|
Hôm qua, TTK LHQ Ban Ki-moon cho biết Ả Rập Xê Út chưa gửi thông báo chính thức về việc từ chối đảm nhận ghế thành viên không thường trực HĐBA. Trong thông cáo ngày 18.10, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út tuyên bố từ chối gia nhập HĐBA cho đến khi cơ quan này “thực thi cải cách sâu rộng để hoạt động hiệu quả đúng chức năng và nhiệm vụ của mình”. Ả Rập Xê Út chỉ trích HĐBA “thất bại trong việc chấm dứt các tội ác ở Syria và không thể ngăn chặn vũ khí hủy diệt ở Trung Đông”. Ngày 19.10, một số thành viên thường trực HĐBA đã lên tiếng về động thái gây sốc trên. Bộ Ngoại giao Nga lấy làm “ngạc nhiên về quyết định chưa có tiền lệ” và cho rằng việc Riyadh chỉ trích HĐBA về vấn đề Syria là “rất lạ”, theo AFP. Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud cho rằng nhiều quốc gia có thể hiểu được sự tức giận của Ả Rập Xê Út, nước ủng hộ mạnh mẽ phe đối lập ở Syria. Mỹ, đồng minh quan trọng của Ả Rập Xê Út, cũng chưa có phản ứng mạnh. “Đó là quyết định của họ”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki.
Quyết định trên thậm chí gây tranh cãi tại Ả Rập Xê Út. Báo The New York Times dẫn lời một chính trị gia tại Riyadh cho rằng quyết định đó không tốt cho hình ảnh của Ả Rập Xê Út. Một số người khác ở Riyadh thì nói họ không hoàn toàn ngạc nhiên nếu hiểu rằng nội bộ Ả Rập Xê Út từ lâu đã mâu thuẫn trong việc đảm nhận một vị trí có thể gây căng thẳng với đồng minh và những quốc gia có quan hệ tốt. Trong khi đó, giới quan sát nhận định sự từ chối của Ả Rập Xê Út thật sự gây bất ngờ, đặc biệt vì nước này từ lâu đã tranh thủ vận động để được vào HĐBA. “Điều này chưa có tiền lệ trong lịch sử HĐBA. Nhiều quốc gia nghĩ rằng việc vào HĐBA sẽ có giá trị lớn và họ sẽ có thêm ảnh hưởng”, Giáo sư chính trị Mỹ David Bosco nhận định với tạp chí Time. Hãng AFP dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết động thái của Ả Rập Xê Út chủ yếu nhằm thể hiện sự tức giận với Mỹ, nước không giữ cam kết tấn công Syria và khởi động đàm phán với Iran, kình địch của Riyadh.
Ả Rập Xê Út cùng Nigeria, Chad, Chile và Lithuania được bầu làm thành viên không thường trực của HĐBA LHQ vào ngày 17.10, với nhiệm kỳ 2 năm, bắt đầu từ tháng 1.2014, thay thế Pakistan, Guatemala, Ma Rốc, Togo và Azerbaijan. Theo AFP, nếu Riyadh vẫn giữ lập trường, nhóm các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải đề cử một ứng viên mới để Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu. Còn theo Time, Đại hội đồng LHQ có thể tuyên bố một ghế không thường trực tại HĐBA vẫn thuộc về Ả Rập Xê Út và cơ quan này sẽ họp chỉ với 14 thành viên. Vào năm 1950, Liên Xô từng tẩy chay HĐBA LHQ sau khi cơ quan này từ chối thay thế đại diện của Đài Loan bằng Trung Quốc. Quyết định đó khiến Moscow mất cơ hội phủ quyết nghị quyết về hành động quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Liên Xô không từ bỏ ghế thành viên thường trực của HĐBA và đã quay trở lại sau đó.
Văn Khoa
>> Ả Rập Xê Út từ chối vào HĐBA LHQ
>> Nga bác thông tin 'đi đêm' với Ả Rập Xê Út
>> Ả Rập Xê Út đưa hàng ngàn tử tù sang Syria chiến đấu
>> Lại có thêm 3 người chết vì vi rút giống SARS tại Ả Rập Xê Út
>> Nga bác tin ông Putin bàn về thỏa thuận bán vũ khí với Ả Rập Xê Út
Bình luận (0)