|
“Đi bán hàng rong từ năm học thứ 2 để kiếm thêm tiền trang trải việc học nhưng không ngờ ra trường rồi vẫn phải bám lấy nó để sống”, Nguyễn Văn Bắc (quê Nam Định) tốt nghiệp năm 2012, ngành lịch sử của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM chia sẻ.
Ngày có bằng ĐH, Bắc đi xin việc nhưng nộp tới bộ hồ sơ thứ 10 vẫn chưa được việc. Nản chí, Bắc quay về với nghề cũ: bán bóp, ví, trang sức ở chợ đêm để kiếm tiền sống. Bắc cho biết nếu vào dịp cận tết thì bán từ 17 giờ đến 21 giờ cũng thu được khoảng 700.000 - 800.000 đồng/tối, ngày thường trời không mưa thì khoảng 300.000 - 400.000 đồng/tối.
|
Khi được hỏi: “Tại sao không về quê xin việc?”, Bắc cho biết: “Cũng muốn về nhưng học ngành này (lịch sử) thì chỉ có đi dạy. Ở quê giờ muốn xin được một chân đi dạy thì ít nhất cũng phải mất cả trăm triệu đồng, nhà làm gì có tiền. Bạn mình nhiều đứa ra trường ngại không dám về quê, ăn bám gia đình, giờ đang làm công nhân mình kiếm được nghề này là may rồi”.
Ngồi cách Bắc không xa là gian hàng bán dép của Xuân (tốt nghiệp ngành xã hội học năm 2012). Xuân bộc bạch: “Có bằng cũng như không, giờ chỉ cần chạy nhanh là được”.
Là bạn tốt nghiệp cùng khóa với Xuân, Nguyễn Thị Trà Mi (quê Châu Đốc, An Giang) cũng bán giày dép. Cô Hà, mẹ của Mi, bán hàng quần áo bên cạnh nói: “4 năm trời tốn biết bao tiền bạc, bây giờ tấm bằng để đó kể cũng phí nhưng giờ nó đi bán ngày có 4 tiếng mà được 300.000 - 400.000 đồng như vậy cũng được rồi, hơn nhiều đứa ra trường không có việc gì mà làm”.
Còn Tống Thị Kim Hằng, cử nhân ngành ngân hàng, nhưng ra trường đã 2 năm nay vẫn chưa xin được việc. Sau đó được một cô bạn tốt nghiệp ngành du lịch cũng trong tình trạng thất nghiệp rủ về đây bán quần áo. Nhưng Hằng xem đây như là công việc làm thêm. Hằng tâm sự: “Không thể cứ đi bán ở đây mãi được, dù sao mình cũng tốt nghiệp đại học, cần phải kiếm một công việc gì đó phù hợp, chứ như thế này thì phí quá”.
Hằng dự định qua tết sẽ tiếp tục đi nộp hồ sơ xin việc dù là làm trái ngành nghề. Bây giờ, với Hằng là mong muốn có một công việc ổn định, không phải chịu cảnh mưa gió, cực khổ như hiện nay.
Còn rất nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp như: Võ Cao Hiếu (tốt nghiệp Trường CĐ Y tế Đồng Nai), Đào Minh Phụng (tốt nghiệp Trường ĐH Đà Lạt), Phạm Thị Ngọc Hường (tốt nghiệp Trường CĐ Kinh tế TP.HCM)… buôn bán đủ thứ từ quần áo, giày dép đến kẹp, trang sức để kiếm sống.
Hữu Thành
>> Hai cử nhân về quê nuôi thỏ
>> Cử nhân thất nghiệp
>> Cử nhân nuôi chim trĩ
>> Hàng ngàn cử nhân thất nghiệp
>> Cử nhân tiếng Anh phải thi đầu vào trình độ thấp !
>> Cử nhân luật làm việc gì, ở đâu?
>> Lao đao tìm việc cuối năm - Cử nhân thất nghiệp
>> Cử nhân về quê... leo đồi
Bình luận (0)