|
>> Khai mạc Hội thảo quốc tế về biển Đông
Suy giảm lòng tin
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định trong năm qua tình hình biển Đông và các vấn đề liên quan đã có nhiều thay đổi, theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Điểm tích cực là cộng đồng quốc tế và khu vực đã nhận thức được tầm quan trọng của biển Đông, trên cơ sở đó thúc đẩy hợp tác để kiềm chế xung đột.
“Tuy nhiên các bên còn theo đuổi lợi ích trước mắt, diễn giải khác nhau về luật quốc tế và trì hoãn việc xây dựng cơ chế hợp tác để quản lý tranh chấp, ngăn ngừa xung đột trên biển Đông”, ông Quý nói.
Ông Đặng Đình Quý dự báo trong giai đoạn 5 năm tới, biển Đông sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều bất trắc và tiếp tục là khu vực tranh chấp phức tạp nhất thế giới.
|
Theo ông Quý, những xu hướng tiêu cực sẽ làm cho tình hình biển Đông có thể diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng bùng nổ xung đột vũ trang.
Tại phiên khai mạc, ông Nyan Lynn, Phó tổng thư ký ASEAN, đã chuyển thông điệp của Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh gửi hội thảo.
Thông điệp khẳng định ASEAN là một chủ thể có vai trò quan trọng đóng góp cho hòa bình, ổn định ở biển Đông do ASEAN có 8 thành viên ven biển Đông, trong đó có 4 nước có yêu sách chủ quyền lãnh thổ.
“Nếu không có hòa bình, ổn định ở biển Đông, ASEAN khó lòng xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Vì lý do này ASEAN luôn kêu gọi và thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) 1982”, thông điệp của ông Lê Lương Minh nêu rõ.
Tổng thư ký ASEAN khẳng định thời gian tới ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy các bên thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
ASEAN khôi phục đoàn kết
Tại tham luận công bố tại hội thảo, giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng ASEAN đã hồi phục sau thất bại ở Hội nghị AMM 45 (7.2012) tại Phnom Penh (Campuchia) và xây dựng một khái niệm mới về sự đoàn kết chính trị nhằm tiến hành các cuộc tham vấn với Trung Quốc về COC.
|
Cũng theo ông Thayer, những căng thẳng mới giữa Trung Quốc và Philippines (Philippines khiếu nại Trung Quốc lên Tòa trọng tài theo UNCLOS; Trung Quốc đưa tàu cảnh sát biển đến bãi Cỏ Mây; Philippines cáo buộc Trung Quốc có hoạt động xây dựng tại bãi cạn Scarborough) đã đưa đến việc Trung Quốc phải áp dụng chính sách “chia rẽ chính trị” nhằm cô lập Philippines với các thành viên ASEAN.
Trung Quốc đồng thời cũng thuyết phục các quốc gia ASEAN khác không “quốc tế hóa” tranh chấp thông qua việc ủng hộ động thái đưa tranh chấp lên tòa quốc tế của Philippines.
Giáo sư Thayer cũng chỉ ra một vài dấu hiệu tích cực trong chính sách biển Đông của Trung Quốc, trong đó có việc nhất trí bắt đầu tham vấn với ASEAN về COC trong khuôn khổ DOC. Tuy nhiên, theo ông Thayer, những thảo luận sẽ kéo dài, nếu không muốn nói là mãi mãi. Trung Quốc cũng đang khởi động một cuộc “tấn công quyến rũ” mới, trong đó hứa hẹn về các chương trình hợp tác trên biển và “khai thác chung sẽ là cây đũa thần” tại khu vực.
Phân tích của ông Thayer cũng cho thấy Trung Quốc đang phóng đại quá mức, nếu không muốn nói là thổi phồng về vấn đề hợp tác trên biển và khai thác chung.
“Thực tế những gì mà Trung Quốc đạt được cũng chỉ dừng ở mức khiêm tốn và không có nhiều ý nghĩa”, giáo sư Thayer nhận định.
Trong khi đó giáo sư Koichi Sato (ĐH J.F Oberlin, Nhật Bản) cho rằng việc Trung Quốc “tấn công” vào các nước ASEAN là một thủ đoạn khôn khéo và tinh vi vì Trung Quốc nhắm vào Philippines, được coi là điểm yếu nhất của ASEAN.
Theo ông Sato, chính phủ Trung Quốc cũng đồng thời tính toán rằng các hoạt động của lực lượng chấp pháp Trung Quốc nhắm vào Philippines và Việt Nam không đủ sức kích động Mỹ can thiệp vào.
Hội thảo do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức có sự tham dự của khoảng 200 đại biểu, trong đó có hơn 70 đại biểu quốc tế, gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ hơn 30 nước, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế; hơn 40 đại diện Ngoại giao đoàn tại Việt Nam; hơn 80 các học giả, đại biểu Việt Nam. Dự kiến sẽ có khoảng 38 tham luận sẽ được trình bày tại hội thảo. Hội thảo dự kiến được chia thành các phiên theo những chủ đề gồm: Những diễn biến gần đây ở biển Đông; ASEAN và biển Đông; Quan hệ giữa các nước lớn và biển Đông; Luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982 và biển Đông; Những diễn biến pháp lý gần đây và biển Đông; Các kinh nghiệm quốc tế và khu vực trong xử lý tranh chấp biển; Đánh giá tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và việc thực thi DOC; Quản lý căng thẳng và tương lai của biển Đông; Khuyến nghị chính sách và thảo luận tự do. |
Ng.Phong
>> COC có tiến triển nhưng còn bất đồng
>> ASEAN - Trung Quốc bàn về COC
>> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không lùi bước trong tranh chấp biển Đông
>> APFIC kêu gọi giải quyết tranh chấp biển Đông một cách hòa bình
>> Nhật, Singapore kêu gọi giải quyết tranh chấp biển Đông
>> Giải quyết tranh chấp biển Đông trên nền UNCLOS
>> Ấn Độ kêu gọi giải quyết tranh chấp biển Đông theo luật quốc tế
>> Bắc Kinh “lấy thịt đè người” trong tranh chấp biển Đông
>> Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp biển Đông bằng biện pháp hòa bình
>> ASEAN muốn hỗ trợ giải quyết tranh chấp biển Đông
>> Tàu ngầm Kilo, quả đấm có uy lực ở biển Đông - Kỳ 2: Sức mạnh để bảo vệ hòa bình
Bình luận (0)