* Luật sư kêu không đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ
Sáng 6.1, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và các đồng phạm bị truy tố về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, “vi phạm các quy định cho vay…”.
|
Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, nhiều luật sư đã xin phát biểu ý kiến và đề nghị hoãn phiên tòa để có thêm thời gian nghiên cứu hồ sơ cũng như đề nghị triệu tập thêm các cá nhân liên quan tham gia tố tụng, xác định lại tư cách người tham gia tố tụng…
Đề nghị triệu tập thêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng Vietinbank, luật sư Lưu Văn Tám phát biểu: “Cần phải triệu tập những người này để xác định trách nhiệm quản lý tiền gửi tại Vietinbank; xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Huỳnh Thị Huyền Như cũng như các cá nhân có liên quan đến việc giả chứng từ rút tiền, chuyển tiền. Đồng thời, xác định các khoản tiền gửi của khách hàng là do Vietinbank huy động hay bị cáo Như huy động?”. Luật sư Trần Đức Hùng cho rằng, trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, Vietinbank được triệu tập thuộc nhóm liên quan đến việc bị cáo Như chi trả các khoản nợ, như vậy là chưa đủ. Ông đề nghị triệu tập thêm Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM Nguyễn Văn Sẽ, các phó giám đốc Trương Minh Hoàng, Nguyễn Thị Minh Hương và Kế toán trưởng của chi nhánh Vietinbank TP.HCM để làm rõ về việc Vietinbank hạch toán các khoản tiền gửi như thế nào, chi lãi suất vượt trần như thế nào, trách nhiệm quản lý tiền gửi tại Vietinbank.
Luật sư Lưu Văn Tám còn đề nghị tòa triệu tập các cá nhân nguyên là cán bộ lãnh đạo của Ngân hàng ACB đang chờ xét xử trong vụ án khác, gồm Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên), Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang vì những người này đã chỉ đạo lấy tiền ACB cho các nhân viên đứng tên gửi vào Vietinbank.
Nhóm luật sư bảo vệ quyền lợi cho Ngân hàng Nam Việt thì cho rằng ngân hàng này không phải là nguyên đơn dân sự vì không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại, không biết gì về việc điều tra, quá trình điều tra không được đưa vào tham gia tố tụng. Một luật sư cũng than phiền tài liệu điều tra quá nhiều, số lượng hồ sơ lớn, chỉ riêng phần liên quan đến 1 đơn vị đã lên đến 22 tập, mỗi tập 600 - 700 trang mà chỉ có 14 ngày không thể sao chụp, nghiên cứu kịp…
Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử cho biết các yêu cầu của luật sư xin hoãn phiên tòa là không thuộc các quy định của bộ luật Tố tụng nên bác đề nghị, tiếp tục xét xử. Hội đồng xét xử cho biết, quá trình xét hỏi nếu thấy cần thiết sẽ triệu tập thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan làm rõ. Còn việc sao chụp hồ sơ không đầy đủ, đó là trách nhiệm của luật sư vì tòa không hạn chế thời gian các luật sư nghiên cứu hồ sơ. Về việc Ngân hàng Nam Việt cho rằng không biết gì về vụ án này là không có cơ sở, bởi lẽ trong hồ sơ vụ án có biên bản Cơ quan Cảnh sát điều tra làm việc với Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nam Việt. “Ông này xác định còn 200 tỉ đồng gửi tại Vietinbank, số lãi ngoài hợp đồng đã nhận, khi nào cơ quan chức năng yêu cầu sẽ giao nộp”, nên không thể nói không biết gì về việc điều tra vụ án”, chủ tọa dẫn chứng.
Chiều cùng ngày, thừa ủy quyền của Viện KSND tối cao, đại diện Viện KSND TP.HCM đã công bố bản cáo trạng dài 72 trang. Trong đó kết luận từ tháng 3.2010 đến 9.2011, bị cáo Như đã làm giả 8 con dấu đứng tên nhiều cơ quan, đơn vị tạo lập nhiều giấy tờ, chứng từ, hợp đồng… lừa đảo của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân số tiền hơn 4.900 tỉ đồng. Cho đến khi vụ án được phát hiện và khởi tố, Như còn chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng. Đa phần số tiền chiếm đoạt được Như dùng để trả tiền vay nặng lãi cho 14 cá nhân (hơn 1.200 tỉ đồng), chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho 9 cá nhân hơn 42 tỉ đồng, trả nợ gốc, nợ lãi cho 4 công ty hơn 925 tỉ đồng.
Hôm nay (7.1) phiên tòa chuyển sang phần thẩm vấn.
14 bị cáo trong vụ thất thoát 120 tỉ đồng ở Agribank Tân Bình hầu tòa Cùng ngày, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực, lừa đảo xảy ra tại Agribank chi nhánh Tân Bình, với 14 bị cáo gồm Trần Huỳnh Nghĩa (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Cát Phương Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trường Phát Đạt), Trần Thị Lệ Thu (hành nghề uốn tóc), Huỳnh Công Phúc (chồng của bị cáo Nguyễn Thị Phương Hoa hiện đang bỏ trốn), Phạm Duy Soạn (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Trường Phát Đạt), Nguyễn Kim Dzoanh (nguyên Giám đốc Trường Phát Đạt), Trần Huỳnh Trâm bị truy tố cùng về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo nguyên là cán bộ Agribank Tân Bình gồm: Phạm Việt Văn (nguyên Phó giám đốc), Đỗ Giao Toàn (nguyên Phó phòng Tín dụng), Đặng Thị Duyên Nghĩa (nguyên Trưởng phòng Tín dụng), Ngô Đức Tài (nguyên Phó phòng Tín dụng), Nguyễn Văn Chín (nguyên cán bộ tín dụng), Võ Đức Hùng (nguyên Trưởng phòng Thẩm định) cùng bị truy tố về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Hai bị cáo nguyên là cán bộ kiểm tra nội bộ Agribank - khu vực miền Nam là Nguyễn Trọng Luân và Nguyễn Minh Hòa cùng bị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm”. Trong vụ án này còn có Nguyễn Tám (nguyên Giám đốc Agribank Tân Bình) bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay…” nhưng đã chết trong thời gian chờ xét xử nên TAND TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử. Theo cáo trạng, tháng 10.2005, mặc dù hai công ty TNHH Cát Phương Nam và Trường Phát Đạt không có năng lực tài chính, không có quan hệ gì với Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE, nhưng Trần Huỳnh Nghĩa và Nguyễn Thị Phương Hoa vẫn quan hệ với Nguyễn Tám xin vay vốn đầu tư vào REE xây dựng cao ốc E-town 2. Thời gian này, Hoa nguyên là Phó giám đốc kinh doanh Công ty Reetech (trực thuộc REE) đã bị kỷ luật sa thải nhưng vẫn lập hồ sơ giả hợp tác ba bên với REE, làm giả giấy giới thiệu của REE, thuê người đóng giả nhân viên REE, làm giả cổ phiếu… để Trần Huỳnh Nghĩa và người nhà đứng tên vay tiền. Từ tháng 11.2005 đến 6.2009, Nguyễn Tám và các nhân viên dưới quyền đã thẩm định duyệt 11 hợp đồng và phụ lục hợp đồng cho hai công ty trên và 7 cá nhân (là người của Hoa) vay trái nguyên tắc làm thất thoát 120 tỉ đồng. Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 13.1. |
Lê Nga
Bình luận (0)