Ở An Giang có một nơi vào mùa lũ, nước của trời đất gom về thành biển nước. Một cánh đồng ngập nước qua phim Mùa len trâu đã thành cánh đồng nổi tiếng.
>> Theo dấu văn thơ: Gà nòi Cao Lãnh
|
'Biển giả' miền Tây
Vùng Láng Linh thuộc 2 huyện Châu Phú, Châu Thành xuất hiện nhiều trong thơ văn, tạp chí nghiên cứu với lời giải thích: Đây là cánh đồng thấp trũng, ngập nước lênh láng hay là cái láng có nhiều cá linh, nên gọi là Láng Linh. Nhà văn Sơn Nam trong truyện ngắn Vùng Láng Linh miêu tả láng này rộng lắm, linh hiển lắm, vì vậy gọi là Láng Linh; bao nhiêu nước của trời của đất gom về đây rồi đổ ra biển.
Thời nhà Nguyễn, Láng Linh thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Bây giờ, Láng Linh thuộc các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh (H.Châu Phú) và xã Vĩnh An (H.Châu Thành). Lão nông Lê Văn Lùng (80 tuổi, ngụ xã Thạnh Mỹ Tây), sinh trưởng vùng Láng Linh, vuốt chòm râu kể: Vào mùa lũ, Láng Linh ngập nước lênh láng, nhìn như biển cả nên ông bà ngày xưa gọi nó là biển giả, còn vào mùa khô nó là đồng thấp, sình lầy đầy muỗi, vắt và lau sậy. Theo lão nông Tư Lùng, gọi là Láng Linh vì ngày xưa láng này có nhiều cá linh hay láng này nước ngập mênh mông hoặc chiến tranh tàn phá linh láng, nhà cửa bị giặc đốt cháy sạch... nên cách gọi nào cũng đúng.
Lão nông kể, do láng nằm sau dãy Thất Sơn, phía đông lại tiếp giáp với sông Hậu nên vào mùa mưa, mùa lũ, nước từ sông Hậu tràn vào cộng với lượng nước từ Thất Sơn đổ xuống nên Láng Linh như cái túi hứng nước. Vậy nên cứ cách 2 - 3 năm là vùng này gặp thiên tai ngập lụt, người ta phải tìm lên gò cao ở.
Bây giờ, biển giả Láng Linh chỉ còn là ký ức trong lớp người cao tuổi như lão nông Tư Lùng. Ngày xưa, do chiến tranh tàn phá nên dân chúng nơi đây không dám cất nhà lớn, chỉ dựng nhà lụp xụp, có bị giặc đốt cũng không tiếc. Nay nhà tường, nhà lầu phơi phới mọc lên. Khoảng hơn 18 năm trước, về Láng Linh không cách nào đi đường bộ được bởi tất cả lộ làng chìm trong biển nước. Còn bây giờ, đê bao, đường lộ nâng cao đã che chắn nên Láng Linh không còn là cánh đồng trũng hứng lượng nước khổng lồ từ sông Hậu hay từ rặng Thất Sơn.
Cánh đồng mùa len trâu
Từ Láng Linh nhìn về dãy Thất Sơn, thấy thấp thoáng núi đồi lờ mờ hùng vĩ. Những ngọn núi nằm xa mờ mờ như ảo ảnh, và núi Ba Thê là nơi mà Sơn Nam miêu tả, đó là nơi vào mùa nước lụt, người ta len trâu cả bầy trăm con từ các nơi về, lên đền vua chúa xưa tìm cỏ ăn, do đất núi cao ít bị ngập.
Hai truyện ngắn liên quan đến mùa nước lụt của Sơn Nam, gồm Mùa len trâu và Một cuộc bể dâu đã được đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh biên soạn, phóng tác thành bộ phim Mùa len trâu. Phim khởi quay tháng 9.2003, đưa tham dự đại hội điện ảnh các nước trên thế giới, trình chiếu tại 40 quốc gia, đoạt bốn giải thưởng quốc tế...
Cảnh trong phim là cánh đồng ngập nước với núi đồi xa xa mờ ảo, bộ phim đã chuyển tải phần nào được hình ảnh mùa nước lũ; người xem bị choáng ngợp giữa khung cảnh nước nổi mênh mông trong phim. Cánh đồng trong phim không đâu xa lạ, nó nằm gần đồi Tà Pạ, một cảnh tuyệt đẹp của xã núi Tô, H.Tri Tôn, An Giang.
Cảnh trong phim quay con nước quá hoành tráng, ấy là do lúc đó cánh đồng gần đồi Tà Pạ là vùng đất thấp, nên vào mùa mưa trở thành điểm hứng nước từ các đồng cao đổ về, thành vùng ngập lụt. Điều thú vị là đạo diễn đã chọn được đúng điểm để quay phim, sau đó do mở lộ nên cánh đồng trong phim không còn là vùng đất thấp, nước mưa cũng không còn dồn lại.
Người dân nơi đây vẫn kể, hồi đó đoàn làm phim đã thuê 350 con trâu để đóng cảnh đi len nên chiều về hay sáng ra, tiếng trâu rống vang động cả vùng.
Có một chuyện thú vị trong phim Mùa len trâu, đó là một diễn viên chỉ đóng vai phụ nhưng sau phim đó lại “ghiền” điện ảnh. Từ vùng quê cù lao An Giang, anh lên Sài Gòn, theo các đoàn phim đi đóng các vai phụ để thỏa mãn đam mê. Sau thời gian bôn ba các phim trường, diễn viên này lại về quê sống thú điền viên. Ai có nhắc lại chuyện xưa, anh cười: “Cái ông đóng vai phụ trong phim Mùa len trâu không phải tôi đâu, người giống người thôi!”.
Thanh Dũng
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 17: Nghề võ ở Thất Sơn
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 16: 'Con cá' hào hoa
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 15: Tan tác hội ba khía
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 14: Đời cỏ bàng
Bình luận (0)