|
Theo chia sẻ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng với mọi người, truyện ngắn này chính là cuộc trò chuyện có thật giữa ông và ba mình - cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Thời điểm ra đời câu truyện trên theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là đang rộ lên phong trào văn mẫu trong nhà trường.
"Thưa cô, con không có ba"!
Nội dung truyện ngắn Bài học tuổi thơ là một cuộc trò chuyện giữa cố nhà văn và đứa con trai 11 tuổi, học lớp 6, viết vào mùa thu năm 1990.
Khi đó, cậu bé Nguyễn Quang Dũng - người con - đã kể cho ba mình về câu chuyện bài luận văn có đề là: "Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố".
Câu chuyện được kể lại một cách chân thực, đầy suy ngẫm về một cậu học trò bị điểm 0 khi bỏ giấy trắng trong bài tập làm luận văn nói trên với lý do vì em học sinh đó không có ba và ba em đã hy sinh trên chiến trường biên giới.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết trong tác phẩm với nội dung: Một người bạn của cậu con trai đã được điểm 6 dù ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm. Trong khi đó, một trò khác lại bị 0 điểm, vì nộp giấy trắng. Khi bị cô giáo la mắng giữa lớp học, cậu học trò này mới thú nhận rằng mình không có ba.
Sau đó, cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con...
Đoạn kết Bài học tuổi thơ, tác giả viết: "Chuyện của đứa học trò bị bài văn 0 điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị 0 điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết".
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã từ trần hôm 13.2, hưởng thọ 82 tuổi. Câu chuyện giản dị, ngắn gọn này đã được nhiều cư dân mạng chia sẻ trong những ngày qua và đặc biệt là ngày hôm nay 17.2.
Truyện ngắn Bài học tuổi thơ của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng được chia sẻ rất nhiều trên Facebook, các diễn đàn văn học...
|
“Điểm 0 rưng rưng nơi hốc mắt”
Sau gần 24 năm từ khi ra đời, Bài học tuổi thơ vẫn chứa đựng thông điệp đầy suy ngẫm về sự trung thực trong giáo dục, trở thành bài học đáng quý cho những thầy cô đang đứng lớp “trồng người”.
Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào hoàn cảnh của cậu học trò trong câu chuyện, độc giả sẽ còn thấy một nỗi xót xa! Cố tác giả Nguyễn Quang Sáng viết tác phẩm này vào mùa thu năm 1990, còn cậu học trò trong câu chuyện khi đó học lớp 6, 11 tuổi, mồ côi ba từ khi lọt lòng mẹ do ba đã hy sinh trên chiến trường biên giới.
Sự bất ngờ đến độ “đứng sững như trời trồng”, “hai mắt mở tròn như hai cái tô” của cô giáo khi biết hoàn cảnh của cậu học trò khiến rất nhiều người phải suy nghĩ.
Nickname Dương Hương bày tỏ: “Điểm 0 ấy, có thể dành cho bất kỳ ai trong chúng ta, những người đã lãng quên một phần lịch sử. Điểm 0 ấy, đến hôm nay vẫn đáng phê lên trán của rất nhiều người đang sống”.
Nickname Andy Nguyen xúc động: “Điểm 0 này nó rưng rưng nơi hốc mắt, ầng ậc nơi cuống họng”.
Với nhiều người, đọc truyện Bài học tuổi thơ để không bao giờ quên một phần quá khứ của dân tộc. Như lời nickname Phan Hung viết: “Đừng bao giờ lãng quên quá khứ của cha anh, những con người đã ngã xuống để bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc! Hãy nhìn lại quá khứ để sống tốt ở hiện tại!”.
Chia sẻ về câu chuyện này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng viết trên trang cá nhân rằng: "Đây là câu chuyện của tôi kể về một câu chuyện thật của một người bạn học cùng lớp. Thời điểm đó rộ lên phong trào văn mẫu trong nhà trường. Ba tôi viết truyện ngắn này vì ông là người tôn trọng và trân trọng sự thật. Tôi cũng là một đứa trẻ rất dốt văn và ba tôi không bao giờ ủng hộ tôi làm theo những bài văn mẫu. Nên ông cũng chưa bao giờ la tôi vì điểm văn thấp. Tất nhiên một phần lớn điểm văn tôi thấp là do sai chính tả nữa...".
Thiên Hương - Linh San
Thanh Niên Online xin được giới thiệu truyện ngắn Bài học tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều cho con đi chơi mát, nó kể... Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại tôi: - Ba! Có bao giờ thấy có một bài luận văn nào điểm không không ba? Con số không cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu. Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp: - Còn thua ba nữa đó, ba. Ít nhứt ba cũng được nửa điểm. Còn thằng bạn của con, con số không bự như quả trứng. Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị vì thời học trò của ba nó ít nhứt cũng hơn được một đứa. Số là cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gởi đến các nhà văn nhà thơ quen biết trong cả nước một câu hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn nhà thơ thời thơ ấu học văn như thế nào, nhà xuất bản in thành sách "Nhà văn học văn". Đọc qua, nghe các nhà văn nhà thơ kể, tất nhiên là mỗi người có mỗi cuộc đời, mỗi người mỗi giọng văn, nhìn chung thì người nào, lúc còn đi học, cũng có khiếu văn, giỏi văn. Nếu không thì lấy gì làm cơ sở để sau này trở thành nhà văn? Rất lô-gích và rất là tự nhiên vậy. Duy chỉ có bài của tôi hơi khác, có gì như ngược lại. Tôi kể, hồi tôi học ở trường trung học Nguyễn Văn Tố (1948 - 1950), tôi là một học sinh trung bình, về môn văn không đến nỗi liệt vào loại kém, nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương. Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một điểm trên hai mươi (1/20). Đó là kỷ niệm không quên trong đời học sinh của tôi, môn văn. Khi con tôi đọc bài văn đó, con tôi hỏi: - Sao bây giờ ba là nhà văn? Và bạn bè cũng hỏi như vậy. Tôi cũng đã tự lý giải về mình, và lời giải cũng đã in vào sách rồi, xin không nhắc lại. Tôi hỏi con tôi: - Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị không điểm. - Luận văn cô cho "Trò hãy tả buổi làm việc ban đêm của bố". - Con được mấy điểm? - Con được sáu điểm. - Con tả ba như thế nào? - Thì ba làm việc làm sao thì con tả vậy. - Mấy đứa khác, bạn của con? Thằng con tôi như chợt nhớ, nó liến thoắng: - A! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba. - Đêm ba nó làm gì? - Nó nói, đêm ba nó toàn đi nhậu. - Nó tả ba nó đi nhậu à? - Dạ không phải. Ba nó làm việc ban ngày nhưng khi nó tả thì nó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa? - Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào? - Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô. - Sao vậy? Hôm trả lại bài cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hét: "Sao trò không làm bài". Nó cúi đầu làm thinh. Cô lại hét to hơn: "Hả?". Nó cũng làm thinh. Tụi con ngồi dưới, đứa nào cũng run. - Nó là học trò loại " cá biệt" à? - Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba. - Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào? Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: "Sao trò không làm bài?" Tới lúc đó nó mới nói: "Thưa cô, con không có ba". Nghe nó nói, hai con mắt của cô con mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba! Tôi bỗng nhập vai là cô giáo. Tôi thấy mình ngã qụy xuống trước đứa học trò không có ba. Sau đó cô và cả lớp mới được biết, em mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba em hy sinh trên chiến trường biên giới. Từ ấy, má em ở vậy, tần tảo nuôi con... Có người hỏi em: "Sao mày không tả ba của đứa khác". Em không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má. Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên bàn viết. Mùa thu, 1990 |
>> Điếu văn cảm động trong đám tang nhà văn Nguyễn Quang Sáng
>> Nguyễn Quang Sáng qua ly rượu
>> Vợ của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: 'Tôi cứ nghĩ mình đi trước ông ấy
>> Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Quang Sáng
>> Nguyễn Quang Sáng với bạn bè
Bình luận (0)