|
Người làng Tuấn Dị giới thiệu ngắn gọn với khách: làng tôi trên trời là sấu, dưới đất là lá dong. Nghe lạ, nhưng đúng thật. Từ đầu QL5 vào làng đã thấy xanh mướt màu lá dong dưới những thân cây sấu xù xì. Giống sấu ở Tuấn Dị cây nào cũng cao trên 20 m, có cây thân to một vòng tay ôm mới xuể, tỏa làm 5 - 10 cành. Người già bảo trời đang nắng mà tới Tuấn Dị như đi vào nhà có quạt máy chạy 24/24 giờ.
Mùa thu hoạch sấu, thương lái đỗ ô tô kín khắp đường làng, thuê người đánh đu hái quả từ vườn sấu nhà này sang vườn nhà khác. Hái hết quả trên 2.000 cây sấu tại Tuấn Dị thì vừa hết mùa thu. Không cần bỏ công chăm sóc, mùa sấu vừa qua, mỗi nhà chỉ cần có 2 cây sấu, mỗi cây cho 1 tạ quả, cũng có thể bỏ túi chí ít 3 triệu đồng, với 10 - 20.000 đồng/kg.
Sấu theo mùa vụ, còn lá dong Tuấn Dị cho thu nhập quanh năm. Ngày thường, bà con tỉa lá chân (lá dưới gốc) để bán cho những tiệm làm xôi, gói bánh, với giá khoảng 30 nghìn đồng/100 lá. Chủ các tiệm giò, chả, xôi đặt người làng cắt và đem lá tới tận nơi.
Tuấn Dị có 500 hộ gia đình thì 300 hộ có đất trồng lá dong, nhà ít nhất nửa sào, nhà nhiều nhất 5 sào. Mùa thu nhập đỉnh điểm của Tuấn Dị phải là nửa sau tháng Chạp, vì dịp Tết, 1 sào lá có thể cho người dân thu nhập 10 triệu đồng. Trẻ em làng Tuấn Dị từ 10 tuổi trở đi đã biết cắt lá dong, đếm lá, bó lá, chặt cuống lá. Cuống lá dong dịp cuối năm được thu dọn thành từng đống cao ngất trong vườn. Trước đây đó là một thứ chất đốt quý, nhưng bây giờ nhà nào cũng chuyển sang bếp gas, thành ra cuống phơi khô thì chỉ đốt bỏ, tro cuống lại mang đem đi bón vụ lá dong mới.
Cụ Trần Thị Cát, gần sang tuổi 80 nhưng vẫn thu hoạch lá dong nhanh thoăn thoắt. Nhà cụ có gần 1 sào đất trồng lá dong. “Ngày thường kiếm vài chục nghìn đồng từ lá nhỏ thôi, còn Tết, loại lá đẹp nhất tôi bán 80.000 đồng/100 lá, loại đẹp nhì giá 60.000, loại nhỏ nhất cũng được 35 - 40.000 đồng/100 lá. Mưa nhiều, ít gió bấc, lá dong lên nhiều, to bản, không quăn, không rách thì là điềm may”, cụ Cát bảo.
Cận Tết, mỗi ngày vườn nhà cụ Cát bán ra gần 1.000 lá dong đủ các loại. Người làng cho hay chưa năm nào Tuấn Dị ế lá dong, cắt từ 17-18 tháng Chạp, đến 29 Tết thì vườn nào cũng trơ ra cuống lá. Ra Giêng, trời ấm áp thì cắt những phần cuống này sát tận gốc để mưa xuân xuống, lá lên đợt mới. Rủi thay nhà nào cắt cuống sớm quá, lúc trời còn giá lạnh thì coi như cả mảnh vườn ấy các gốc dong thối hết.
Trưởng thôn Tuấn Dị, ông Khương Văn Khoái cho hay những vườn lá dong, cây sấu hiện tại của làng đã khoảng 60 năm tuổi. Làng Tuấn Dị thuần nông, nhờ 2 giống cây này bà con có thể vừa tăng gia tại nhà, vừa làm thêm nghề phụ hồ, buôn bán. Nhiều người làng chuyển sang thu mua lá dong, phân phối tới các cơ sở làm giò chả, gói bánh chưng khắp Hà Nội, Hưng Yên... thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, vấn đề đang tồn tại ở Tuấn Dị là tổng diện tích 4 ha lá dong và trên 2.000 cây sấu hiện tại đang giảm đi do người dân lấy đất vườn xây nhà trọ, mở hàng quán kinh doanh phục vụ cho sinh viên Trường đại học Tài chính quản trị kinh doanh sát đó.
“Chúng tôi đang vận động người dân trồng thử lá dong trên đất ngoài bãi ven sông Bắc Hưng Hải. Hi vọng bà con không làm mất đi cái danh của làng lá dong xứ Bắc”, ông Khoái chia sẻ.
Thúy Hằng
>> Quả sấu chữa ho
>> Món khoái khẩu từ quả sấu
>> Lá dong xuống phố
>> Làng Tuấn Dị bội thu lá dong
>> Chợ lá dong vào mùa
>> Mùa lá dong Tràng Cát
>> Chợ lá dong Sài Gòn
Bình luận (0)