Xả lũ gây hại chủ đập phải chịu trách nhiệm

06/10/2013 03:00 GMT+7

Sự cố hồ Vực Mấu cho thấy, bảo vệ và sử dụng các hồ thủy lợi phải có nghiệp vụ, người dân chịu thiệt hại do cách quản lý hồ thủy lợi không có trách nhiệm.

Liên quan đến việc xả lũ gây thiệt hại cho người dân, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN nhìn nhận, đập thủy điện thiếu quy trình xả lũ hợp lý, không quan tâm đến hạ du, mưa to nước về nhiều trong khi có đập còn thiếu cống xả đáy. “Xả lũ gây hại cho dân hạ du thì chủ đập phải chịu trách nhiệm, không đổ tại ai được. Trước hết phải đền bù thiệt hại cho dân, lỗi ở đâu thiếu sót chỗ nào phải sửa. Không thể năm nay xả chết người, năm sau cũng để xả lũ gây chết người”, ông Hòe nói.

Cũng theo PGS-TS Hòe, việc giao các hồ thủy lợi dung tích nhỏ cho địa phương quản lý khá nguy hiểm, bởi không có nghiệp vụ giám sát, quản lý, dẫn tới thiếu kỹ năng xả nước dần trước khi bão tới. “Siêu bão báo trước mấy ngày, dung tích mưa bao nhiêu đơn vị quản lý cũng nắm được, đáng lý phải tính toán được lượng nước xả là bao nhiêu, như hồ Vực Mấu nếu tiến hành xả dần trước bão thì đã không gây ra nhiều thiệt hại lớn đến vậy”, ông Hòe nhìn nhận.

Thêm vào đó, theo chuyên gia này, việc cho phép các hồ thủy lợi nuôi cá, thủy sản cũng khiến các chủ hồ “ngần ngại” không muốn xả nước.

TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định: “Nhìn từ việc xả lũ gây thiệt hại cho dân như Vực Mấu (Nghệ An), Thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam)... đơn vị nào cũng nói làm đúng quy trình, chẳng ai chịu nhận sai. Nhưng đúng thế nào thì không ai biết, nên phải có cơ quan độc lập đứng ra đánh giá, xem xét trên một quá trình vận hành chứ không chỉ tính đến thời điểm xả lũ. Để phải xả lũ gây thiệt hại cho dân thì trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành công trình ra sao, yếu tố tác động khách quan thế nào thì phải làm rõ chứ không thể đổ hết lỗi cho tự nhiên”.

Ông Tứ cho rằng qua việc các hồ, đập dồn dập xả lũ như thời gian vừa qua thì cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành các công trình này, để biết liệu còn phù hợp nữa không. Theo thiết kế xây dựng từ vài chục năm trước đây, phần lớn chỉ tính đến lưu lượng dòng chảy tương đương lượng mưa khoảng 300 mm. Còn hiện nay, mưa do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã lên tới 500 - 700 mm thì cho dù làm đúng quy trình thì vẫn có thiệt hại nặng.

“Phần lớn công trình thủy điện hiện nay không có nhiệm vụ chống lũ nên khi mưa to, lũ lớn sẽ không đảm bảo an toàn, buộc phải xả lũ. Đối với công trình thủy điện thì phải xem xét lại câu chuyện chia sẻ rủi ro. Cơ chế này đang được chúng tôi nghiên cứu kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới. Khi ngăn nước làm thủy điện chắc chắn sẽ làm thay đổi tự nhiên, tác động đến đời sống, sản xuất trong khu vực rồi, huống chi là những thiệt hại do xả lũ thì không thể thoái thác.

Trong những tình huống này, đơn vị khai thác thủy điện buộc phải có trách nhiệm chia sẻ lợi ích, bù đắp hỗ trợ thiệt hại cho người dân nếu xác định được thiệt hại của họ có tác động từ công trình, chứ không thể có chuyện cứ đổ lỗi cho thiên tai tự nhiên, rồi để mặc họ oằn lưng gánh hậu quả mãi được”, ông Tứ nói.

M.Hà - P.Hậu

>> Hồ Vực Mấu xả lũ gây ngập lụt nặng nề: Cơ quan hữu quan nói gì ?
>> Thủy điện đồng loạt xả lũ
>> Sau bão số 10, hồ Vực Mẫu oằn vai xả lũ
>> Mưa to kèm xả lũ, cả thị xã Hoàng Mai chìm trong biển nước
>> Hồ thủy lợi xả lũ, hàng chục nhà dân bị ngập
>> Thủy điện xả lũ gây ngập ở Kon Tum

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.