Một bản tin - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên

13/10/2013 03:20 GMT+7

1 Email mà Khang gửi cho vợ vào thứ hai tuần này cắt dán nguyên văn một bản tin trên online. Nội dung như sau:

 Một bản tin - Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Minh họa: Văn Nguyễn

Kinh hoàng vụ giết chồng rồi luộc xác

Một phụ nữ ở Trung Quốc đã giết chết chồng rồi luộc xác anh này để che đậy chứng cứ.

Người phụ nữ đã bỏ thuốc mê rồi trói ông chồng (chồng thứ hai) trong căn nhà ở thành phố Lục An (tỉnh An Huy), và đánh đập, bỏ đói ông trong suốt ba ngày hồi tháng 6, khiến ông chồng thiệt mạng, theo trang tin Anhui News (Trung Quốc) ngày 1.9.

Kinh hoàng hơn, sau đó, người phụ nữ cưa xác ông chồng, luộc trong nồi áp suất, nhằm che giấu chứng cứ phạm tội.

Cảnh sát không công bố chi tiết người phụ nữ đã làm gì với phần thi thể bị luộc của ông chồng.

Người phụ nữ do bị ám ảnh sau khi giết chồng nên đã sụt 6,3 kg, cuối cùng ra đầu thú. Người phụ nữ khai nhận với cảnh sát rằng bà và đứa con gái thường xuyên bị người chồng đánh đập nên mới ra tay giết chồng.

Trang tin China.org.cn của Trung Quốc dẫn kết quả khảo sát công bố hồi tháng 1 cho biết hơn phân nửa trên tổng số 2.000 người đàn ông Trung Quốc (tham gia khảo sát) thừa nhận họ đã đánh đập, hành hung vợ hoặc bạn gái.

Hạnh, vợ Khang nhận được email vào lúc 10 giờ.

Khi đó cô ở công ty, đang soạn bản hợp đồng cho dự án mới. Nhìn thấy email chồng với phần subject (chủ đề) là một câu hỏi có vẻ nghiêm trọng: “Một ngày nào đó liệu em có làm thế với anh không?”, cô đã tranh thủ đọc.

Và đó là bản tin khiến cô bị choáng ba phút.

Hoàng, đồng nghiệp, ngồi bên cạnh nhìn thấy mặt mũi Hạnh tím ngơ tím ngắt, quở: “Em có sao không?”. Không thấy Hạnh trả lời, anh lại hỏi thêm: “Có sao không cô Hạnh, nếu mệt thì nên nghỉ một lúc để tôi phụ soạn bản hợp đồng cho?”. Nhưng Hạnh vẫn không trả lời. Môi cô chuyển sang bợt bạt. Khuôn mặt đổi sắc tái nhợt. Và mắt nhìn đờ đẫn ra phía khung cửa sổ.

Ba phút trôi qua.

Việc đầu tiên mà cô định làm ngay, đó là lấy điện thoại gọi cho Khang. Và câu đầu tiên cô sẽ hỏi đó là: “Anh nghĩ sao lại hỏi em câu đó?”. Nhưng khi cầm điện thoại lên, mở danh bạ vào Chồng Yêu, thì cô lại ngập ngừng. Rất có thể đây là một trò đùa của Khang. Cũng rất có thể đó là một cách chia sẻ thông tin theo cách của anh, trong một lúc không suy tính kỹ hiệu ứng mà bản tin mang lại. Hạnh nghĩ. Hạnh sợ sự căng thẳng của mình khiến mọi việc thêm rắc rối. Cô đặt mobile xuống bàn. Rồi lại nhấc nó lên. Rồi lại mở danh bạ. Mục số của Chồng Yêu nhập nhòe trước mắt.

Cuối cùng, cô quyết định bấm nút tắt nguồn để không bận tâm đến nó nữa.

Trong khi đó, Hoàng vội vàng chạy ra bên ngoài rót một ly nước mát đặt bên cạnh Hạnh: “Cô Hạnh uống đi cho tỉnh người”. Hạnh nhìn nụ cười hiền lành chu đáo trên khuôn mặt người đàn ông trung niên độc thân duy nhất trong phòng (thực ra thì mới ly dị vợ chừng ba năm nay), người phụ nữ nhạy cảm trong cô bất giác cảm nhận có một điều gì đó khác thường mà từ bấy lâu cô không mảy may chú ý. “Cám ơn anh Hoàng” - cô gật đầu. “Mệt cứ nói tôi phụ cho. Đừng ráng mà bệnh. Mấy cái hợp đồng thời khó khăn ngày càng rầy rà, đủ thứ điều khoản tính toán được thua, ràng buộc nọ kia nhức cả óc” - Hoàng nói. “Dạ, không sao đâu. Ổn mà anh” - Hạnh nói cho qua chuyện nhưng thực ra thâm tâm cô thấy dễ chịu hơn bởi sự ân cần quan tâm của đồng nghiệp.

Trưa. Hoàng mời Hạnh ăn cơm ở quán văn phòng gần công ty. Hạnh nhận lời. Cô muốn cái mẩu tin giật gân rùng rợn sáng nay Khang gửi không còn bám riết ám ảnh tâm trí mình. Cô muốn câu hỏi của Khang sẽ bị vùi xuống dưới những cảm xúc khác trong ngày. Hoàng gọi cơm cá lóc kho tộ. Còn Hạnh, gọi thịt bò xào chua ngọt.

Ở một góc quán tương đối riêng tư, họ ăn và nói chuyện công việc.

Tháng chạp đang trôi ngoài cửa sổ.

2 Ở công ty, Khang là người trầm tính. Anh ít cởi mở với các đồng nghiệp. Như một công chức mẫn cán, anh đến cơ quan sớm hơn giờ quy định năm phút và đóng máy tính để rời cơ quan lúc mười sáu giờ ba mươi bốn phút, sớm hơn thời gian quy định một phút. Ba năm nay đều như thế. Sự đúng giờ, tuân thủ kỷ luật của anh được bà sếp lấy ra làm biểu dương nhiều lần trong các cuộc họp. Và anh là một chiếc đồng hồ chính xác đến từng giây, để các đồng nghiệp khác trong phòng noi vào đó mà biết chuyện giờ giấc nội quy.

Trên bàn làm việc của Khang có một danh sách những đường link giải trí, từ âm nhạc, phim ảnh trực tuyến, diễn đàn xe máy cổ... nhưng anh thường vào nhất vẫn là trang Tâm sự trên VnExpress. Anh cài trang này làm trang chủ. Update liên tục. Vừa ân ái với tôi xong, em “à ơi” với người khác, Bạn gái nói dối vẫn còn trinh trắng, Người yêu đẹp trai lợi dụng tôi trong 5 năm sống thử, Chồng lén cưới thêm vợ khi tôi đang mang bầu, Chồng liên tục quan hệ với các chị nhiều hơn tuổi, Trái tim em đóng băng sau ngày anh ra đi, Em là con mồi tự nguyện... Những bài viết về các bí mật gia đình, yêu đương nhăng nhít đôi khi rất nhảm nhưng nó thành công, ít ra gợi sự tò mò với Khang. Rất ít trong số đó thực sự hữu ích. Nhưng phải thừa nhận là chúng có tính giải trí cao. Chúng đem lại niềm vui thầm kín cho anh như sự lợi hại của kẻ lắm điều đối với người mê hóng chuyện.

Mỗi buổi thì anh chỉ đứng lên rời máy tính hai lần để uống nước và để vươn mình, quơ quơ tay cho người đỡ ù lì.

3 Cuộc hôn nhân của họ nói chung là hạnh phúc khi đều đặn hằng tuần, anh chồng vẫn gửi cho cô vợ một đường link hay, thường là các câu chuyện nghệ thuật sống, kỹ năng sống để đạt hạnh phúc. Và đáp lại, chị vợ luôn reply (phản hồi) ngay sau vài phút, rằng: “Hay quá anh yêu. Cám ơn anh. Hôn anh”.

4 Ở phòng thụ tinh nhân tạo, bác sĩ, một phụ nữ cao ráo và có khuôn mặt nhân từ trong sáng như ma sơ hỏi anh có cần đến phim không, anh ngường ngượng đáp: “Dạ để em thử”. Bà bác sĩ đưa một cái lọ rồi kêu anh nằm sẵn lên giường.

Đoạn phim của Maria Ozawa kích động mạnh đến mức, chỉ mất ba phút, anh đã gọi bác sĩ lấy mẫu.

Vào giờ phút đó, anh ngồi thẫn thờ nghĩ về những con tinh trùng đã được đưa vào ống nghiệm và sẽ cấy vào tử cung vợ. Chúng có khác gì so với những con bị gạt ra khỏi ống nghiệm và chết khô trên chiếc quần sịp như một vệt nhớt đang khô từ từ. Điều gì khiến chúng may mắn được thụ tinh? Có ai dám chắc rằng những con được đưa vào ống nghiệm có phẩm chất tốt hơn những con bị chết khô kia? Hay là chúng đồng dạng cả và chẳng mảy may có tí chút cá nhân nào vượt trội hay kém cỏi và với chúng, để sống hay để chết đều mang tính đại diện, đồng dạng.

Bác sĩ lay lay vai anh và đặt vào tay anh một hộp sữa tươi. “Trông anh rất xanh xao và bần thần” - bà quở, rồi chuyển sang liệu pháp tâm lý: “Cố gắng lên. Trong chuyện này vừa lao tâm vừa lao lực. Và nhất là phải kiên nhẫn. Nhiều người vào ra coi hết cả tủ phim của tui mấy năm trời mà vẫn không có kết quả, nhưng họ không bỏ cuộc”.

Nhưng anh là người may mắn. Lũ tinh trùng sống sót trong ống nghiệm đã làm một cuộc phiêu lưu thành công.

5 Năm đó, vợ anh có thai. Nhưng lúc ông bố tương lai chưa kịp khóc vì sung sướng thì bác sĩ nói khẽ vào tai anh: “Nếu để như vầy thì có bốn em bé cùng chào đời một lúc”. “Là sao bác sĩ?” - anh lồng lên. “Bình tĩnh. Phải rất bình tĩnh. Vì anh là người quyết định, chứ không phải vợ anh. Nếu anh quá dao động tinh thần, thì sẽ ảnh hưởng đến cô ấy, và tất nhiên, sẽ ảnh hưởng đến cái thai”.

Đến đây, người Khang chùng xuống như một quả bóng xì hơi. Giọng chuyển sang khẩn thiết: “Vậy phải làm sao bác sĩ?”. Vừa nói, anh vừa vươn cái nhìn đầy kêu cứu đến bà bác sĩ như một tín đồ tuyệt vọng vươn đôi mắt lên vị bồ tát nhân từ. “Nếu anh đồng ý, chúng ta sẽ phải đi bước tiếp theo, đó là loại bỏ bớt số phôi được thụ tinh thành công trong tử cung người mẹ. Đó là điều nên làm, vì thể trạng chị nhà rất yếu”. Anh nói: “Loại bỏ bằng cách nào?”. Khuôn mặt nửa ma sơ nửa bồ tát cúi xuống anh: “Bắn chết và đưa ra ngoài một cách an toàn”. “Nhưng nó có ảnh hưởng những đứa còn lại không? Và làm sao để vợ không biết chuyện đó?” - Khang bàng hoàng. Và bây giờ, một bí mật được thiết lập trong phi vụ giết phôi trong tử cung người mẹ. “Không. Đảm bảo cô ấy sẽ không hề hay biết gì trong việc loại bớt những đứa trẻ bên trong tử cung mình. Chúng tôi có cách nói để cô ấy vẫn nghĩ rằng, đó chỉ là một quá trình chọc hút kiểm tra độ bám của phôi. Trước giờ, chúng tôi vẫn làm vậy với các cặp vô sinh được thụ tinh nhân tạo không kiểm soát được mức độ thành công”. Giọng bà bác sĩ lạnh lùng.

“Vợ anh cũng không phải cá biệt phải chọn lựa - bà nói thêm - Chúng tôi sẽ chọn để lại cái phôi khỏe mạnh. Còn lại thì, nên xử lý trước khi chúng quá lớn. Chúng tôi đã tư vấn hết trách nhiệm, anh cứ suy nghĩ giúp cho, rốt cuộc thì anh muốn để lại bao nhiêu em bé?”.

“Dạ, hai” - Khang nói mà không để kéo dài thêm giây phút nào. Vì anh biết, mỗi giây phút để nghĩ về vấn đề này sẽ là một thiên niên kỷ sống trong địa ngục của sự giày vò.

Máu.

Máu ướt thấm qua quần lót rồi xuyên qua lớp vải đầm bầu, dính sủi lênh láng trên yên xe. Vợ Khang bấu vào vai anh như sắp tuột xuống xe: “Dừng lại anh”. Khang phanh gấp. Hạnh ôm bụng nằm xuống gốc cây ở vỉa hè. Rất nhiều người đi đường hiếu kỳ dừng tấp xe vô lề đưa mắt ngó. Khang hốt hoảng, mặt trắng bệch: “Sao vậy em? Có sao không em?”. Nhân trung Hạnh xanh xám: “Gọi taxi đi anh”.

“Động thai rồi. Rất khó để giữ. Tôi đã nói rồi. Phải nằm treo chân lên một thời gian cho ổn đã rồi hãy ra ngoài”. Nữ bác sĩ nói.

Khang lau khô nước mắt trên khuôn mặt vợ trước khi cô được chuyển sang phòng hồi sức cấp cứu.

Bên ngoài, mưa bụi lấm tấm. Nhiều người đi lại vội vã trong mưa như một đoạn phim tua nhanh trên chiếc màn hình lớn có gam màu xanh lá của khung cửa kiếng bệnh viện.

Giờ phút anh chờ một tiếng khóc vỡ ra còn chưa đến.

Anh hy vọng đó là ngày hạnh phúc, chấm dứt quãng thời gian sống trong day dứt, rằng, chính mình, chứ không ai khác, đã gián tiếp giết chết hai cái phôi người do chính mình tạo ra. Một vụ án mạng để lại hai nấm mồ trong bụng Hạnh. Anh không thấy ở đó sự cựa quậy của hai sự sống mới sẽ chào đời, mà chỉ thấy sự vùng vẫy tuyệt vọng trong nấm mồ của hai thi thể đang lớn dần lên, chống lại anh, đe dọa anh. Chúng muốn xé toạc lớp da bụng của người mẹ vô tâm để vạch mặt kẻ sát nhân – người cha tàn nhẫn của chúng đang khoác bộ mặt hạnh phúc và dằn vặt. Chúng sẽ gào khóc và nói với anh rằng, tại sao cha không chọn chúng con trong khi chính cha đã tạo ra chúng con. Và anh làm sao giải thích cho chúng hiểu rằng, những gì anh làm là vì chất lượng sống của anh em chúng và sự an nguy của tính mạng mẹ chúng. Chúng sẽ tiếp tục truy vấn anh đến tận cùng, vậy thì cha tạo ra chúng con để làm gì? Không lẽ chỉ là một sơ suất thiếu kiểm soát sau một cuộc kích thích thủ dâm và trao phó mọi thứ cho y học? Anh sẽ ôm đầu, bứt tóc và van xin chúng đừng hỏi cha nữa, cha làm sao có thể trả lời được chuyện này, cũng như không bao giờ trả lời thấu đáo việc những tinh trùng chết khô trên chiếc quần sịp với những con bỏ mạng trên đường tiến đến tử cung. Cha không kiểm soát được vào cuộc sống tự nhiên do chính cha tạo ra. Đó là một cuộc vận động bí ẩn. Nhưng cha đã đồng ý cho họ bắn chết chúng con khi mầm sống chúng con đang được hình thành. Chúng sẽ nói như thế để đẩy anh vào chân tường. Và bây giờ thì anh sẽ khóc. Như một bị cáo đuối lý trước tòa, anh sẽ chỉ biết ngồi chờ bản án. Bản án ấy âm thầm được tuyên qua sự lớn lên của cái nấm mồ trên bụng vợ anh, chúng quấy phá cái cơ thể xanh xao phù thũng nặng nề của cô ta.

Nhiều lần vợ anh hỏi vì sao anh khóc. Anh nói, là vì anh không kiềm chế được hạnh phúc.

6 “Cám ơn anh yêu”. Cô gõ. Và nhấn Send.

7 Khang chuyển sang luyện truyện chưởng. Đó là giải pháp để đốt cháy thời gian và xóa đi những ý nghĩ trầm trọng trong đầu. Khang thích các nhân vật chỉ biết hành động và cuộc sống có sẵn các khuôn mẫu giá trị đúng sai cụ thể, vừa tiện cho kẻ tiểu nhân lại vừa đỡ mất thì giờ mệt óc cho bọn quân tử.

Vợ thấy chồng rảnh rỗi, suốt ngày ôm sách luyện chưởng, đã ném chuyện bài vở của hai đứa nhỏ cho Khang. Đó, anh lo cho tụi nó học luôn đi. Tụi nó theo anh chứ đâu có theo em. Cứ như cái nhà này là thế giới của ba thằng đàn ông, không có phụ nữ cũng chẳng sao. Này nhé, thử mà coi, vắng anh cái là nhao nhao cả lên. Đúng là cha nào con đó.

Khanh biết vợ mắng yêu và mục đích cuối cùng là đùn đẩy phần trách nhiệm cho mình.

Anh cười ngờ nghệch như Quách Tĩnh. Thôi được. Nhưng tụi nó ngủ, em phải để cho anh được yên. Anh cần có thế giới của anh. Khanh giao kèo.

OK. Thì anh muốn làm gì cứ làm. Vợ anh nói dỗi.

Trong khi đó, hai đứa con trai ngồi vào bàn, đánh nhau khóc chí chóe. Vậy đó. Bọn nó cùng sống sót trong cuộc chọn lọc sinh tồn để cùng bước vào đời sống này. Vậy mà hở chút là giành giật, gây gổ, đánh đấm nhau suốt. Cái nhà từ hồi có hai đứa nó, chẳng bao giờ được yên.

Khanh sẽ gấp cuốn Anh hùng xạ điêu lại. Ngồi vào bàn với chúng. Và làm trọng tài cho màn tranh luận có nguy cơ dẫn tới cuộc đụng độ xô xát u đầu mẻ trán. Một đứa nói chúng ta được loài cá khổng lồ đẻ ra, còn đứa kia nhất quyết không chịu, bảo không, chúng ta được đẻ ra từ siêu nhân. Khanh đóng vai nhà khoa học tiến hóa. Anh phân xử công bằng để hai đứa yên tâm đi vào nội dung bài tập chữ cái: các con đều đúng và cũng đều sai. Các con được sinh ra từ loài cá – siêu - nhân. Một khái niệm mới khiến bọn trẻ há hốc mồm chờ diễn giải. Và bất ngờ, Khang hiện thực hóa rất trực quan sinh động: loài cá siêu nhân đó, ở đây nè các con: anh mở điện thoại và tìm cái hình chụp bụng bầu của vợ. Đó, hai đứa thấy chưa. Cái bụng con cá siêu nhân đây. Thiệt là dữ dằn. Bây giờ thì học bài.

Viết đi, a, chữ a có là cái bụng tròn mọc ra cái tay vẫy vẫy.

Đó, đúng rồi.

8 Mọi chuyện sẽ chẳng có gì trầm trọng lắm nếu đúng cái ngày đó, Khang không vào quán cơm văn phòng gần cơ quan Hạnh. Khang nhìn thấy Hoàng gắp thức ăn cho Hạnh. Họ nói chuyện cởi mở và thân thiết. Hạnh vẫn vậy, cô có thói quen khi nói chuyện thì miệng liền tay, tay liền chân, đôi khi cô như thể không kìm được cái cảm xúc biểu đạt quá trớn. Lần này thì cô vỗ vai Hoàng, đá chân Hoàng và cầm muỗng nĩa gí vào mặt Hoàng. Khang đứng như trời trồng một lúc. Rồi ngồi vào góc quán, gọi cơm. Khang lấy điện thoại trong túi quần, nhí nhoáy nhắn tin rủ Huyền, cô đồng nghiệp vừa ly dị chồng đi ăn. Năm phút sau, Huyền đến. Anh chủ động ngồi sát Huyền cố tình để cho vợ mình ngó thấy. Ban đầu Huyền thẹn thùng, có chút e dè. Càng về sau, cô càng tự nhiên để cho Khang tiến đến sát mình. Họ ngồi trên cùng một chiếc ghế sofa và gắp cơm, rau, múc canh cho nhau.

9 Họ không nói với nhau về bữa cơm mà họ bắt gặp chồng, vợ mình đang ngồi cùng đồng nghiệp. Họ nhã nhặn chào nhau khi bắt gặp. Hoàng bắt tay Khang. Còn Huyền bắt tay Hạnh. Tất cả đều tỏ ra vui vẻ và thoải mái. Nếu có gặp chuyện đó hàng chục lần nữa trong đời, người này biết rằng người kia sẽ không phản ứng gì thái quá. Và cả hai cũng biết rằng, mình sẽ chẳng đủ xốc nổi để làm gì thái quá.

Trong email, Khang cắt dán bản tin về vụ án người vợ giết chồng thật man rợ. “Cám ơn anh yêu” - Hạnh quyết định trả lời vắn gọn như thế và không đi vào nội dung câu hỏi trên subject -  “Một ngày nào đó liệu em có làm thế với anh không?”.

Cho nó nhẹ lòng.

N.V.N

>> Chim thiên đường - Truyện ngắn của Văn Vương
>> Tíc tắc buồn' - Truyện ngắn của Tô Hải Vân
>> Chiến tranh' - Truyện ngắn của Thái Bá Tân
>> Lần này, lần trước - Truyện ngắn của Hoàng My
>> Giéc, người làng Mai' - Truyện ngắn của Ma Văn Kháng
>> Tàu đến G - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Giật mình giữa mùa xuân' - Truyện ngắn của Phan Ý Yên
>> Yêu Sài Gòn như yêu một cô gái - Truyện ngắn của Cẩm Thư
>> Mát xa ở khu công nghiệp - Truyện ngắn của Nguyễn Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.