêu cầu ngặt nghèo về visa, mà chủ yếu là những nước đang phát triển dễ dàng hơn trong việc xin visa. Nhưng không phải Huyền chưa từng gặp khó khăn. Cô đã không thể xin được visa vào Pakistan, Sudan hay Nam Phi.

Hành trình 25 nước với số tiền 700 USD, với nhiều người là việc không tưởng, Huyền Chip chia sẻ: “Đây là số tiền tôi bắt đầu chứ không phải chi trả trong toàn bộ cuộc hành trình. Hơn nữa, tôi đi không phải để lấy thành tích mà đơn giản chỉ muốn được trải nghiệm”. Về nghi ngờ số tiền Huyền Chip dùng trong chuyến đi, cô nói đã từng xin tài trợ 25.000 USD, một công ty đã liên lạc với cô nhưng vì có nhiều yêu cầu kèm theo, cô đã từ chối và quyết định lên đường hoàn toàn với số tiền do mình tự kiếm được.

 

Người viết phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra. Nếu đó là lừa dối thì sự trừng phạt lớn nhất với họ là bị mất lòng tin

PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh

Không ít lần, buổi tọa đàm trở nên căng thẳng khi người hỏi muốn truy tác giả đến tận cùng. Độc giả chờ đợi tác giả chia sẻ việc làm sao có thể kiếm được trung bình 1.000 USD/tháng. “Tôi có quan điểm: hết tiền sẽ kiếm thêm tiền” - Huyền Chip nói. Trước đó, Huyền giải thích cho những thắc mắc về việc kiếm việc làm dễ dàng: “Xin việc ở nước ngoài không phụ thuộc vào việc bạn đến từ đâu, mà vào chính năng lực của bạn”. Cô cho hay, ngoài những việc làm bán thời gian như làm ở cửa hàng, quán ăn, sòng bạc, cô còn viết bài trên một số trang mạng như walyou.com và báo chí trong nước để trang trải. Cô đã viết khoảng 200 bài viết trong vòng 6 tháng cho walyou.com. Mỗi bài viết được trả từ 10 - 15 USD.

Dù Huyền Chip đã trưng ra visa nhưng có độc giả vẫn chưa thỏa mãn, yêu cầu bằng chứng xác thực hơn. Huyền Chíp nói: “Tôi không thể chứng minh mình vô tội nếu các bạn kết tội tôi. Nếu muốn kiểm chứng có lẽ phải quay lại hành trình, đến tận những nơi mà tôi đã trải qua”. Cô khẳng định: “Tôi không lừa dối, tôi viết sự thật”.

Không dễ thuyết phục

Không học đại học, đi du lịch, đến, đưa mình vào những nơi, những hoàn cảnh không an toàn, Huyền Chíp với cách sống của cô cùng Xách ba lô lên và đi có ảnh hưởng tới các độc giả trẻ? Có mặt trong buổi ra mắt sách, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng các bạn trẻ cần cân nhắc khi bước vào mỗi cuộc hành trình: “Các bạn phải có đủ dũng cảm, năng lực, niềm tin để thực hiện”.

 
Bìa tập 1 cuốn Xách ba lô lên và đi

Buổi ra mắt sách kết thúc, nhưng không phải ai cũng dễ dàng bị tác giả thuyết phục "cuốn sách viết sự thật". Với thể loại sách du ký, được viết từ những câu chuyện, trải nghiệm cá nhân, việc bị nghi ngờ tính xác thực là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng sự thật hay truyền cảm hứng là điều quan trọng? Một nữ độc giả chia sẻ: “Nếu bạn viết tiểu thuyết hư cấu, tôi sẽ chấp nhận, nhưng nếu là cuốn sách theo dạng hồi ký, thì tôi cần sự thật”. GS Nguyễn Lân Dũng nói, ông đã được truyền cảm hứng sau khi đọc Xách ba lô lên và đi. “Tôi nhận thấy ngồn ngộn những cảm xúc, trải nghiệm của một cô bé 21 tuổi” - ông chia sẻ. PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh (Đại học Ngoại thương) cho biết bà chưa biết về Huyền Chip ngoài đời và không quan tâm nhiều đến sự thật trong cuốn sách vì “sự thật trong mắt mỗi người một khác nhau, điều quan trọng là cuốn sách đã gây cảm hứng cho tôi và nhiều người khác”.

“Người viết phải chịu trách nhiệm về những gì mình viết ra. Nếu đó là lừa dối thì sự trừng phạt lớn nhất với họ là bị mất lòng tin” - bà Ánh nói.

Ngọc An

>> Huyền Chip ra mắt tập 2 'Xách ba lô lên và đi
>> Huyền Chip ra mắt phiên bản sách với audio và video

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.