|
Những bản án bị vô hiệu
Hà Nội là một trong những địa phương có nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) cao nhất nước. Bà Huỳnh Thị Mai Phương, Phó giám đốc BHXH Hà Nội, cho hay doanh nghiệp (DN) nợ trên địa bàn TP ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước cả về số đơn vị, số lao động và số tiền. Nếu như năm 2010, số nợ BHXH ở Hà Nội là 555 tỉ đồng, thì đến năm 2012, số nợ là 1.803 tỉ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, số nợ đã hơn 1.878 tỉ đồng. Đáng chú ý, các đơn vị nợ với số tiền lớn lên tới hàng chục tỉ đồng, kéo dài nhiều năm ngày càng tăng. Đơn cử như Công ty TNHH may mặc và xuất khẩu VIT Garment; Công ty CP Sông Đà 8...
|
Mặc dù 8 tháng đầu năm, BHXH TP.Hà Nội đã hoàn thiện hồ sơ và tiến hành khởi kiện ra tòa đối với 52 đơn vị nợ đọng từ 1 tỉ đồng trở lên, nhưng số tiền thu hồi chỉ được khoảng 69 tỉ đồng trên tổng số nợ 251 tỉ đồng. Phần lớn những “con nợ” khó đòi tập trung chủ yếu ở H.Từ Liêm...
Trong số hơn 9.595 tỉ đồng nợ đọng BHXH trên cả nước, riêng tại TP.HCM chiếm đến khoảng 2.000 tỉ đồng. Kiện để đòi nợ cho công nhân được TP.HCM thực hiện thường xuyên từ năm 2005 đến nay. Trong năm 2012, gần 600 DN tại TP.HCM nợ BHXH đã bị kiện ra tòa, chiếm hơn 80% số DN trong cả nước bị khởi kiện. Thế nhưng, sau khi bản án của tòa có hiệu lực, tỷ lệ đòi được nợ BHXH chỉ đạt gần 30% so với số nợ phải thu. 7 tháng đầu năm 2013, BHXH TP.HCM tiếp tục khởi kiện 397 DN ra tòa với tổng số nợ khoảng 107 tỉ đồng. Dù thắng kiện nhưng nhiều bản án vẫn không được thực thi.
“Công an, đầu gấu còn chẳng sợ”
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó giám đốc BHXH H.Từ Liêm (Hà Nội), cho biết: “Có đến 7 bản án có hiệu lực nhưng không thể thi hành vì chủ DN trên địa bàn không còn khả năng trả nợ, thi hành án cũng không thu hồi được tiền. Điển hình nhất là Công ty CP Cavico hạ tầng, khi phát hiện trong tài khoản có 4,6 tỉ đồng, cơ quan thi hành án đến “siết nợ” nhưng tài khoản đã bị ngân hàng phong tỏa bởi DN còn nợ ngân hàng hơn 100 tỉ”. Theo bà Bình, để không phải trả tiền bảo hiểm, DN đã tìm đủ mọi cách để trốn tránh cơ quan chức năng. Không ít DN từ khi nộp đơn đến thời điểm tòa án xét xử đều vắng mặt, không tìm thấy giám đốc, nhân viên, không có tài sản, không có tài khoản, DN không còn tồn tại.
Nhiều lần làm việc với những “con nợ chây ì”, bà Nguyễn Thị Đức, Phó giám đốc BHXH H.Thạch Thất (Hà Nội) ngao ngán: “Rõ ràng họ nợ tiền là vi phạm pháp luật, vậy mà chúng tôi nào dám dọa dẫm, trái lại phải nịnh nọt mong họ chuyển tiền sớm”. Một cán bộ BHXH H.Từ Liêm kể: “Có DN giao thông nói thẳng thừng, công an, đầu gấu còn chẳng sợ, huống gì là mấy ông bảo hiểm”.
Ông Đỗ Quang Khánh, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, than thở: “Nợ đọng BHXH là chuyện khổ tâm lắm. Mặc dù đã nhiều lần tiến hành thanh tra, kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi người lao động nhưng không phải lúc nào cũng đòi được nợ. Thậm chí bản án có hiệu lực rồi nhưng thi hành được án cũng mệt và nhiều chuyện lắm”. Theo ông Khánh, “kiện ra tòa thì thắng chắc”, nhưng khi chủ DN “biến mất” hoặc chủ DN bỏ trốn…, thì không cách nào đòi được.
Luật sư Phạm Thanh Tùng, Trưởng văn phòng luật sư Phạm Hoàng (thuộc Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng kiện ra tòa cũng chỉ là biện pháp tình thế giải quyết sự việc đã rồi. Chế tài hiện nay quá nhẹ, chậm đóng cùng lắm cũng chỉ chịu phạt vài chục triệu đồng. Hành vi trốn đóng BHXH là vi phạm pháp luật, chiếm dụng vốn của người lao động nên cũng phải xử lý hình sự giống như hành vi trốn nộp thuế.
Chậm vì phải qua nhiều “cửa” Khoản 1 và 4, điều 165 luật Thi hành án dân sự quy định: “Người phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định; không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Khánh cho biết chưa có trường hợp nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì cố tình trốn tránh việc thi hành án nợ đọng tiền BHXH. “Việc xử lý còn chậm lắm vì phải qua nhiều “cửa” (nhiều cơ quan chức năng khác như Sở LĐ-TB-XH, thi hành án, công an…)”, ông Khánh lý giải nguyên nhân. |
Người lao động chịu thiệt thòi Theo cơ quan BHXH, những thủ đoạn trốn đóng BHXH, BHYT của các DN ngày càng tinh vi. Nhiều DN thường không đóng đủ hoặc báo cáo số lượng không đúng thực tế, chỉ đăng ký đóng BHXH cho lãnh đạo quản lý, nhân viên văn phòng… Hiện có hàng chục ngàn lao động bị nợ BHXH không thể chốt sổ BHXH vì DN "không rõ tung tích"; nếu không tìm cách tháo gỡ, người lao động vô cùng thiệt thòi. |
Thu Hằng - Đình Phú
>> 141 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Khởi kiện 492 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Công bố danh sách doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
>> Nợ bảo hiểm xã hội hơn 4.600 tỉ đồng
>> Công ty QLCTĐT Đà Lạt: Nợ bảo hiểm xã hội gần 670 triệu đồng
>> Doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội: Thiệt thòi thuộc về người lao động
Bình luận (0)