Tránh thu hồi đất đai tràn lan, ảnh hưởng đến người dân

05/11/2013 12:35 GMT+7

(TNO) Sáng nay (5.11), Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, thu hồi đất đai vẫn là nội dung còn nhiều đại biểu (ĐB) có ý kiến góp ý chỉnh sửa.


ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản - Ảnh: Ngọc Thắng 

Theo ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) hiện nay vấn đề thu hồi đất đai còn nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến của cử tri, và chưa có tính ổn định. Đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng của người dân, vừa qua, nhiều sự việc gây bức xúc cho người dân do thu hồi đất đai. Vì vậy, cần hiến định chặt chẽ về việc thu hồi đất đai; thật cần thiết mới thu hồi, tránh thu hồi tràn lan.

“Trong hiến pháp, về thu hồi đất đai, chỉ cần ghi là vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng là đủ”, ĐB Thu có ý kiến.

Cũng như ĐB Thu, nhiều ĐBQH cũng băn khoăn và có góp ý cho quy định về thu hồi đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) tán thành cần phải quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp vì quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân, cần có quy định chặt chẽ trong việc thu hồi, tránh việc lạm dụng thu hồi đất, tránh thu hồi đất đai tràn lan, làm ảnh hưởng đến người dân.

“Tôi còn băn khoăn về việc thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Tôi đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định việc thu hồi đất để phục vụ cho các dự án phát triển kinh tế xã hội cần đảm bảo quyền, lợi ích của người người dân, giảm thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi”, ĐB Nhiên góp ý.

Trong khi đó, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) băn khoăn: Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chỉ thu hồi đất đai trong những trường hợp “thật cần thiết”, vậy thế nào là thật cần thiết? Cần thiết ở mức độ nào? Ai là người xem xét mức độ thật cần thiết đó?

 
ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai) góp ý về nội dung thu hồi đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp - Ảnh: Ngọc Thắng

ĐB Hùng đề nghị cần quy định rõ QH và HĐND các cấp xem xét, phê duyệt mức độ "thật cần thiết" trong việc thu hồi đất đai.

Trong Dự thảo sửa đội Hiến pháp cũng quy định đất đai là nguồn tài nguyên quan trọng của quốc gia, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. ĐB Hùng cho rằng: Nếu nói quản lý theo quy hoạch thì vô hình chung đã đặt quy hoạch ngang với pháp luật. Trong khi đó thực tiễn quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp, từ địa phương đến trung ương; các quy hoạch không tránh khỏi chồng chéo, thiếu khoa học, thiếu thực tế.

“Nếu lấy quy hoạch làm cơ sở cho quản lý, thu hồi đất đai thì không ổn, dễ bị lợi dụng. Không nên áp đặt tính pháp lý cho quy hoạch. Không lấy quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, thu hồi đất đai”, ĐB Hùng góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Đồng thời ĐB Hùng cũng đề nghị Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản như đúng thực chất. Đây là cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, có như thế mới đảm bảo tính công bằng dân chủ và khách quan.

Theo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013) được lấy ý kiến trước QH, UB thường vụ QH đề nghị Hiến pháp sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2014 nếu được thông qua trong kỳ họp này.

Nguyên Mi

>> Thất thoát, lãng phí, tham ô: Quốc hội cũng liên đới trách nhiệm
>> ĐB Quốc hội đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách, đầu tư công
>> Truyền hình trực tuyến: Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội
>> Họp Quốc hội: Suy thoái trong ngành nông nghiệp đáng lo ngại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.