|
>> Anh ở biên cương - Kỳ 1: Tranh tre nứa lá
Ký ức tháng 2
Đại úy Trần Văn Kiên là Đồn phó Quân sự của Đồn Sì Lờ Lầu. Mới nhìn, không ai nghĩ Kiên con nhà võ bởi vóc dáng thanh mảnh, da trắng, môi đỏ và nhất là cái giọng trầm ấm rủ rỉ, lúc nào cũng lo lắng quan tâm cho mọi người xung quanh, từ người dân dưới bản cho đến cậu chiến sĩ trong đồn.
Thế nhưng, cả chục năm lăn lóc biên giới, Kiên đã mòn dép ở tất cả các đồn trên tuyến Lai Châu, toàn những thời điểm căng thẳng nóng bỏng. “Sì Lờ Lầu có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là đồn đóng ở vị trí cao nhất so với các Đồn BP trên toàn quốc và cũng là nơi gần với biên giới nhất!” - Kiên trầm giọng nói vậy và nhấn mạnh: “Chỉ một lơ là, sẽ phải trả giá đắt!”.
Thực tế, từ 35 năm trước, ngay tại khu vực Ma Lù Thàng - Sì Lờ Lầu của vùng cao Phong Thổ, Lai Châu này, súng đã nổ sớm hơn rất nhiều so với mốc thời gian 17.2.1979. Phía Trung Quốc (TQ) đồng loạt nổ súng, bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc, khiến máu chiến sĩ BP Lai Châu đã đổ và những người viết sử của Bộ Tư lệnh BĐBP phải thừa nhận: “Trước ngày nổ ra chiến tranh, ở đoạn biên giới Lai Châu xảy ra nhiều vụ TQ tập kích vũ trang nhất so với các nơi khác”.
|
Ngồi trích lục một số vụ việc nghiêm trọng trong quyển Ký sự Biên Phòng (NXB CAND - 1998) về lịch sử BĐBP càng thấy sự hy sinh, mất mát ở Lai Châu là rất sớm khi:
- Ngày 29.1.1979, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ BP Trạm 3, thuộc Đồn Ma Lù Thàng, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới dọc sông Nậm Na, đã bị 1 trung đội lính TQ phục kích, bắn chết 1 chiến sĩ.
- Lúc 9 giờ sáng ngày 30.1.1979, tại địa bàn xã Vàng Ma Chải (do Đồn 1 - Sì Lờ Lầu phụ trách), tổ công tác gồm 3 chiến sĩ, trong khi đi tuần tra dọc suối Dìn Suối Thàng (Vàng Ma Chải) cũng bị phục kích, khiến 2 chiến sĩ bị thương
- Ngày 6.2.1979, phía TQ cho 2 đại đội bất ngờ tập kích vào chốt Lùng Than (địa điểm nay thuộc xã Mù Sang, Phong Thổ và Đồn BP Dào San quản lý), do Đại đội 5 cơ động BP Lai Châu đóng giữ, bắn chết 3 chiến sĩ ta, sau vài tiếng đồng hồ vây hấn, lính TQ rút về bên kia biên giới.
- Ngày 9.2.1979, một trung đội lính TQ kéo sang tập kích chốt dân quân xã Sì Lờ Lầu dưới chân điểm cao 1988 và chỉ rút chạy khi bị tiêu diệt 2 lính.
|
Còn người, còn đồn
Đứng ở sân Đồn BP Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) nằm tít trên đỉnh 12 con dốc, nhìn sang phía bên kia biên giới san sát nhà cửa, rõ mồn một bóng người xe qua lại, thiếu tá - chính trị viên Lù Văn Chung bảo: “Ở đâu không biết, chứ đây còn nhiều dấu ấn cách đây 35 năm!” và chỉ thân cây khô cháy cỡ một người ôm, vươn cành xác xơ lên trên vòm trời chiều biên giới đùng đục: “Nó bị pháo bắn từ 17.2.1979, chết khô rồi nhưng vẫn đứng yên!”.
Cách đây mấy năm, khi xây dựng lại đồn trên nền cũ, người ta đã bắt gặp không ít súng đạn, trang bị và cả những bộ cốt nằm giữa vỏ đạn, dao lê.
|
Các cựu chiến binh BP kể: Tháng 2.1979, không ít cán bộ chiến sĩ các đồn - trạm BP đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và chuyện bị xóa phiên hiệu, phải di chuyển đồn đi nơi khác là bình thường. Đồn Sì Lờ Lầu (khi đó là gọi là Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu) cũng như vậy.
Đêm 16 rạng sáng 17.2.1979, tổ công tác gồm 2 chiến sĩ Trạm Kiểm soát biên giới San Cha đi tuần tra ở khu vực Gia Khâu (phía bắc Đồn), phát hiện địch xâm nhập biên giới lúc 3 giờ sáng, nổ súng báo động và diệt 2 lính.
Bắt đầu từ 5 giờ 45 phút ngày 17.2.1979, các mũi tiến công của quân xâm lược áp sát Đồn Sì Lờ Lầu, đồng loạt nổ súng tấn công và buổi trưa, chúng đã mò vào được từ phía sau, khiến 14 chiến sĩ hậu cần - phục vụ phải đánh giáp lá cà, suốt 2 tiếng đồng hồ và đẩy quân xâm lược xuống chân đồi.
|
Chiến đấu từ rạng sáng đến 23 giờ, 16 chiến sĩ BP đã ngã xuống, số còn lại được lệnh rút khỏi đồn, về củng cố tuyến phòng ngự tại Dào San.
Buổi trưa ngày 6.3.1979, một trung đoàn tiếp tục đánh vào vị trí chặn địch của Đồn Sì Lờ Lầu và Đại đội 5 của tỉnh lên tăng cường. Lúc này, tại trận địa, ngoài Đồn trưởng Nguyễn Vũ Tráng và đại úy Hiên là chỉ huy 2 đơn vị, còn có mặt trung tá Vũ Duy Ninh - Phó Chính ủy công an vũ trang Lai Châu - đang xuống kiểm tra công tác phòng thủ.
Trận đánh dữ dội diễn ra suốt 6 tiếng đồng hồ, Đồn trưởng Nguyễn Vũ Tráng ngã xuống ngay trên điểm cao 243, khi đang chỉ huy trực tiếp khẩu đại liên bắn chi viện đại đội 5 (sau này được phong danh hiệu Anh hùng LLVTND) và anh em đã phải đánh giáp lá cà với địch gần 1 tiếng đồng hồ, mới mở được đường máu rút vào rừng.
16 cán bộ chiến sĩ BP nằm lại Sì Lờ Lầu, rất nhiều người không tìm thấy thi hài. Những người già trên vùng đất Phong Thổ bảo: “Bộ đội hy sinh mất người, chỉ còn linh hồn nên tìm đến cây gạo sau đồn trú ngụ, nương náu” và thi thoảng lại nhờ con cháu nhắn ra xã: “Làm cái nhà cho chúng nó sớm đi!”.
|
Đau đáu 35 năm
Thực ra, không cần nhắc thì những người lính BP Sì Lờ Lầu thế hệ sau năm 1979 vẫn đau đáu tâm nguyện dựng 1 tấm bia, dù nhỏ thôi để ghi nhớ - mang ơn những đồng đội đã ngã xuống, của một thời oanh liệt.
Khốn nỗi, Sì Lờ Lầu lại ở xa quá, mấy năm nay mới có đường cho ô tô gầm cao lên tận đồn, chứ trước đó, hàng hóa chỉ có gùi cõng hoặc dùng ngựa, cán bộ dưới tỉnh - huyện lên công tác, đi bộ từ Mường So lên phải mất 2-3 ngày liền.
|
Khi có đường, có xá thì những chuyện thị phi thời kinh tế thị trường lại phát sinh. Kinh phí xây dựng thì không có nguồn, huy động bộ đội đóng góp thì nhìn đồng lương còm cõi của anh em không đành, kèm theo đó là hàng loạt quy định rườm rà từ ngành dọc, hay địa phương về... tiêu chí cấp phép xây bia. Dẫu chưa xây, nhưng cũng có ý kiến muốn phải thật “hoành tráng”, nên cứ thế và chờ đợi.
Rút cục ngày giỗ đã 35 năm những anh em ngã xuống thì tấm bia nhỏ để tưởng niệm vẫn chưa khởi công được nhát cuốc đào móng, khiến cây khô cụt ngọn sau Đồn BP Sì Lờ Lầu cứ chơ vơ buồn tủi.
Khi ngồi viết những dòng này, tôi được một cán bộ BCH BĐBP tỉnh Lai Châu rụt rè cho biết: “Có văn bản đồng ý xây bia tưởng niệm, gửi xuống các đồn rồi hay sao ấy!”, khiến tự dưng trong ngực nặng như đeo đá: 35 năm, đều đặn 35 ngày giỗ cho quân số của cả Đồn BP cùng nằm xuống, vì mảnh đất địa đầu.
|
Cũng 35 năm đó, những đồng bào dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái, Dao, Lô Lô ở khắp Sì Lờ Lầu - Dào San vẫn kể cho con cháu nghe chuyện của ông Trang Lồng Pao (bản Lẻng Chư), 5 nhà họ Chảo (bản Cao Xín Chải), anh Thào Lòa San (ở Dào San)... ròng rã 30 ngày, không chỉ cùng sát cánh với bộ đội BP giữ bản làng, đánh đuổi quân xâm lược mà còn che giấu, nuôi nấng bộ đội - dân quân với lý do rất đơn giản “Chúng nó ở dưới xuôi lên giữ ruộng nương, làng bản cho mình mà!”.
Sau những câu chuyện kể ấy, họ lại lẳng lặng rót 1 chén rượu để cạnh mâm, như mời những người đã khuất.
Hình như sự đau đáu, không chỉ ở phía trên cao vút Sì Lờ Lầu.
Thực tế, từ 35 năm trước, ngay tại khu vực Ma Lù Thàng - Sì Lờ Lầu của vùng cao Phong Thổ, Lai Châu này, súng đã nổ sớm hơn rất nhiều so với mốc thời gian 17.2.1979 - phía Trung Quốc (TQ) đồng loạt nổ súng, bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới phía Bắc, khiến máu chiến sĩ BP Lai Châu đã đổ và những người viết sử của Bộ Tư lệnh BĐBP phải thừa nhận: “Trước ngày nổ ra chiến tranh, ở đoạn biên giới Lai Châu xảy ra nhiều vụ TQ tập kích vũ trang nhất so với các nơi khác”. |
>> Kỳ 3: Con của nhân dân
Mai Thanh Hải
Bình luận (0)