|
Chặt làm củi
Hai ngày sau khi bão số 11 tan, PV Thanh Niên đã tìm đến nông trường cao su ở Núi Thành, Hiệp Đức và vào các vườn cao su tiểu điền của người dân để tận mắt chứng kiến những vạt cao su ngã rạp. Không khí “cứu” cây cao su khá khẩn trương ở 17 khu của Nông trường cao su Đức Phú (H.Núi Thành, Quảng Nam). Trong 198ha của nông trường Đức Phú bị hư hại, có hơn 30.450 cây cao su đang khai thác mủ và hơn 31.100 cây cao su kiến thiết cơ bản ngã đổ. Qua kiểm đếm, nông trường “phân loại” hết 80% cây khai thác mủ và 30% cây còn non phải chặt bỏ làm củi, vì gãy ngang hoặc bật gốc không thể phục hồi.
Ở địa bàn H.Hiệp Đức, 475ha cây cao su đang thời kỳ khai thác cũng chịu nhiều tổn thất. Thống kê ban đầu cho thấy 200ha cây cao su ngã đổ, thiệt hại nặng thuộc về Nông trường cao su Trà Nô của Công ty cao su Quảng Nam. Các vườn cao su tiểu điền của người dân cũng lâm nạn. Hộ anh Bùi Ngọc Nam (tại thôn 3, xã Quế Lưu) mất trắng 7ha cao su đang cho mủ, còn hộ anh Lê Tấn Ba (cùng thôn) cũng bị bão san phẳng 2ha khiến rừng cao su hơn 1.000 cây giờ chỉ còn chưa đầy 40 cây. Hộ ông Trần Xuân Trang (trú thôn 4 cùng xã) cũng mất trắng 1ha cao su chuẩn bị cho mủ, cả 500 cây chỉ còn… 3 cây. “Tôi đang còn nợ ngân hàng 45 triệu đồng. Có cách gì giúp chúng tôi với!”, ông Trang khẩn thiết.
|
“Chấp nhận thiệt hại”
Câu hỏi về sự hợp lý của cây cao su trồng ở vùng đất thường xuyên hứng chịu thiên tai như các tỉnh miền Trung được nhắc lại, sau khi bão số 11 càn quét. Riêng ở Quảng Nam, có đến 34.270ha cây công nghiệp, cây lâm nghiệp bị gãy đổ, theo thống kê của UBND tỉnh, trong đó “vàng trắng” cao su chịu tổn thất đặc biệt. Nông trường cao su Đức Phú mỗi tháng chi bình quân 1,2 tỉ đồng tiền lương cho 200 công nhân cạo mủ, chăm sóc cây… Sau bão, lượng mủ sụt giảm, thu nhập của người dân cũng giảm 1/3.
Cách đây 4 năm, các nông trường cao su miền Trung đã bị bão lớn càn quét. Nhiều lô bật gốc trồng lại chưa kịp đến kỳ lấy mủ (sau 7-8 năm), nay lại ngã đổ. Rủi ro là vậy, nhưng quy hoạch vùng trồng cây cao su ở Quảng Nam vẫn đang tăng mạnh. Quảng Nam và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam đã ký thỏa thuận mở rộng cây cao su trên quỹ đất rừng nghèo thông qua hình thức nhận quỹ đất từ tỉnh giao, tiếp nhận lâm trường... dự kiến đầu tư thêm 10.000ha. Còn với cao su tiểu điền, trước sức hấp dẫn về lợi nhuận, nhiều nông dân ở khu vực miền núi Quảng Nam đã ồ ạt chặt bỏ cây keo, bỏ ruộng để trồng, dù đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, bị từ chối thu mua vì chất lượng mủ thấp, đặc biệt là cây gãy đổ vì gió lốc.
“Phải chấp nhận thiệt hại và rủi ro. Vấn đề cơ bản là doanh nghiệp có đủ sức bù thiệt hại sau mỗi lần bị bão càn quét hay không”, ông Dương Phú Tân - giám đốc nông trường nói. Trong khi đó, ở các vườn cao su tiểu điền, nước mắt người dân vẫn đang chảy theo “vàng trắng”. Mất thu nhập, họ lại đang ôm đống nợ từ ngân hàng.
Hứa Xuyên Huỳnh - Hoàng Sơn
>> ‘Vàng trắng’ trôi theo bão
>> Vàng trắng' rớt giá
>> Quặn lòng chặt cao su làm củi
>> Mưa nhiều phát sinh bệnh hại trên cây cao su
>> Đào tạo nghề trồng cao su
Bình luận (0)