>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 11: Dòng họ tài tử
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 10: Tài nữ Bạc liêu
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 9: 70 năm chép bài bản cổ kim
|
Tài tử khó sống bằng nghề
Chúng tôi gặp lại đôi nghệ sĩ Hữu Lộc - Ánh Hồng trong những ngày ông bà về Cần Đước (Long An) để làm giám khảo Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT), do tỉnh Long An tổ chức hằng năm kỷ niệm ngày mất của vị tổ sư Nguyễn Quang Đại. Dịp này, nghệ sĩ Ánh Hồng cũng được vinh danh là nghệ nhân dân gian. Câu chuyện giữa chúng tôi với cặp đôi tài danh này rồi cũng trở lại đề tài tìm người kế thừa cho ĐCTT.
NSƯT Hữu Lộc được biết đến như một người “mát tay” trong việc đào tạo những hạt nhân mới cho bộ môn nghệ thuật này. Có lẽ ông cũng không tài nào nhớ hết bao nhiêu học trò được ông rèn giũa. Trong đó, có những người là nòng cốt của phong trào ĐCTT ở địa phương. Không ít người đã xây dựng được tên tuổi, có chỗ đứng vững chắc trong nghiệp đờn ca. Thế nhưng, không phải ai cũng có thể sống được bằng nghề. “Nhiều người đờn giỏi thì đi đờn nhạc lễ, phục vụ đám cưới, đám ma để sống”, NSƯT Hữu Lộc tâm sự. Và khi sinh hoạt ĐCTT không còn là hoạt động chuyên nghiệp thì tài tử, nghệ nhân khó tránh khỏi bị chi phối bởi cuộc sống áo cơm.
Với ý nghĩ đào tạo nên những mầm non kế thừa, mấy năm trước nghệ nhân Ánh Hồng đứng ra thành lập nhóm Đồng Ấu, quy tụ các thiếu nhi có năng khiếu từ các buổi học do bà đứng lớp. Ban Đồng Ấu một thời tạo được nhiều chú ý trong giới lẫn người yêu thích ĐCTT khắp nơi, được mời đi dự các hội diễn, tham gia trên các đài phát thanh truyền hình. Hình ảnh các em chơi nhiều loại nhạc cụ, hát hay, diễn giỏi đã tạo nhiều thích thú. Thế nhưng, đến một ngày nghệ nhân Ánh Hồng phải tuyên bố giải thể nhóm bởi các em còn phải bận bịu học văn hóa. “Trong nhóm có nhiều em bộc lộ tài năng có thể phát huy. Thế nhưng mình không thể thay mặt gia đình để quyết định tương lai các cháu", nghệ nhân Ánh Hồng tâm sự.
Mỗi thầy một cách
Theo NSƯT Hữu Lộc, để đào tạo một người đờn hay, hát giỏi là điều khó. “Ngay cả ở những trường chính quy đào tạo ra bao nhiêu khóa, kết quả thế nào thì ai cũng biết”. Ông kể, ngày trước làm lúa 6 tháng làm 6 tháng nghỉ. Người học đờn, học ca có thì trả tiền mặt, không tiền thì có thể trả thù lao cho người dạy bằng… lúa. Người học cứ học, đến mùa thì đong lúa trả cho thầy. “Ngày trước người học nghiêm túc, người dạy cũng chân phương nên học trò ĐCTT phát triển rất tự nhiên, không gượng ép”, Hữu Lộc nói và cho biết ngày nay ông vẫn dạy học trò theo lối phát triển tự nhiên như thế.
Nghệ nhân Hai Lợi, cây đại thụ của ĐCTT đất Tây đô, có cách “săn” người cho ĐCTT rất riêng. Ông tìm người trong các phong trào đờn ca của ấp, xã. Thậm chí, ở trong đám tiệc khi nghe có giọng ca hay, ngón đờn độc là ông hỏi danh tánh rồi âm thầm quan sát. Như lần gặp cây đờn Hoàng Lưỡng ở một đám cưới, ông “kéo” tài tử này (lúc đó đang làm nghề lái heo) sinh hoạt ĐCTT với nhóm ở địa phương rồi tiếp tục uốn nắn để có một Hoàng Lưỡng nổi danh ngày nay. Hay lần phát hiện Năm Cò đờn trong ban nhạc lễ của Thánh thất Cao Đài, với ngón đờn cò mà theo Hai Lợi là “khó ai đờn hay hơn”, thế là vị tiền bối lặn lội các nơi “coi giò coi cẳng” những lúc Năm Cò đờn ở đám cưới, trong các hội diễn ở xã, huyện… để rồi đào tạo nên một Năm Cò xuất sắc. Một lần gặp danh cầm Ba Tu, Hai Lợi nói vui: “Anh nghe đi, thằng Năm Cò nó lấy của anh nhiều lắm nghen anh Ba”. Ba Tu cười: “Nó lấy gần hết chứ nhiều gì anh”. Thế là hai ông cười vui vì có một lớp kế thừa xứng đáng.
Ở Long An, nghệ nhân lão thành Bảy Vân cũng là người có cách đào tạo kế thừa rất riêng. Ông được xem là người phát hiện và đào tạo nên nghệ sĩ Mỹ Châu cho sân khấu cải lương. Sau này, ông có nhiều học trò là nghệ nhân tên tuổi. Theo ông, ĐCTT là tự nguyện, người chơi đam mê và… tự tìm thầy thọ giáo. Trong số gần 200 học trò của ông ở các nơi, phần lớn họ sinh hoạt ĐCTT cũng rất… tài tử. Đó có thể là anh thẩm phán, công an, giáo viên, thợ hồ… và học chơi ĐCTT chỉ để thỏa đam mê, hoàn toàn không coi ĐCTT là nghề. Thầy Bảy Vân dạy học trò cũng lấy học phí rạch ròi. Học trò trả học phí theo từng câu và tự quyết định học những gì mình thích. “Nó mê nó mới học được. Mấy thằng giỏi thì học nhanh, chơi hay. Rồi mình “thả” nó ra chơi ĐCTT, nó chơi hay thì cũng nói là học trò mình”, đến giờ, thầy Bảy Vân vẫn duy trì lớp học theo kiểu “thích gì học nấy” như thế.
Tiến Trình
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 11: Dòng họ tài tử
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 10: Tài nữ Bạc liêu
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 9: 70 năm chép bài bản cổ kim
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 8: Ngón đờn anh lái heo
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 7: Đệ nhất nguyệt cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 6: Gánh hát toàn nữ nông dân
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 5: Những 'tài tử huyền thoại
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 4: 80 năm, một tiếng đờn
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 2: Bạch Công Tử bị bỏ quên
>> Báu vật' đờn ca tài tử
Bình luận (0)