Theo dấu văn thơ - Kỳ 22: Chờ nhau ! Hàn Mặc Tử ơi

10/02/2014 00:20 GMT+7

Hàn Mặc Tử lúc lâm trọng bệnh đã cuồng loạn, nhưng một bạn thơ của ông còn điên cuồng hơn, từng giả chết để xem bạn bè có bao người thương tiếc.

>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 21: Trăm năm bia đá
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 20: Gió miền biên ải
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 19: Cánh đồng mùa len trâu

Theo dấu văn thơ - Kỳ 22: Chờ nhau ! Hàn Mặc Tử ơi
Thi sĩ Thần Liên - Ảnh: Tư liệu

Hai lần khóc bạn

Năm 1940, Hàn Mặc Tử mất vì bệnh phong. Chuyện đã đi vào dĩ vãng. Vài năm sau, trên mặt báo xuất hiện bài thơ khá cảm động mang tên thi sĩ Thần Liên Lê Văn Tất, với tựa đề: Chờ nhau! Hàn Mặc Tử ơi. Bài thơ lời lẽ dung dị nhưng thống thiết, xin trích đăng đôi dòng: Nguyễn Trọng Trí ơi!Hỡi thi nhân tàn phế/Tạm dừng chơn, tôi kể chuyện tâm tình/Bịnh nan y, anh sống cảnh điêu linh/Bịnh bất trị, tôi ẩn mình nơi quê mẹ/Anh thong thả tách mình khi tuổi trẻ/Tôi ngậm ngùi nằm ngó lũ con thơ/Chí làm trai còn ẩn hiện trong giấc mơ/Đành thúc thủ trước ván cờ nan giải...

Bài thơ ấy, tác giả chú giải như sau: “Năm 1938, Nguyễn Trọng Trí lấy hiệu là Phong Trần, cùng các bạn Mộng Hồn Quyên, Phạm Chi Lăng, Cô Hồng, một số người khác và tôi là Lê Văn Tất viết giúp tuần báo Tân Tiến (Sa Đéc). Chúng tôi là đôi bạn thân, thường tâm sự bên dòng Hậu Giang. Năm 1939, Phong Trần thọ bịnh phải về miền Trung, phần tôi thì bị nhà cầm quyền Pháp bắt cầm tù. Sau tôi lại sang Cam Bốt và Thái Lan, mãi sau này tôi mới biết Phong Trần tạ thế vì bệnh nan y”.

Lúc đó, một số nhà thơ hay nói rằng: “Từ xưa đến nay, có 3 nhà thơ tàn phế, sau Đồ Chiểu và Hàn Mặc Tử là thi sĩ Lê Văn Tất”. Cụ Đồ Chiểu và thi sĩ Hàn Mặc Tử quá nổi tiếng. Vậy còn Thần Liên Lê Văn Tất là ai? Theo Địa chí An Giang, Lê Văn Tất sinh năm 1917, ở quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc; là con nhà nho, có khiếu văn chương và làm thơ lúc 16 tuổi. Từ năm 1957 đến năm 1960, ông đã hoàn thành gần 20 tập thơ và 10 tập văn xuôi, gồm truyện, ký, biên thảo.

 

Giữa nhà văn Nhất Linh, nhóm Tự Lực văn đoàn và Thần Liên có mối giao tình qua mến mộ thơ văn. Vì thế, ngày 5.12.1961, khi Thần Liên đem tranh do ông vẽ lên Sài Gòn triển lãm tại chùa Xá Lợi, ông đã mượn căn nhà của Nhất Linh ở tạm trong hai tuần. Nhưng lần gặp đó cũng là lần cuối cùng. Năm 1963 Nhất Linh mất. Lúc ấy, Thần Liên hay tin đã trễ, do tàn phế di chuyển khó khăn nên ông đã khóc bạn bằng bài thơ Khóc Nhất Linh, xin trích đoạn một đôi dòng: Một gánh giang san, một gánh sầu/Một đời mưa gió, một niềm đau/Nho Phong đậm nét lòng trinh trắng/Đoạn Tuyệt ghi công kẻ dãi dầu/Nửa kiếp ngờ đâu thành bạc mạng/Nghìn thu ai đó tiếc minh châu...

Biết rõ về Lê Văn Tất không ai qua được nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Kiềm (1911 -1989, quê quán Tân Châu, Châu Đốc). Cụ Kiềm đã có bài ghi chép về nhà thơ tàn phế này, sau tai nạn thương tâm, trong quyển sách sưu khảo Tân Châu xưa. Theo cụ Kiềm, Thần Liên có nghĩa là sen mai, là đạo hiệu mà cũng là bút hiệu của thi sĩ. Thần Liên làm thơ từ hồi tiền chiến nhưng đến thời hậu chiến, sau khi thọ nạn mới nổi tiếng. Trên mặt báo thường gọi ông là “nhà thơ tàn phế” miền Hậu Giang (vào năm 1955: Thần Liên thọ nạn, bị gãy xương sống và tê liệt, chỉ còn cử động đầu và tay). 

Cuộc đời bất hạnh

Ông Trịnh Bửu Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang, nhớ lại lúc chưa xảy ra tai nạn thì Thần Liên tướng tá phong độ, cao lớn và hoạt bát. Thi sĩ có căn nhà mặt phố ở đường Phan Văn Vàng, Châu Đốc; lúc đó cuộc sống dư dả. Sau khi lâm nạn, ông thôi dạy học, cùng vợ con mở quán cà phê sang trọng vào bậc nhất nhì ở Châu Đốc. Quán cà phê bố trí trang nhã, dân có tiền thích lui tới. Nhờ đó đời sống thi sĩ vẫn chưa túng bấn.

Về phần mình, thi sĩ sống đời khép kín, tránh người thân quen; ông làm thơ, vẽ tranh để trút nỗi sầu uất hận đời phế nhân. Có lúc bị cái chết ám ảnh, ông hoang tưởng tới mức mua sẵn quan tài, viết di huấn và di chúc để lại cho con... Đỉnh điểm của cơn điên cuồng là ông giả chết vì muốn biết thiên hạ, người đời, bạn thơ và các tạp chí có còn nhớ đến mình hay không, nên đăng tin cáo phó Thần Liên đã mất trên một số tạp chí.

Các nhà văn, nhà thơ, tạp chí đã bùi ngùi thương tiếc, gửi tin chia buồn, gửi thơ điếu tới tấp. Lúc đó, đường đi còn khó khăn, cách trở nên các lời chia buồn chỉ thông qua thư từ gửi qua Sở bưu điện, không ai kịp đến dự đám tang nên sau này, cánh văn thơ mới phát hiện được trò giả chết của thi sĩ. Nhận được cả xấp thư khóc tiễn, thi sĩ xúc cảm bùi ngùi, biết bạn thơ văn luôn nhớ đến tên mình. Ông đã đem đóng lại thành sách dày cả trăm trang làm kỷ vật.

Năm 1983 thi sĩ mất, gia đình đã an táng ông trong lặng lẽ. Éo le thay, không bạn thơ văn nào biết tin tiễn biệt.

Thanh Dũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.