Tầm nhìn di sản kỳ lạ

25/02/2014 08:50 GMT+7

Nhiều di sản của Hà Nội chậm được vinh danh, chậm được bảo vệ đầy đủ, đó trước hết là lỗi của những nhà quản lý.

Nhiều di sản của Hà Nội chậm được vinh danh, chậm được bảo vệ đầy đủ, đó trước hết là lỗi của những nhà quản lý.

Tầm nhìn di sản kỳ lạ
Phố Hàng Gai, Hà Nội - Ảnh: tư liệu


“Xé đôi” phố cổ

Con phố Hàng Gai với PGS-TS-KTS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu định cư, thật chẳng khác gì một mũi dao đâm vào lòng. Một con phố đẹp mà ai ai cũng nghĩ nó thuộc phố cổ với những phố tên có chữ “Hàng”. Nhưng Hàng Gai lại như một chiếc mặt nạ tối sáng: nửa này là phố cổ, nửa kia lại không. “Ví dụ như phố Hàng Gai, họ nói rằng dãy bên lẻ không thuộc phố cổ nên cho xây đến hàng chục tầng. Bên này thì bảo thuộc khu phố cổ, lại không được xây nhiều tầng. Một con phố Hàng Gai đã bị xé đôi ra”, bà Thục nói. Theo bà, điều này cho thấy việc quy hoạch đô thị đã được thực hiện thiếu cái nhìn dài hơi.

Không chỉ phố Hàng Gai “chịu trận” với cái nhìn bất chấp lâu dài đó, theo bà Thục, khu phố Pháp cũng chịu ảnh hưởng vì cách tư duy ngắn hạn tương tự. Chẳng hạn, đi dọc phố Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo sẽ thấy nhiều lô nhà cũ thấp và rỗng lòng nằm xen vào những cao ốc. “Thậm chí, có những nơi cấp giấy phép hơn 20 tầng. Và những lô đất đó đã làm biến dạng toàn bộ khu phố Pháp. Tôi nghĩ biệt thự Pháp nay chỉ còn được khoảng 10% thôi”, bà Thục nhìn nhận.

 

Tôi không hiểu sao Hà Nội chưa làm hồ sơ di tích cho cầu Long Biên - một công trình hoàn toàn xứng đáng di tích cấp quốc gia

GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia

Nếu như bà Thục đau xót cho cả kết cấu khu phố bị làm biến dạng thì nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế lại đau xót cho từng ngôi nhà, từng ô cửa kính bị làm vỡ. “Nguồn phôi thép phong phú mà người Pháp mang đến Đông Dương đã tạo ra cảnh quan rõ nét trong bề mặt kiến trúc Hà Nội từ hàng rào, cửa sổ, cửa đi, ô gió. Nhưng những hoa sắt - cũng là di sản đó - hiện không được quan tâm. Và tôi đã từng chứng kiến những công trình xây dựng bị đập đi, mất đi, kèm theo cả những hoa sắt tuyệt đẹp. Bức tranh kính hiện đại nhất Hà Nội cách đây mấy mươi năm ở số 10 phố Tràng Thi đã trở thành sắt vụn khi người ta xây công trình mới”, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói.

“Việc chậm trễ trong vinh danh, tạo hành lang pháp lý bảo vệ của nhà quản lý ở Hà Nội khiến di sản đang trong tình trạng dễ tổn thương”, ông Thế nói. 

“Bỏ quên” cầu Long Biên

“Theo luật, một công trình muốn được công nhận di tích cần có hồ sơ từ địa phương thực hiện và đệ trình. Tôi không hiểu sao Hà Nội chưa làm hồ sơ di tích cho cầu Long Biên - một công trình hoàn toàn xứng đáng di tích cấp quốc gia”, GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nói. Cũng theo ông Thịnh, Hà Nội nhiều lần tỏ ra bị động trong những việc liên quan đến di sản, không tham khảo từ đầu ý kiến nhà nghiên cứu. Vụ việc thể hiện sự bị động gần đây nhất là việc Đàn Xã Tắc. Tình cờ, nó cũng liên quan đến việc giải quyết giao thông đô thị.

Không phải là di tích, song cầu Long Biên cũng không hẳn không có chút danh hiệu. Ngày 4.12 vừa qua, cây cầu này đã nằm trong danh sách các công trình kiến trúc trước 1954 cần được bảo tồn. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở VH-TT-DL Hà Nội, hiện khung pháp lý cho loại công trình này còn đang soạn thảo. Một sự thiếu sót đáng tiếc.

Nhưng còn đáng tiếc hơn khi lần theo lịch sử của danh sách các công trình kiến trúc, các biệt thự ở Hà Nội cần được bảo tồn, dấu ấn của sự chậm trễ rất rõ. Tại Báo cáo thẩm tra số 66/BC-VHXH, báo cáo việc thẩm tra tờ trình về ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 có hai nhóm công trình kiến trúc được nêu đến. Theo đó, đa số thống nhất việc lập danh mục bảo tồn với 41 công trình kiến trúc khác trước năm 1954 thuộc nhóm 1, là những công trình có giá trị kiến trúc tiêu biểu, quy mô lớn đẹp. Tuy nhiên, văn bản trên cũng đề nghị không trình 43 công trình kiến trúc khác thuộc nhóm 2. Đây là nhóm những công trình kiến trúc ở vị trí đẹp nhưng đã biến dạng và hư hại.

“Nếu Hà Nội đã có tầm nhìn dài hạn hơn, rất có thể đa phần trong số 43 công trình kiến trúc trên đã có thể được bảo vệ. Bởi nếu có một hành lang pháp lý tốt, có phân loại, chỉ bảo đặc biệt, hẳn các công trình trên đã được giữ gìn tốt hơn”, GS Thịnh nói.

Trinh Nguyễn  

>> Triển lãm ảnh di sản Việt Nam
>> Xoài Đá Trắng Phú Yên trở thành cây di sản
>> Công nhận bạch mai cổ thụ là cây di sản quốc gia
>> Lập cơ sở dữ liệu 3D về di sản Huế 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.