|
Bí ẩn chưa được giải mã
Thất Sơn và Bảy Núi là hai tên riêng. Địa danh Thất Sơn xuất hiện trong quyển Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1865, gồm 7 ngọn: núi Tượng, núi Tô, núi Cấm, núi Ốc Nhâm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa (hiện các núi này thuộc huyện Tịnh Biên và Tri Tôn). Còn Bảy Núi là tên huyện thành lập năm 1977, đến năm 1979 thì tách thành 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.
Theo thống kê, Thất Sơn có 37 núi, đồi nhưng vì sao từ xa xưa lại chọn 7 ngọn núi này? Sự kỳ thú này làm tốn bao bút mực đời sau nhưng bức màn bí ẩn tên gọi Thất Sơn vẫn chưa lộ. Nhà văn Hồ Biểu Chánh, khi làm thơ ký ở Long Xuyên, rồi nhà nghiên cứu văn học, văn hóa và lịch sử Việt Nam Nguyễn Văn Hầu sưu khảo viết quyển Nửa tháng trong vùng Thất Sơn đã liệt kê 7 ngọn núi nhưng tên núi đều khác so với đời xưa. Sau đó, cuốn Việt Nam tự điển do Lê Văn Đức biên soạn, xuất bản năm 1970, đã chú giải tên 7 ngọn núi lại khác so với sưu khảo của ông Hầu, ông Chánh.
Năm 1984, Trần Thanh Phương viết Những trang sử về An Giang nêu Thất Sơn gồm núi Cấm, núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn) và các tên này gần đúng với quan niệm của dân gian nên được dùng phổ biến. Nhưng năm 2000, một kỹ sư ở An Giang cho rằng Thất Sơn phải là núi Phụng Hoàng Sơn, Ngọa Long Sơn, Liên Hoa Sơn, núi Cấm, núi Phú Cường, núi Nam Qui và khối núi Trà Sư (gồm núi Két, Trà Sư).
Vị kỹ sư này giải thích đời xưa xem rồng, kỳ lân, rùa, phụng, voi, hổ là các con vật tín ngưỡng cao quý tượng trưng cho tầng lớp vua chúa, mãnh tướng, hiền nhân. Vì thế, các ngọn núi với tên của các con linh thú này bao quanh, bảo vệ lấy núi Cấm là ngọn núi cao nhất làm trung tâm. Nhà văn Sơn Nam nhận định: Đời Tự Đức chọn đó là 7 điểm linh huyệt nhưng sau này mỗi người giải thích một cách, quan lại địa phương sưu tầm, vội vã chép vào sử. Nhà văn Sơn Nam lập luận gọi tên Thất Sơn để đối xứng với sông Cửu Long, tạo ra âm dương hài hòa trong thuật số.
Đoàn Minh Huyên là hoàng tử nhà Tây Sơn ?
Núi Két ở xã Thới Sơn, H.Tịnh Biên cao 225 m, là ngọn núi độc đáo trong quần thể Thất Sơn, với khối đá khổng lồ nằm cheo leo trên vách đá nhìn như đầu chim két. Các cựu lão vùng này đều kính trọng gọi là núi ông Két và tin rằng khi mỏ ông xê dịch, nhân gian sẽ gặp chuyện bất ngờ. Các cựu lão kể, do bị bom đạn tàn phá nên mỏ ông Két bị gãy bể, sau này nhìn khối đá giống như đầu con ngựa hơn đầu chim.
Gần núi Két là trại ruộng Thới Sơn, nơi Đức Phật thầy Tây An (1807 - 1856), tức Đoàn Minh Huyên dẫn theo chúng đệ và 12 vị hiền thủ khai phá rừng rú, thu phục ác thú, lập nên trại ruộng, mở ra công cuộc khẩn hoang ở Nam bộ. Cụ đã lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, tu tâm giúp đời. Do thân thế cụ thần bí nên nhiều suy luận Đức Phật thầy Tây An có thể là hoàng tử Nguyễn Quang Mục, sinh năm 1789, là con vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa. Các trang mạng và một số tờ báo giải trí hay đăng tải ngôi mộ Phật Mẫu ở Cái Nai, H.Chợ Mới, An Giang chính là ngôi mộ Ngọc Hân công chúa (?!). Nhiều giả thuyết suy luận Ngọc Hân và 2 hoàng tử đã trốn thoát trong cơn loạn tru di, vào phương nam thay tên đổi họ ẩn dật.
Mới đây, Hội Khoa học lịch sử An Giang đã tổ chức hội thảo khoa học Nhân vật lịch sử Đoàn Minh Huyên, nhằm làm sáng tỏ thân phận bí ẩn cũng như công khai phá vùng đất hoang hóa của cụ và các chúng đệ tử. Các đại biểu nhận định, năm 1849, ở các làng quê bùng lên dịch tả làm người chết vô số và Đoàn Minh Huyên lúc ấy sống ở làng Tòng Sơn, Sa Đéc đã trị dứt bệnh nhiều người không lấy tiền nên được dân tôn thờ. Tiếng lành đồn xa, người bệnh kéo tới ngày càng đông, gây nghi ngại cho quan tỉnh nên Đoàn Minh Huyên bị đưa qua Châu Đốc tu hành trong chùa Tây An, nhưng thực chất để giam lỏng, giám sát.
Trong hội thảo, một số bài nghiên cứu lại đề cập đến thân phận thế tử lưu vong. Thạc sĩ Mai Thị Thanh, Trường ĐH Đồng Tháp và thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Đồng Tháp dựa vào các câu sấm giảng đặt nghi vấn: Đoàn Minh Huyên là con vua Quang Trung. Thạc sĩ Hiếu lý giải đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là ẩn dụ của chữ Tây Sơn tức là Bửu Sơn và tên thật của vua Quang Trung là Hồ Thơm, tức Kỳ Hương.
Ông Đặng Hoài Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử cho rằng giả thuyết đặt ra vua Quang Trung và Ngọc Hân công chúa là cha mẹ ruột của Đoàn Minh Huyên quá mơ hồ, phi lịch sử. Ông Dũng nhận định công lao của cụ rất lớn trong khai khẩn đất hoang, lập làng cũng như khai sáng truyền bá chúng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, tu tâm giúp đời, yêu nước chống Pháp. Trong đó, Quản cơ Trần Văn Thành là một trong những đệ tử của cụ đã khởi nghĩa chống Pháp ở căn cứ Bảy Thưa... |
Thanh Dũng
>> Thảo dược Thất Sơn - Bài 2: Dược liệu quý dần biến mất
>> Thảo dược Thất Sơn - Kỳ 1: Phố… thuốc núi
>> Kiểm tra tổng thể các núi đá ở Thất Sơn
>> Những hang động huyền bí ở Thất Sơn: Hang Mãng xà
>> Những hang động huyền bí ở Thất Sơn: Đi tìm hang hổ
>> Những hang động Thất Sơn huyền bí: Doanh trại tướng cướp Đơn Hùng Tín
>> Lên đỉnh Thất Sơn
>> Lão “hiệp sĩ” Thất Sơn
>> Huyền thoại thầy rắn Thất Sơn
Bình luận (0)