Trách nhiệm đối với tăng trưởng xanh

23/10/2013 03:00 GMT+7

Trong quá trình cả nước theo đuổi chiến lược tăng trưởng xanh, không thể không nhắc đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nhận thức và thực hiện tiếp thị xanh - một khái niệm giúp doanh nghiệp vẫn thu được lợi nhuận mà không làm tổn hại đến môi trường.

Trách nhiệm đối với tăng trưởng xanh
Hội thảo Tăng trưởng xanh trong thời kỳ toàn cầu hóa - Ảnh: H.T.M.C

Từ doanh nghiệp

Giữa tháng 10, Trường đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Tăng trưởng xanh trong thời kỳ toàn cầu hóa”. Qua thảo luận, để thực hiện marketing xanh, doanh nghiệp cần xem xét các vấn đề sau:

- Sản phẩm: Sản phẩm phải được tạo ra từ vật liệu thân thiện, không chứa chất độc hại, đem đến những giải pháp an toàn và thân thiện đối với môi trường và sức khỏe. Chẳng hạn doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm đựng trong chai thủy tinh sử dụng được nhiều lần và dễ dàng tái chế thay vì đựng trong chai nhựa chỉ dùng một lần rồi bỏ. Túi vải không dệt thay cho bịch ni lông là một giải pháp nên được phát huy. 

- Giá cả: Mặc dù trước mắt, việc chế tạo và cung ứng sản phẩm xanh đòi hỏi doanh nghiệp phải có những khoản đầu tư nhất định, tuy nhiên, xét về lâu dài, doanh nghiệp thu được nhiều lợi ích về hình ảnh và sẽ giảm dần chi phí sản xuất. Do đó, việc định giá sản phẩm cần mềm dẻo để người tiêu dùng chấp nhận và hình thành thói quen sử dụng sản phẩm xanh. 

 

Khái niệm Tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là quá trình tái cơ cấu hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự mất công bằng trong xã hội. (Nguồn: Liên Hiệp Quốc)

- Phân phối: Bố trí kho bãi khoa học và lên kế hoạch vận chuyển hàng hóa hợp lý giúp doanh nghiệp giảm chi phí bảo quản, đóng gói và vận tải, đồng thời cắt giảm lượng khí thải giao thông. Một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn đối tác phân phối và nhượng quyền, trên cơ sở cam kết giữ gìn hình tượng xanh của cả hai bên.

- Chiêu thị: Bằng thái độ tích cực và kiên nhẫn, doanh nghiệp cần chung tay phổ biến ý thức tiêu dùng xanh, nhằm xây dựng nhận thức xã hội về một thế giới tương lai an toàn và văn minh hơn nếu ngay từ hôm nay người tiêu dùng có quan tâm đến môi trường khi mua sắm và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Bên cạnh đó, sự minh bạch và trung thực của doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết xanh là vô cùng cần thiết, bởi một khi niềm tin của người tiêu dùng bị lung lay thì rất khó phục hồi.

Đến người tiêu dùng

Một đối tượng khác cũng có trách nhiệm không kém là người tiêu dùng. Người tiêu dùng xanh là người tránh tiêu thụ những sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe bản thân, người khác và môi trường. Thông qua việc chỉ mua sắm thứ mình cần, được sản xuất ra theo cách mình muốn, người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà cung cấp phải tạo ra và cung ứng những sản phẩm, dịch vụ không ảnh hưởng xấu tới môi trường sống.

Chẳng hạn, người tiêu dùng xanh sẽ lái loại xe sử dụng ít nhiên liệu và thải ít khói ra môi trường. Họ chọn loại đồ gia dụng giúp tiết kiệm điện, nước. Họ không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông hay thịt của động vật hoang dã. Họ không ăn sinh vật non hay đang trong thời kỳ sinh sản và ưu tiên thực phẩm được nuôi trồng gần nơi mình sinh sống, chiếu cố đến nhà kinh doanh tại địa phương. Họ xách theo túi mua hàng khi đi chợ, siêu thị... Khi thay đổi nhận thức và thói quen của mình, người tiêu dùng xanh có đủ quyền lực để thay đổi nhà cung cấp, thay đổi xã hội, thay đổi cái thế giới mà họ sống trong đó. 

ThS Huỳnh Tthị Minh Châu
(Đại học Bách khoa TP.HCM)

>> Đà Lạt phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh
>> WB công bố báo cáo tăng trưởng xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.