Hãng dược GlaxoSmithKline bỏ tập quán 'chung chi' cho bác sĩ

20/12/2013 07:00 GMT+7

(TNO) Tập đoàn dược phẩm Anh quốc GlaxoSmithKline (GSK) vừa thông báo bỏ tập quán trả thù lao cho bác sĩ trình bày về sản phẩm của công ty này.

Hãng dược GlaxoSmithKline bỏ tập quán
Tập đoàn dược phẩm Anh quốc GlaxoSmithKline tiên phong bỏ tập quán bị coi là mâu thuẫn lợi ích trong ngành dược - Ảnh: The Economic Times

GSK cũng sẽ chấm dứt việc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho bác sĩ đi dự các hội thảo y khoa. Tập quán này vốn bị cấm ở Mỹ, nhưng phổ biến ở nhiều quốc gia khác.

Bên cạnh đó, GSK cũng sẽ không trả lương cho trình dược viên dựa trên số sản phẩm bán được nhờ toa thuốc mà các bác sĩ “mối” kê cho bệnh nhân.

Thay vào đó, trình dược viên của GSK trên toàn thế giới sẽ được trả lương dựa trên kiến thức chuyên môn, chất lượng dịch vụ khách hàng và chăm sóc bệnh nhân, cũng như tình hình kinh doanh của công ty, theo thông báo của GSK.

Thông báo trên được đưa ra tại London hôm 17.12, và sẽ được áp dụng dần dần từ đầu năm 2014 tùy điều kiện ở từng quốc gia.

Bước đi này coi như chấm dứt hai tập quán phổ biến vốn bị chỉ trích là “mâu thuẫn lợi ích” trong ngành công nghiệp dược toàn cầu từ nhiều thập niên qua.

Công ty dược thường trả phí cho bác sĩ để họ nói về sản phẩm của mình tại các hội thảo y khoa hay bất kì nơi nào khác với giả định rằng các bác sĩ cử tọa có xu hướng tin những lời nói từ đồng nghiệp hơn là từ chính nhà sản xuất.

Chính vì vậy, nhiều người chỉ trích rằng việc làm này sẽ tác động lên các bác sĩ khác, khiến họ có thể kê toa cho bệnh nhân loại thuốc đó một cách bất hợp lý.

Còn việc trả lương cho trình dược viên theo số lượng sản phẩm bán được bị cho là động cơ khiến những người này tìm mọi cách “chăm sóc” bác sĩ để sản phẩm được kê toa nhiều.

Tổng giám đốc GSK Andrew Witty nói với báo New York Times rằng những thay đổi nói trên là một phần trong “nỗ lực dài hạn nhằm bắt kịp với một thế giới đang thay đổi”.

“Chúng tôi luôn tự vấn rằng có cách nào khác hữu hiệu hơn những cách thức mà ngành dược vận hành suốt 30-40 năm qua?”, ông Witty nói.

Bước đi tiên phong của tập đoàn dược với doanh số toàn cầu 6,51 tỉ bảng Anh (10,65 tỉ USD) trong quý III/2013 được nhiều người khen ngợi, tiêu biểu là giáo sư Jerry Avorn tại Trường Y khoa Havard (Mỹ) - vị bác sĩ có nhiều bài viết chỉ trích các tập quán marketing trong ngành công nghiệp dược.

Tuy vậy, vị giáo sư này cũng tỏ ra không hài lòng trước thông tin GSK sẽ tiếp tục cung cấp “các khoản tài trợ giáo dục minh bạch, độc lập” để tập huấn cho bác sĩ về các sản phẩm của công ty.

Từ trước đến nay, các khoản tài trợ này được chuyển cho những công ty vì lợi nhuận vốn tồn tại nhờ tiền từ các tập đoàn dược để tổ chức các lớp tập huấn, khiến người ta đặt câu hỏi liệu các công ty này có cung cấp thông tin khách quan cho bác sĩ.

Trả lời thắc mắc này, Tổng giám đốc Witty nói, trong lúc các bước đi cụ thể còn đang được cân nhắc, GSK dự định chỉ trao những khoản tài trợ cho các tổ chức giáo dục và các hiệp hội y khoa có uy tín.

Ngoài ra, GSK cũng thông báo rằng sẽ vẫn tiếp tục “trả phí hợp lý” cho các bác sĩ cung cấp thông tin tư vấn cho hoạt động nghiên cứu thị trường, bởi việc này là cần thiết để công ty nắm rõ thông tin về các sản phẩm.

“Tuy nhiên, việc chi tiền này sẽ được thực hiện trong phạm vi có giới hạn”, ông Witty nói.

Minh bạch như Singapore

Trong khi GSK tiên phong tuyên bố phá bỏ các tập quán cố hữu của ngành dược, nhiều đối thủ của tập đoàn này được biết là cũng đang cân nhắc các biện pháp tương tự, theo chuyên gia Pratap Khedkar phụ trách mảng dược phẩm của tập đoàn marketing toàn cầu ZS Associates.

Ông Khedkar tin rằng một trong những lý do khiến các tập đoàn dược muốn bỏ những tập quán bị cho là “mâu thuẫn lợi ích” đó là vì quy định của chính phủ Mỹ buộc họ phải công khai toàn bộ các khoản chi như đề cập ở trên, bắt đầu từ tháng 9.2014.

Chưa hết, thông tin về những khoản chi này sẽ được công bố trên một website của chính phủ.

Hành động tiên phong của GSK gây xôn xao giới y khoa toàn cầu mấy ngày qua.

Nhiều người tin rằng, việc các công ty dược bỏ những khoản chi nói trên sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của các bác sĩ.

Tuy nhiên, tại Singapore, các chuyên gia y khoa nói rằng chuyện này sẽ chẳng gây ảnh hưởng gì mấy, bởi các quy định hiện hành của nước này đã “rất ngặt nghèo”, cấm các công ty dược tự do chi tiền cho bác sĩ.

Bác sĩ Singapore phải báo cáo với cơ quan về bất kì điều gì có thể coi là mâu thuẫn lợi ích.

Một bác sĩ về tiêu hóa nói với Straits Times rằng các tập đoàn dược hoạt động tại Singapore đều rất sợ bị cáo buộc “quà cáp” cho bác sĩ.

Tại các bệnh viện công, các tập đoàn dược không được phép liên hệ trực tiếp với nhân viên bệnh viện để chào mời những khoản tài trợ.

Nhân viên bệnh viện cũng không được phép gạ gẫm tài trợ, không được dự các sự kiện quảng bá một thuốc hay sản phẩm y khoa cụ thể nào đó.

Phó giáo sư Quek Swee Chye, quyền trưởng ban y đức của Bệnh viện Đại học quốc gia, cho biết các bác sĩ ở đây phải xin phép trước khi giảng dạy, thuyết trình, hay tham gia hoạt động tư vấn, đánh giá thuốc.

“Bác sĩ cũng phải báo cáo nếu có nhận hỗ trợ tài chính và khả năng có mâu thuẫn lợi ích”, bà Quek nói.

Trong khi đó, Hiệp hội công nghiệp dược phẩm Singapore - đơn vị ban hành các quy định ngành dược - cho biết bác công ty dược chỉ được phép cung cấp cho các bác sĩ vé máy bay hạng thường đối với những chuyến bay ngắn hơn 6 giờ đồng hồ.

Còn Hội đồng Y đức Singapore cấm bác sĩ có biểu hiện tỏ ra công nhận bất kì sản phẩm gì khi tham gia các sự kiện do công ty dược tổ chức.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Hãng dược Đức xin lỗi về thuốc Thalidomide sau 50 năm
>> Hãng dược Abbott bị phạt 1,6 tỉ USD
>> Hãng dược AstraZeneca nộp phạt hơn nửa tỉ USD

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.