Theo dấu văn thơ: Gà nòi Cao Lãnh

05/02/2014 03:42 GMT+7

Gà nòi Cao Lãnh đã đi vào truyền thuyết là giống gà hay. Dân gian vẫn truyền tụng: Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, cho dù ngày nay gà Cao Lãnh không còn phong độ như xưa.

Truyền kỳ gà ma


Cặp gà sinh đôi ở TX.Hồng Ngự - Ảnh: T.D 

Một cán bộ ở TP.Sa Đéc (Đồng Tháp) cho rằng am hiểu về gà Cao Lãnh không ai hơn học giả Vương Hồng Sển. Cụ Sển khi xưa làm ở Tòa bố chánh Sa Đéc. Lúc ấy Cao Lãnh thuộc về hạt Sa Đéc nên cụ có thời gian tìm hiểu phong tục, tập quán hạt này. Cụ Sển có viết sách Phong lưu cũ mới, trong đó dành cả trăm trang cho thú đá gà, có đề cập đến danh tiếng gà Cao Lãnh. Theo cụ Sển thì gà danh tiếng nhất là gà Cao Lãnh, đây là giống gà mà các cụ xưa, đời Thủ Khoa Huân, Cử Trị còn soi dấu lại. Nhưng gà Cao Lãnh chỉ hay và giỏi vào đời trước, rồi ngày càng lụn bại. Cụ Sển giải thích nguyên nhân gà ngày càng dở là đời sau không biết tuyển lựa giống, cho gà nhà đạp mái lẫn nhau nên lâu đời cùng huyết thống, gà trở nên suy.

Cụ Sển phân tích gà Cao Lãnh giỏi do có đòn độc, gồm đòn vỉa tối, vỉa sáng; gà vừa hay, cựa nhạy, chém liên tu. Gà có tài đá song phi, hai cựa phóng tới tuyệt diệu như cặp phi đao của kiếm khách. Còn ở quyển sách viết về chứng tích, nhân vật, đất đai thủy thổ của miền Nam cũ có tựa đề Ăn cơm mới: nói chuyện cũ Hậu Giang - Ba Thắc, cụ Sển cho rằng gà Cao Lãnh giỏi do khi đó người ta cho gà Miên mái pha nòi trống Việt sanh ra giống nòi lai, mà đại diện trứ danh là gà nòi Cao Lãnh. Gà Việt chém giỏi nhưng chịu đòn dở; còn gà Miên chém dở nhưng giỏi chịu đòn, không bỏ chạy bậy.

Theo cụ Sển, năm xưa ở Cao Lãnh có con gà ô dị kỳ gọi là gà ma. Gà này đưa vô trường cáp độ, gặp gà dữ nhắm bề đá không lại, nó kêu rót rót, co đầu rút cổ, nhảy dựng muốn bay khỏi trường gà. Còn gặp gà yếu, nó đứng yên, chủ biết ý liền cáp độ. Lúc lâm chiến, đối thủ như bị gà ma “thôi miên” nên dù giỏi vẫn không tung đòn được.

Vì vậy, gà ma ế độ, đem xuống Long Xuyên, Cần Thơ ai cũng chạy. Sau con gà ma bị trộm, chủ gà rình biết kẻ trộm gà quý là do bị thua độ gà ma gần sạt nghiệp nên làm dữ, thưa lên án quốc sự; sau rốt kẻ trộm phải đền chủ gà 100 đồng bạc lớn (bạc năm 1931, mỗi đồng tương đương 100 đồng), ngờ đâu con gà ma đã chết, giống gà quý này xem như tuyệt chủng.

Thần kê

Anh Dũng, một tay chơi gà nòi ngụ ở TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) có cặp gà trống sinh đôi. Là gà sinh cùng một trứng nhưng một con to hơn con kia nên anh Dũng gọi là gà anh. Cặp gà rất kỳ lạ, gà anh luôn bênh vực gà em, gặp gà trống khác tới gần, hai con giáp công, trước sau đá tới tấp khiến đối thủ tối tăm mày mặt. Theo anh Dũng, cặp gà sinh đôi này có màu lông chuối nên bị phá tướng, người chơi gà không chuộng lông này. Dân chơi gà truyền rằng, với gà sinh đôi, nếu đưa một con ra trường đá, con còn lại gáy vang lừng là điềm tốt. Bởi thế đưa ra trường cáp độ ít ai mang cặp gà sinh đôi đi chung vì như thế không ai dám cáp độ đá.

Có thể kể ra các “hùng kê” như gà tử mỵ, ngủ nằm thõng cổ xuống và không chịu chui qua sào phơi đồ; gà cá sấu vì gà này tựa như không lưỡi, miệng gà rất hôi thối; gà voi có hai sợi lông phao câu, cứng tròn như lông voi; gà ngọc gáy vào ban đêm; gà túc ai rờ vào mình nó kêu túc túc; gà nhựt nguyệt có hai cựa một đen một trắng; gà yểm long có vẩy nhỏ, mọc trong kẹt ngón chân giữa, chuyên đá gãy cổ đối thủ...

Gà cũng tương sinh tương khắc nên lộ bài, như gà nhựt nguyệt với cựa đen trắng sẽ bị bắt bài. Vì thế các thần kê ẩn tướng được chủ gà giấu kỹ đề phòng bị phá. Chẳng hạn như gà tử mỵ, gà áng thiên rất sợ gà sinh đôi, gà có vảy thổ địa nên đá là thua.

Cụ Sển từng thẳng thừng: “Theo tôi, không thú chơi nào sung sướng và “thể thao” bằng tự mình săn sóc con gà nòi: ôm nó trum trủm vào lòng, khi cho ăn, khi tắm, khi làm cựa, khi bồng nước... Người trong cuộc gọi đó là thú phong lưu, khách ngoài vòng sẽ cười: “Nhà ngươi bị con gà hành tội”. Con gà có nét hay, đòn đá độc riêng biệt, có tương khắc nhau nên bao đời qua, từ bình dân cho tới quan lại, tướng lãnh đều mê gà. Người mê gà có thể bỏ cả ngày trời để xem chân gà, màu lông, tướng đi... Ngày xưa, chọi gà trong 3 ngày tết cổ truyền là thú vui dân gian, hai con gà nòi thả đá có khi hết cả ngày mà vẫn bất phân thắng bại. Ngày nay, chơi gà bằng cựa sắt, biến tướng nên một độ gà có khi vài phút là xong. Thú chơi gà vì thế cũng dần mất đi, như giống gà Cao Lãnh từng một thời lừng danh.

Thanh Dũng

>> Rắc rối 18 con gà nòi
>> Gà nòi xuất ngoại  
>> Xã đầu tiên ở Đồng Tháp nhận danh hiệu Anh hùng Lao động
>> Đồng Tháp: Đầu tư 8 tỉ chống... trẻ đuối nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.