(TNO) Tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế và bất kỳ âm mưu ngăn chặn những tàu thuyền này của Trung Quốc đều có thể bị xem như hành động của “hải tặc nhà nước”, tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) hôm 13.1 dẫn nhận định của giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc.
|
Vào ngày 29.11.2013, 6 ngày sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố thành lập vùng nhận dạng phòng không mới tại biển Hoa Đông, chính quyền tỉnh Hải Nam đã âm thầm ban hành lệnh cấm đánh bắt cá mới tại biển Đông, theo Reuters.
Đến ngày 3.12.2013, lệnh cấm này được công bố công khai và có hiệu lực vào hôm 1.1.2014.
Giáo sư Thayer nhận định rằng cả hai động thái nói trên của Bắc Kinh đều đơn phương và nhằm gia tăng căn cứ pháp lý cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông.
“Các hành động của Trung Quốc thách thức chủ quyền của các quốc gia láng giềng và có khả năng làm gia tăng căng thẳng, cũng như có nguy cơ làm bùng phát xung đột vũ trang”, giáo sư người Úc cho hay.
Lệnh cấm đánh bắt cá mới do chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) ban hành quy định tất cả tàu thuyền nước ngoài đánh cá hoặc khảo sát tại biển Đông phải xin phép Trung Quốc.
Chính quyền Hải Nam tuyên bố có chức năng quản trị hành chính đối với đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield và vùng nước xung quanh.
Vùng biển này rộng khoảng 2 triệu km2, tức tương đương 57% của khu vực đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền tại biển Đông.
“Tất cả tàu thuyền và tàu nghiên cứu khảo sát trong khu vực đều có quyền tự do đi lại trong các vùng biển quốc tế. Bất kỳ hành động ngăn chặn những tàu thuyền này có thể bị xem như hành động của hải tặc nhà nước. Điều này có thể dẫn đến việc quốc tế chống lại các tàu thuyền Trung Quốc”, ông Thayer nói với The Diplomat.
Giáo sư Thayer cũng đưa ra 2 câu thắc mắc về những diễn biến có thể xảy ra trong tương lai.
“Thứ nhất là liệu Trung Quốc có thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông hay không?”.
“Câu hỏi thứ hai là tác động của việc ban hành lệnh cấm đánh cá mới sẽ là gì đối với những thảo luận sắp tới về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN?”, theo vị giáo sư người Úc.
“Trước đây, một số thành viên ASEAN bất đồng với nhau về việc Philippines công khai chỉ trích Trung Quốc. Nếu ASEAN không thể cùng thống nhất được cách đối phó với tuyên bố chủ quyền mới của Bắc Kinh tại biển Đông, thì lợi thế sẽ rơi vào tay Bắc Kinh”, ông Thayer nhận định.
Hoàng Uy
>> Dân bức xúc trước những hoạt động vi phạm chủ quyền biển Đông
>> Đô đốc Mỹ: Chiến hạm tàng hình Mỹ đã tuần tra biển Đông
>> Lệnh cấm mơ hồ và phi lý trên biển Đông
>> Bác chỉ trích của Mỹ, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố sở hữu hầu hết biển Đông
>> Mỹ lên án lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở biển Đông
Bình luận (0)