Đổi mới để tạo sự công bằng

29/10/2013 03:00 GMT+7

Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đi tiên phong trong cải cách kinh tế, một lần nữa lại được cấp đặc quyền để thử nghiệm cải cách giáo dục. Mục tiêu chính trong chiến lược cải cách giáo dục ở Thượng Hải là nâng cao chất lượng và thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục.

Đổi mới để tạo sự công bằng
Học sinh một trường học ở Thượng Hải học tiếng Anh - Ảnh: ncee.org

Lần đầu tham dự kỳ thi PISA 2009 (kỳ thi với mục đích kiểm tra, đánh giá và so sánh trình độ học sinh ở độ tuổi 15 giữa các nước trong khối OECD và các nước khác trên thế giới, được tổ chức định kỳ 3 năm một lần), học sinh của Thượng Hải đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng, đứng trên cả các quốc gia có truyền thống như Phần Lan, Canada, Mỹ và Singapore.

Cải cách về chương trình đào tạo và thi cử

Mục tiêu cải cách chương trình đào tạo là để thay đổi cách học, từ thụ động sang chủ động, gia tăng năng lực sáng tạo, khả năng phát triển độc lập, phát huy tối đa năng lực tiềm ẩn của mỗi học sinh. Chương trình đào tạo mới được cấu trúc lại, gồm 3 khối: chương trình cơ bản (thực thi qua các môn học bắt buộc); chương trình tăng cường (thông qua các môn học tự chọn) và chương trình tham vấn (thực hiện các đề tài nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của giáo viên). Có nhiều đầu sách giáo khoa khác nhau, các tài liệu phục vụ giảng dạy được biên soạn từ chương trình khung. Các trường cũng được khuyến khích phát triển chương trình giảng dạy riêng, phù hợp với điều kiện thực tế. Các môn học truyền thống được tổ chức lại theo 8 lĩnh vực: ngôn ngữ và văn học, toán học, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ, nghệ thuật, thể dục, và một môn học thực hành. 

Thiết kế lại các kỳ thi cũng là một yếu tố quan trọng trong quá trình cải cách giáo dục ở Thượng Hải. Năm 1985, Thượng Hải được phép tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH riêng. Kể từ năm 2001, kỳ thi tuyển sinh ĐH ở Thượng Hải có hình thức "3 + X" gồm tiếng Trung, tiếng Anh và Toán, cộng với "X" là chủ đề thi do khoa hoặc trường xác định, phù hợp với yêu cầu thực tế. Hình thức của " X " có thể là một bài kiểm tra giấy, bài thi vấn đáp hoặc một bài kiểm tra kỹ năng bao gồm nhiều nội dung và kiến thức khác nhau. Năm 2006, ĐH Fudan, ĐH Giao thông Thượng Hải và một số trường khác bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng để tăng cường tính chủ động cũng như giảm thiểu áp lực thi cử.

Trả lương theo hiệu quả công việc

Việc thay đổi này thực hiện theo chiến lược từ dưới lên, bắt đầu từ thầy cô giáo. Đầu tiên là phong trào "Trả lại thời gian cho học sinh", với yêu cầu tăng thời gian cho các hoạt động của học sinh trên lớp. Chính điều này đã tạo ra một sự thay đổi cơ bản trong nhận thức về lớp học tốt, vốn thường chỉ được đánh giá một chiều thông qua khả năng giảng dạy và chuẩn bị bài của giáo viên. Ngoài ra còn phong trào "Có nhiều hơn một câu trả lời duy nhất cho mỗi câu hỏi" cũng tạo ra thách thức thay đổi cho giáo viên, vốn luôn được coi là người đưa ra hoặc áp đặt đáp án.

Việc phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy cũng được thực hiện bài bản. Từ việc chủ động trả lương theo hiệu quả công việc, cùng nhiều chính sách ưu đãi, Thượng Hải đã thành công trong việc nâng cao vị trí và vai trò của nghề giáo, thu hút được nhiều sinh viên giỏi theo học ngành sư phạm, nâng tổng số giáo viên có trình độ đại học, sau đại học ở mức cao. Thành phố cũng đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên ở nhiều cấp độ khác nhau.

Thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo

Thượng Hải đã áp dụng một số chiến lược để thu hẹp sự chênh lệch giữa các trường.

Chiến lược điều tiết tài chính thiết lập một định mức chi tối thiểu cho mỗi học sinh và điều tiết lại ngân sách, nhất là các khu vực khó khăn. Từ năm 2004 đến 2008, hơn 500 triệu USD đã được chuyển giao cho các trường học ở nông thôn để xây dựng phòng học và phòng thí nghiệm mới, sửa chữa các phòng học cũ, mua thêm sách, tài liệu nghe nhìn, và tăng lương giáo viên.

Hoán chuyển giáo viên (thậm chí là lãnh đạo) của các trường ở khu vực thành phố và nông thôn. Lãnh đạo giàu kinh nghiệm của trường tốt sẽ được cử làm hiệu trưởng của trường yếu và gửi thêm một đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm để hỗ trợ giảng dạy.

Với phương châm trẻ nhập cư cũng là con em của chúng ta, Thượng Hải đã tạo điều kiện để phần lớn trẻ nhập cư được học miễn phí trong các trường công và được đối xử bình đẳng như các học sinh thường trú của thành phố.

Nhưng những bài học về cải cách giáo dục của thành phố này vẫn có nhiều giá trị tham khảo cho chúng ta khi đang chuẩn bị bước vào đợt đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

PGS-TS Vũ Hải Quân
 (theo oecd.org)

>> Đề xuất lập ủy ban cải cách giáo dục
>> Cải cách giáo dục năm 2015, chưa bắt đầu sẽ không kịp
>> Cải cách giáo dục, bài toán nan giải của Pháp
>> Cải cách giáo dục đại học để hội nhập
>> Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên
>> Cải cách giáo dục: Những vấn đề cũ và mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.