Thiếu bình đẳng trong xử phạt báo chí

10/01/2014 03:05 GMT+7

Hôm qua 9.1, tại TP.HCM, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Đạo đức nhà báo trong xử lý đơn thư khiếu tố”.

Hôm qua 9.1, tại TP.HCM, Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Đạo đức nhà báo trong xử lý đơn thư khiếu tố”.

 Thiếu bình đẳng trong xử phạt báo chí
Kết quả khảo sát của MEC (ảnh trên) và kết quả khảo sát đối chứng trên “Diễn đàn nhà báo trẻ” cũng có đến 74,3% nhà báo nói rằng cơ quan nhà nước “im lặng" hoặc rất chậm phản hồi 

Tham dự buổi tọa đàm có ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực  Ban Tuyên giáo T.Ư tại TP.HCM; ông Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN; ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học MEC và 20 nhà báo cùng một số người phát ngôn thuộc UBND tỉnh, thành phía nam.

Tại buổi tọa đàm, MEC đã công bố kết quả nghiên cứu khảo sát “Mức độ phản hồi của tổ chức, cơ quan nhà nước đối với kiến nghị, phê bình của công dân trên báo chí” do trung tâm này thực hiện. Theo cuộc khảo sát bằng câu hỏi với 279 nhà báo và phóng viên tại 19 tỉnh, thành phố cho thấy có khoảng 75% không nhận được phản hồi hoặc phản hồi quá chậm theo luật định (30 ngày) từ cơ quan nhà nước. Riêng phản hồi đúng hạn (25%) thì có đến 78% mang tính chất chung chung, thiếu cụ thể; 28% phản hồi có nội dung và 10% phản hồi thông báo kết quả giải quyết. Tương tự, khảo sát đối chứng trên “Diễn đàn nhà báo trẻ” cũng có đến 74,3% nhà báo nói rằng cơ quan nhà nước “im lặng" hoặc rất chậm phản hồi.

Theo phân tích của ông Mai Phan Lợi: “Nguyên nhân chính dẫn đến việc cơ quan nhà nước im lặng hoặc phản hồi chậm do hệ thống pháp lý mâu thuẫn và thiếu bình đẳng, không có chế tài cho việc chậm trả lời; các luật mới sửa đổi, soạn mới tước đi quyền báo chí và xu hướng kiểm soát báo chí chặt hơn. Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan nhà nước chưa xây dựng được quy trình tiếp xúc, đối thoại với báo chí; thiếu phương pháp, kinh nghiệm, kỹ năng… nên tìm cách né tránh, không phản hồi...”.

Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Lợi phân tích: “Tại điều 8 luật Báo chí và điều 3 Nghị định 51/2002 quy định về trách nhiệm phản hồi của lãnh đạo cơ quan nhà nước, tổ chức đối với các vấn đề công dân phản ánh qua báo chí với thời hạn rất cụ thể (30 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến). Nhưng khi xây dựng Nghị định 159/2013 (trước đó là Nghị định 31/2001, Nghị định 56/2006, Nghị định 02/2011) về xử phạt trong hoạt động báo chí lại không có chế tài cho hành vi chậm trả lời báo chí. Trong khi đó, trường hợp cơ quan báo chí phản hồi không đúng thời hạn thì ngay lập tức sẽ bị xử phạt!”.

“Trong khi thiếu quy định chế tài cơ quan nhà nước chậm phản hồi, thì xu hướng hiện nay có nhiều cơ quan nhà nước được quyền tham gia quản lý hoạt động báo chí như loạt bài loạn xử phạt báo chí mà Thanh Niên đã phản ánh. Điều này cho thấy có sự thiếu bình đẳng trong xử phạt báo chí”, ông Mai Phan Lợi nhấn mạnh.

Tại hội nghị, các diễn giả còn có nhiều ý kiến về vấn đề đạo đức tác nghiệp, đúc kết bài học kinh nghiệm làm báo khi phóng viên tham gia xử lý đơn thư khiếu tố của công dân.

Gia Khánh 

>> Xử phạt báo chí nên quy về một mối
>> Ai cũng được xử phạt báo chí? - Đi ngược xu thế chung
>> Không nên ra nghị định riêng xử phạt báo chí! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.