Câu chuyện từ chiếc vé đi tàu điện ở Nhật

17/12/2013 07:10 GMT+7

Thật buồn khi đất nước chúng ta đã nghèo mà càng ngày lại càng nghèo thêm do phải gánh thêm nhiều chi phí giấy tờ, chi phí quản lý và kiểm tra không ngừng gia tăng; nhiều yêu cầu bất hợp lý và chi phí không đáng phải có nếu cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước và việc quản lý ở từng đơn vị tốt hơn.

Năm 2005, tôi may mắn có dịp được đi Nhật trong một khóa học tìm hiểu về công nghệ mới do phía Nhật Bản tài trợ. Nhóm chúng tôi gồm 6 người đến từ các công ty khác nhau và là nhóm đầu tiên được chọn qua Nhật sau khi trải qua bốn tháng miệt mài học tập, kiểm tra tại Hà Nội.


Đi tàu điện ở Nhật - Ảnh: Thiên Long

Tuần đầu tiên ở Nhật, chúng tôi được tham gia khóa học gọi là Orientation nhằm định hướng cho các học viên từ các nơi trên thế giới bước đầu làm quen với con người và nền văn hóa Nhật; làm quen với những vấn đề cơ bản trong cuộc sống ở Nhật, chẳng hạn như đi tàu xe như thế nào, văn hóa uống trà ra sao, và những cách thức phản ứng khi gặp động đất (chuyện thường xảy ra ở Nhật),…

Vào cuối mỗi tuần, ngoài những giờ học và kiểm tra căng thẳng tại các công ty của Nhật, các thành viên trong nhóm thường tranh thủ thời gian nghỉ để leo lên tàu điện (dĩ nhiên là phải mua vé), và tản bộ khắp nơi nhằm khám phá những nét đẹp cũng như nền văn hóa của đất nước “Mặt trời mọc”.

 
Trong cuộc sống hằng ngày phát sinh ra biết bao nhiêu quy định ràng buộc, công tác và chi phí kiểm tra nhằm bắt buộc phải có và lưu lại những “bằng chứng” để được thanh toán, dù hiểu rằng một số “bằng chứng” trên thực tế không thể nào có được. Khi ấy, con người buộc phải làm dối, phải nói dối lẫn nhau. Ngẫm đi ngẫm lại, tôi thật tâm đắc với câu nói "Khi lòng tin bị suy giảm thì chi phí gia tăng"

Một lần nọ, cũng là lần đầu tiên tôi đi tàu điện, người hướng dẫn viên của một công ty nơi chúng tôi học tập, được phân công đi theo đoàn, đã hướng dẫn chúng tôi mua vé để di chuyển đến nơi ở mới. Chúng tôi được chỉ dẫn khi đi qua máy soát vé tự động thì đưa vé vào khe, máy sẽ đủ thông minh để kiểm tra nếu vé phù hợp thì thanh chắn sẽ mở ra để chúng tôi đi qua.

Tuy nhiên, lần đó tôi đi qua máy, khi thanh chắn mở ra thì đồng thời cũng là lúc chiếc vé mặc nhiên bị chiếc máy “nuốt chửng vào và ở luôn bên trong”. Điều này làm tôi bỗng giật mình vì theo suy nghĩ và thói quen thường có ở Việt Nam, mỗi khi đi qua một cổng soát vé của bất kỳ dịch vụ vận chuyển nào, tôi đều tâm niệm: “nhớ giữ lại vé để thanh toán”, vì nếu không có vé thì đương nhiên phải bỏ tiền túi ra để mà bù vào dù biết rằng công việc buộc phải đi đến nơi đó.

Nói một cách hài hước, theo quy trình quản lý chất lượng ISO 9001, là “bằng chứng đâu để mà được thanh toán”.

Tôi mang thắc mắc đó hỏi người hướng dẫn viên thì được biết công ty, nơi ông ấy làm việc, sẽ duyệt thanh toán dựa trên lịch trình công việc, thông qua báo cáo công việc của nhân viên. Việc kiểm soát trong quản lý là cần thiết, tuy nhiên, còn có một thứ quan trọng hơn không dễ gì có được, đó là “niềm tin lẫn nhau” trong xã hội. Những quy định về tài chính ở Nhật cho phép làm như vậy nên những chiếc máy tự động đã tự “nuốt vé” của khách hàng đi tàu mỗi khi qua cổng. Thật đơn giản và hay biết bao.

Dĩ nhiên, chúng ta không thể đem giải pháp quản lý đó ở Nhật áp dụng vào bất kỳ nước nào vì còn phụ thuộc vào cách thức quản lý ở tầm vĩ mô và vi mô của các cấp lãnh đạo; phụ thuộc vào sự giáo dục và ý thức của mỗi người dân; phụ thuộc vào trình độ kỹ thuật, phương tiện giao thông và việc xác lập niềm tin giữa những con người với nhau trong một đất nước;…

Đối với Việt Nam, việc áp dụng giải pháp quản lý đó lúc này là một điều không tưởng! Cũng chính vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày phát sinh ra biết bao nhiêu quy định ràng buộc, công tác và chi phí kiểm tra nhằm bắt buộc phải có và lưu lại những “bằng chứng” để được thanh toán, dù hiểu rằng một số “bằng chứng” trên thực tế không thể nào có được. Khi ấy, con người buộc phải làm dối, phải nói dối lẫn nhau. Ngẫm đi ngẫm lại, tôi thật tâm đắc với câu nói "Khi lòng tin bị suy giảm thì chi phí gia tăng".

Thật buồn khi đất nước chúng ta đã nghèo mà càng ngày lại càng nghèo thêm do phải gánh thêm nhiều chi phí giấy tờ, chi phí quản lý và kiểm tra không ngừng gia tăng; nhiều yêu cầu bất hợp lý và chi phí không đáng phải có nếu cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước và việc quản lý ở từng đơn vị tốt hơn. 

Đôi khi, tôi thấy mình đang đứng tại một nhà ga ở Việt Nam mà khi đi qua cửa soát vé tự động, chiếc vé đưa vào máy bỗng dưng bị “nuốt mất". Chợt tỉnh lại, tôi biết mình đang mơ…

Ngô Hồng Nhựt*

* Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn của tác giả, Phó chánh Văn phòng Công ty tư vấn xây dựng điện 4, Nha Trang, Khánh Hòa.

>> Cải cách hành chính cho dân nhờ
>> Cải cách hành chính: Vẫn ngập trong giấy
>> Niềm tin và cam kết
>> Tàu điện ngầm và cô bé cụt chân
>> Người nhặt rác kể chuyện về... rác
>> Trong thảm họa, người Nhật khiến tôi ngưỡng mộ hơn
>> Văn hóa Nhật Bản

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.