>> Không được phá cầu Long Biên !
>> Phá cầu Long Biên là xóa một phần ký ức Hà Nội
|
“Tôi đề nghị hội đồng cùng trao đổi về vấn đề cầu Long Biên, về nguy cơ phá cầu Long Biên. Các ủy viên hội đồng đều rất ủng hộ việc Hội đồng di sản (HĐDS) lên tiếng. Trước hết, chúng tôi sẽ đồng loạt lên tiếng với tư cách của từng người, từng chuyên gia, những người nắm vị trí tại các hội chuyên ngành”, GS Ngô Đức Thịnh lên tiếng.
|
Một ủy viên HĐDS khác, GS Đỗ Quang Hưng (nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo) nói: “Các giải pháp giao thông cầu Long Biên là việc rất lớn, không chỉ là chuyện kỹ thuật hay không. Đó còn là câu chuyện biểu tượng, điều mà trên thế giới ai cũng muốn gìn giữ”. Theo GS Hưng, để giữ cầu với nghĩa biểu tượng không dễ, tuy nhiên, giải pháp phá cầu thì ông tuyệt đối không đồng ý. “Nếu chỉ tiếp cận cây cầu theo hướng phát triển giao thông, phát triển đô thị thôi thì không đủ, vì nó là biểu trưng của lịch sử. Vì thế nên có một cuộc trao đổi lấy ý kiến đa ngành, liên ngành. Còn đập cầu Long Biên đi, kể cả thay bằng cả một cầu hiện đại thì tôi cũng không đồng ý”. GS Hưng nói thêm, nếu cứ để dư luận nóng lên, tấy lên về điều này thì ông sẽ đề nghị HĐDS có ý kiến bằng văn bản.
Ông Dương Trung Quốc, thành viên HĐDS không bình luận cụ thể vào từng phương án. Bởi theo ông, khi chưa tiếp cận dự án cụ thể thì ông rất khó bình luận. “Bình luận duy nhất tôi muốn nói là Hà Nội đã có nhiều bài học di sản rồi. Đàn Xã Tắc mới đây là rõ nhất. Khi đụng chạm đến giá trị di sản như thế thì nên công khai thông tin, bàn bạc. Nó sẽ dẫn đến đồng thuận cao, tránh được dư luận trái chiều”, vị Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử nói.
Việc không công khai, minh bạch này, theo ông Quốc, nếu đong đếm đến cùng thì có hại cho chính dự án. “Bài học Đàn Xã Tắc gần đây còn nóng cho thấy nếu nhà làm kinh tế mà biết chủ động tiếp cận chuyên môn ở những lĩnh vực khác có liên quan, minh bạch với dư luận xã hội thì tránh được ý kiến trái chiều không cần thiết. Anh không minh bạch là không quan tâm đến dư luận xã hội, không cầu thị”, ông Quốc kết luận.
Từ đơn đặt hàng của UBND TP.Hà Nội
|
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (người ký văn bản của Bộ GTVT gửi xin ý kiến các bộ, ngành về 3 phương án bảo tồn cầu Long Biên) cho biết, ngày 25.10.2013, UBND TP.Hà Nội đã có Văn bản số 7977 gửi Bộ GTVT, trong đó Hà Nội đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến 2 đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có. Một đề nghị khác của văn bản là xây dựng cầu đường sắt cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên.
“Ba phương án Bộ GTVT đề xuất là để thực hiện đề nghị này của Hà Nội. Quan điểm của Bộ GTVT là việc xây dựng cầu cho dự án đường sắt rất cần thiết vì đây là tuyến đường sắt đô thị nhưng cũng nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia (nối Yên Viên - Hà Nội), phục vụ giao thông chung. Đã có rất nhiều phương án cải tạo, khôi phục cầu Long Biên được đưa ra, 3 phương án mới đây nhất cũng thế, cần phải được nghiên cứu và lấy ý kiến”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, việc xây dựng dự án khôi phục cầu Long Biên từng được nghiên cứu từ năm 2004. Trong đó có một phương án là chỉ sử dụng cầu phục vụ nhu cầu đi lại của người đi bộ, xe đạp, xe máy. Để giải quyết nhu cầu giao thông, sẽ phải xây dựng cầu mới bên cạnh cầu Long Biên (cách khoảng 50 m). Nó bảo đảm việc khôi phục cầu lẫn phục vụ đường sắt. Tuy nhiên, ngoài lý do kinh tế, còn một lý do không đồng thuận khác là với khoảng cách quá gần, cầu mới vẫn làm ảnh hưởng cảnh quan cầu cũ.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nêu quan điểm của Sở là vừa phát triển vừa bảo tồn cầu Long Biên. Về các phương án Bộ GTVT đưa ra, ông Tân cho biết tuần trước Bộ và UBND TP.Hà Nội đã có cuộc họp về phương án này, hai bên đều thống nhất quan điểm bảo trì, nâng cấp, tăng khả năng giao thông, chứ không dỡ bỏ hay xây mới cầu Long Biên.
Mai Thu - Trinh Nguyễn
>> Đề xuất xây dựng cầu Long Biên 2
>> Khóa tình yêu" trên cầu Long Biên
>> Cầu Long Biên sẽ ra sao?
Bình luận (0)