Hào hoa phong nhã là tên của một truyện ngắn mà trong đó Sơn Nam tả cái thú phong lưu miệt vườn, như bắt cá, tát đìa, làm mắm thời xưa...
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 15: Tan tác hội ba khía
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 14: Đời cỏ bàng
>> Theo dấu văn thơ - Kỳ 13: Trở lại Mốp Giăng
|
Chết thảm vì cá
Ông viết: “Mãi đến nay đồng bào miền quê vẫn bắt cá dưới sông rạch bằng tay. Thỉnh thoảng nghe tai nạn chết người vì bắt cá. Thảm thương nhứt là chết vì cá rô. Bắt được cá, người ta đưa con cá còn sống lên miệng cắn ngay đầu cá tạm giữ nó lại, hai tay mò bắt con khác. Con cá bị cắn, bị đau phóng tới chạy vào cuống họng, chận ngay cuống phổi của nạn nhân, mắc kẹt tại đó. Nạn nhân khạc cá ra chẳng được, nuốt vào chẳng xong, để rồi cả người và cá cùng chết”. Truyện ngắn này đăng năm 1965, do NXB Thời Mới, Sài Gòn ấn hành, nhưng đến nay, cái nạn dùng miệng cắn cá bị cá rô, tôm chạy vào cuống họng vẫn còn.
|
Như anh Lê Minh N. (ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đi mò cá, được con tôm và đưa lên miệng cắn giữ, lấy tay mò bắt tiếp. Không ngờ con tôm búng vào cuống họng làm anh N. đau nhói, hai mắt trợn tròng, nước mắt ròng ròng, không cách nào gắp nó ra được nên gia đình đưa anh đến Bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ cấp cứu. Các bác sĩ nội soi thấy con tôm đang nằm chết trong khí quản nạn nhân. Ca bệnh trở nên phức tạp và nguy hiểm, chỉ sơ suất nhỏ trong phẫu thuật, anh N. có thể nghẹt thở, tử vong. Các bác sĩ đã mất gần 2 giờ mới lấy từng phần con tôm ra, sau đó phải hút các phần còn sót lại như râu, càng, chân, vỏ tôm trong vòm họng, vì chỉ cần sót một chút bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi. Anh N. còn may, nếu nhà ở vùng sâu xa thì có thể đã chết thảm.
Nhà văn Sơn Nam đi sâu vào cái hào hoa của nghề cá: “Đìa có lắm cá tha hồ mà bắt. Ở xứ nhiều cá người ta tặng cá làm quà với nhau. Tặng theo đường lối “nặc danh”, nên thỉnh thoảng sau khi ngủ trưa hay đi đồng về chúng ta thấy vài con cá lóc nằm lăn lộn trước sân, giữa nhà...”. Lão nông Tư Lùng (80 tuổi, ngụ xã Tân Lập, H.Tịnh Biên, An Giang) trầm tư nhớ lại mùa tát đìa năm xưa, thường rơi vào các tháng 11, tháng chạp âm lịch. Lão nông nói hồi xưa ở kinh Vĩnh Tế, kinh Mặc Cần Dưng, kinh Bốn Tổng (An Giang) đìa cá bạt ngàn. Mùa tát đìa vui như hội, là nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng ở nông thôn. Người ta kéo đến các đìa, bắt cặp thi nhau tát cạn nước. Khi đìa cạn, họ nhảy xuống quậy, lấy tay chân đạp cho nước dậy bùn khiến cá tôm lặn trốn bị nước bùn làm cay mắt, ngộp thở phải nổi lên. Trên bờ, gia chủ đã bắc sẵn nồi cháo lớn, lựa những con cá to làm thịt đãi người tát đìa và hàng xóm đến xem. Khi bắt lượng cá đã ưng ý, chủ đìa bèn ngưng, gánh các thùng đầy cá hay cho xe trâu kéo về. Lúc này con nít, người lớn mới nhảy xuống đìa bắt cá còn sót lại. Bắt kiểu này gọi là “bắt hôi”, nhưng “ăn ké” thế vẫn vui vì cá còn sót lại thường là cá khỏe, cá to mới có sức lặn sâu, trốn lâu.
Mùa cá mãn năm
Sơn Nam viết: “Cá sống bằng muỗi mòng, nơi nào muỗi nhiều thì cá nhiều. Nơi nào muỗi nhiều thì con người rét kinh niên, bệnh rét kinh niên không giết được con người vì con người ăn nhiều cá để bổ sung cho mớ hồng huyết cầu bị phá hại”. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực tế hồi xưa trong trong bữa cơm toàn là cá với cá. Cá săn mồi côn trùng, tìm ăn lúa sạch, ăn muỗi mòng nên ăn cá là tích lũy dinh dưỡng. Trẻ em bú sữa mẹ là nạp lại chất dinh dưỡng từ tôm cá, không uống sữa hộp như bây giờ vẫn khỏe mạnh.
Mùa cá có mãn năm (quanh năm). Tháng tư, trời mưa là mùa cá lóc, cá trê về đồng; là mùa câu cá chốt giấy đang ôm trứng. Tháng tám là mùa giăng câu cá lóc, cá trê; tháng chín là mùa câu cá rô, cá thác lác, cá trèn... Tháng mười là mùa cá từ đồng ào ạt ra sông, tha hồ mà bắt. Tháng mười một vào mùa cá dại, ở các bờ kinh, con rạch cá nổi trắng do bị nước cỏ, nước phèn làm ngứa mắt, nổi lên; người dân lấy rổ xúc, chĩa đâm. Các tháng này, người ta bắt cá sông làm mắm ăn chơi; còn tháng hai, tháng ba năm sau bắt cá đồng làm mắm, làm khô để ăn lâu dài.
Cá tôm cũng lạ lùng, như con người luôn quay về cố quán. Cánh đồng, con sông nào giăng câu nhiều cá trê vàng, hoặc cá trèn, cá kết thì năm sau vào mùa giăng câu, giăng lưới ngay đoạn đó vẫn dính các loài cá trên, ít dính cá khác.
Sơn Nam viết, bắt cá rô bỏ vào miệng cắn biết nguy hiểm nhưng người bắt cá không bỏ tật, vì đó là cái thú “hào hoa phong nhã”: “Người xưa bắt cá say mê với công việc mình làm, nếu quá dè dặt thì hết vui. Con cá giá trị chẳng bao nhiêu nhưng bắt cá là nghệ thuật”. Quả thật, ở thời cá tôm nhung nhúc, người ta xem bắt cá là nghệ thuật, là thú phong lưu nên từ đó mới nảy sinh cách bắt lạ mà đời sau nhắc lại khó hiểu tường tận, như: xúc lùm, nhảy hùm, kéo heo, kéo bò..., riêng từ “bắt hôi” thì gần như biến mất mà thay vào đó là diễn đạt ý nghĩa xấu như hôi của.
Ngày xưa, nghèo mới ăn cá, còn thịt heo thì đắt đỏ dành cho nhà giàu. Bây giờ ngược lại, giàu mới ăn cá sông, cá đồng, người nghèo ăn thịt heo, cá nuôi. Cũng như con cá linh, ngày xưa bị chê nhiều xương nên chỉ bắt để làm phân ủ cho cây trồng, làm mỡ chế dầu đèn... Bây giờ cá linh là đặc sản, lúc cao điểm bán tại chợ hơn 150.000 đồng/kg. Còn các loài cá sông như cá heo, cá trèn, cá thiểu, cá lìm kìm... có khi hơn 100.000 đồng/kg, nhưng muốn mua cũng hơi khó.
Thanh Dũng
>> Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 6: Đi tìm mùa len trâu
>> Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 5: Bắt sấu ở đảo tiên
>> Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 4: “Cọp nước” miền Tây
>> Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 3: Thầy võ và tướng cướp
>> Theo dấu Sơn Nam - Kỳ 2: Cây huê xà bí ẩn
>> Theo dấu Sơn Nam: Đi tìm “Con trích ré”
>> Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
>> Gia đình nhà văn Sơn Nam xin rút tên ông khỏi Giải thưởng Nhà nước
>> Nhà văn Sơn Nam “rủ” anh em văn nghệ về Mỹ Tho
>> Ăn phở với Sơn Nam
Bình luận (0)