|
Đạo diễn người Pháp Philippe Bouler mỉm cười, gật đầu khi nghe tới Festival Huế. Ông đã gắn bó với nó 10 năm, từ ngày đầu gây dựng. Công việc của ông bộn bề, từ lên khung toàn bộ đến duyệt chi tiết từng chương trình nhỏ. Những màn múa lộng lẫy trên nước, với giọng ca trù ảo diệu của “tiếng phách trạng nguyên” Phó Thị Kim Đức. Ngựa giấy cốt tre tung vó trên trời vào lễ hội diều. Và cả những vườn rau cũng mở hội dưới bàn tay tổng chỉ huy của ông. “Huế đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Mới 12 năm, chưa phải là một lễ hội lâu đời, nhưng thành phố đã thay đổi nhiều nhờ lễ hội. Nhiệm vụ đầu tiên chúng tôi đạt được, đó là phát triển kinh tế thành phố nhờ du lịch văn hóa, du lịch di sản. Đó là một thành công”, ông nói.
Bí quyết để Huế giàu có hơn, theo ông Philippe Bouler chính là phải biết khai thác bản sắc văn hóa của chính mình. Bản sắc Huế nằm ở những lăng tẩm hàng thế kỷ. Nó cũng nằm ở những nhà vườn xinh xắn, nơi khách du lịch thử nghiệm công việc của nông dân. Đó cũng là những bữa tiệc cung đình, nơi rồng phượng bay vờn trong cách trang trí từng món ăn cầu kỳ. “Điều quan trọng nhất là phải hiểu đúng bản sắc của mình để phát triển nó”, vị đạo diễn của nhiều Đêm trắng - một sự kiện di sản tại Pháp - nói.
Không chỉ tại Huế, nhiều di sản trong nước đã thay đổi cuộc sống cho người dân theo hướng tích cực. Cũng trong dải di sản ở miền Trung, từ Huế, chỉ đi thêm vài giờ ô tô là có thể tới Hội An. Ở đó, du lịch đã mang lại một mạch đập khác cho vùng đất từng là cảng thị nổi tiếng này. Những ngôi nhà cổ vẫn đứng cạnh chùa Cầu. Khu phố cổ san sát cửa hiệu. Sát bến sông có thêm cả không gian cho bài chòi đối đáp khi đèn lên.
Sau hiểu sai là tận thu, tận diệt
“Từ giữa những năm 1990, một sự thay đổi quan trọng liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế du lịch”, theo một nghiên cứu do UNESCO Việt Nam thực hiện. “Sự phát triển của du lịch đã tạo ra một môi trường mới cho sự hồi sinh của nhiều thực hành văn hóa cổ truyền sau nhiều năm bị lãng quên và mai một. Nguồn lợi kinh tế từ việc bán các sản phẩm văn hóa cho khách du lịch đã trở thành chất xúc tác cho người dân tự sưu tầm và tái tạo các thực hành và giá trị văn hóa truyền thống của họ”.
|
Tuy nhiên, điều dễ thấy là di sản đang bị “bán rẻ”, bóp méo khi khai thác.
Cũng theo nghiên cứu của UNESCO Việt Nam, cồng chiêng của người Lạch ở Lâm Đồng đang khác đi so với cồng chiêng truyền thống. Tuy cồng chiêng truyền thống của người Lạch vẫn còn được sử dụng trong tang ma, nghi lễ pơthi, song tại các buổi giao lưu, đã có sự “thiên vị nhạc hiện đại”. Điều này khiến các già làng không đồng tình. “Họ bỏ tiền ra thì coi như là mình cũng phải phục vụ họ trong cái chương trình của mình”, một già làng cho biết trong phỏng vấn xã hội học. Tiền thu được từ du lịch đã bóp méo di sản cồng chiêng của ông.
Một hiện tượng khác đã được giới nghiên cứu cảnh báo là khai thác quá tải các di sản văn hóa. Tại hội nghị Việt Nam học mới nhất, một nhóm nghiên cứu Anh - Việt đã lên tiếng về việc quá nhiều khách, quá nhiều đèn chiếu đã làm hỏng lớp thạch nhũ của Phong Nha, Kẻ Bàng. Đèn chiếu sáng đã khiến nhũ không còn tươi mới. Du khách cũng làm bong tróc nền hang hóa thạch, làm bãi cát ngầm mất đi vẻ tơi xốp tự nhiên.
Cũng theo nghiên cứu của UNESCO về đền Hùng, quan điểm mở rộng xây dựng hạng mục phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí không được phù hợp. Chưa kể kế hoạch này còn tác động mạnh vào không gian sinh tồn của cư dân quanh vùng di sản. “Việc xây dựng khu vui chơi giải trí trong không gian thiêng sẽ làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái ở núi Nghĩa Lĩnh. Nó cũng làm giảm tính thiêng của không gian thờ cúng Hùng Vương”, báo cáo cho biết.
“Muốn làm giàu từ di sản phải hiểu những nguyên lý của di sản đó”, PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nói. “Ngoài ra, cần phải cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp - cộng đồng - nhà nước. Trong việc cân bằng đó không bao giờ được quên người dân mới chính là chủ của di sản”.
Tuy nhiên, từ góc độ chính sách, UNESCO lại nhận định: “Trong khi cơ quan văn hóa là tổ chức chính chịu trách nhiệm bảo tồn di sản, tiếng nói của cơ quan này lại không được coi trọng trong các lĩnh vực quy hoạch và phát triển kinh tế xã hội. Điều này đã dẫn đến sự suy giảm và biến mất của nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Khi di sản văn hóa không đem lại giá trị kinh tế thì dễ có nguy cơ bị loại bỏ hoặc thay đổi chức năng sử dụng”.
Nhìn lại chính sách, đặt chính sách trên nền tảng hiểu đúng di sản - đây là cách buộc phải làm để di sản không còn bị tận thu, tận diệt.
Trinh Nguyễn
>> Chưa thể “kích cầu” du lịch phố cổ bằng xe điện
>> Nước mắt trên 'phố cờ' Hà Nội
>> Nguyễn Việt Hà nói về 'Con giai phố cổ
>> Mở rộng không gian đêm phố cổ tại Hội An
>> Trưng bày thư pháp thơ Haiku tại phố cổ Hội An
>> Phố cổ Hà Nội chìm trong biển nước
>> Ăn hàng rong giữa đường phố cổ
>> Quảng Nam: Lập lại trật tự du lịch tại phố cổ Hội An
Bình luận (0)