Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 11: Dòng họ tài tử

28/02/2014 03:15 GMT+7

Dòng họ 4 đời với hàng chục người đam mê, rồi sống bằng lời ca tiếng đờn, thế nhưng gia đình tài tử Lê Thanh Quí vẫn bị xem là “dị biệt”, là “tả đạo” của đờn ca tài tử Nam bộ bởi sự “phá phách” khiến không ít người phải nhíu mày.

 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 10: Tài nữ Bạc liêu
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 9: 70 năm chép bài bản cổ kim
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 8: Ngón đờn anh lái heo

Vợ chồng tài tử Lê Thanh Quí - Trang Kim Tuyến biểu diễn khúc Lưu thủy trường với loại nhạc cụ “lạ” - Ảnh: Tiến Trình
Vợ chồng tài tử Lê Thanh Quí - Trang Kim Tuyến biểu diễn khúc Lưu thủy trường với loại nhạc cụ “lạ” - Ảnh: Tiến Trình 

4 đời theo đờn ca tài tử

Nói tài tử Lê Thanh Quí (phường Hiệp Thành, thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) chơi được 10 loại nhạc cụ của đờn ca tài tử thì nhiều người biết về ông sẽ không đồng ý. Bởi trong số đó, có những loại... chẳng thấy ở đâu khác, ngoài nhà ông. Trong căn nhà nóng hâm hấp bên sông, người đàn ông mái đầu bạc trắng với nụ cười “nửa âm nửa dương” bỗng chốc như lạc mất giữa thứ âm thanh lạ. Khúc Lưu thủy trường vì vậy mà có gì đó như khác đi. Tiếng đờn bầu, đờn kìm, tiếng hạ uy di cũng không còn quen thuộc như trước...

Tài tử Lê Thanh Quí không lạ gì trong đời sống đờn ca tài tử ở miền Tây Nam bộ. Cánh bình dân khoái ông vô cùng. Nhưng giới “bác học” lại đặt ông lên bàn tranh cãi. Ông “phá đờn” đến mức nhiều người phải bực bội. Những nhạc cụ quen thuộc dường như không tải hết cảm xúc của ông, rồi người tài tử dị biệt này lại sáng tạo nhạc cụ trong sự bức bối. Ví như cây đờn bầu ông chế ra những... 5 dây rồi đặt tên “ngũ huyền cầm”, để rồi chơi như có nhiều tay. Cây mandolin ông lại gắn cần của cây sến rồi gắn thùng bằng trống cái, chơi như đờn kìm bằng phong cách của ghi ta. Cây hạ uy di ông cho “kết hôn” với độc huyền cầm, nhưng lại có 3 dây rồi gọi là “tam huyền di” để những sợi tơ lại run vướng vào nhau. Con trai ông lớn lên ông lại dạy cho đờn vọng cổ bằng organ... Người khó tính gọi đó là sự “phá phách” song cũng không ít người cho đó là những sáng tạo tuyệt vời, là làm mới đờn ca tài tử. Nhưng có điều chắc chắn rằng người nghe dễ tính hơn lại thích thú vô cùng. Cũng bởi ngón đờn của ông vừa “hoang dã”, vừa thâm trầm vững chãi...

Hơn 20 năm nay, gia đình Thanh Quí tồn tại trong đời sống đờn ca tài tử bằng cách riêng như thế. Họ có những người ái mộ cũng rất riêng. Hôm chúng tôi ghé, cả nhà ông lật đật mang hành trang xuống biểu diễn ở Cà Mau theo lời mời cả tháng trước của một người ái mộ. “Xứ Cà Mau đâu hiếm danh đờn, danh ca. Thế mà họ kèo nài rằng gia đình chúng tôi phải xuống với họ”, ông Quí nói trong vui sướng. Vợ ông kể, có những ngày nhà ông phải kéo màn che để trốn người đến rủ chơi nhạc.

Qua cơn bĩ cực

Ba ông Quí ngày trước cũng là tay đờn bầu có tiếng ở xứ Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ông Quí theo thầy Sáu Đựng, đệ tử của danh cầm Năm Cơ, để học ghi ta. Nhưng ông... chẳng theo tiếng đờn của thầy, cũng chẳng ảnh hưởng lối đờn của bậc cao nhân Văn Vĩ, mà theo đuổi tiếng đờn của ông Bảy Bá (soạn giả Viễn Châu). Sau ghi ta, ông lại học đờn bầu, đờn cò, đờn kìm, đờn sến, violon... Có được ngón nghề, năm 18 tuổi, Thanh Quí lại ôm đờn vào nam với ý nghĩ: “Đờn ca tài tử thì trụ được ở miền Nam mới giỏi”. Nhanh chóng có việc làm ở đoàn hát Kim Chung danh tiếng thời ấy với vai... quân sĩ, hậu đài cho đến khi ngón đờn của ông được nghệ sĩ Minh Phụng chú ý. Đến khi đờn chính Văn Náo nghỉ việc, ông Quí mới được gọi lên đờn rồi thành danh. Ông gặp vợ, nghệ sĩ Trang Kim Tuyến, lúc đang đờn cho đoàn Phương Bình. Hai người dắt tay nhau qua cơn bĩ cực của đời nghề. Lúc ghe đoàn hát Tháp Mười bị cháy ở Bạc Liêu, phải nhờ nghệ sĩ Minh Đương - Minh Chiến cứu đói. Đoàn Tháp Mười trôi dạt tới Kinh Gòn (huyện Châu Thành, Sóc Trăng) đã “què quặt”, chạy gạo từng ngày. Gia đình con cháu nheo nhóc của Lê Thanh Quí - Trang Kim Tuyến được nhạc sĩ Sơn Hà thương tình cho tá túc ở Nhà văn hóa huyện Phụng Hiệp (nay là thị xã Ngã Bảy), tạo công ăn việc làm, sinh hoạt đờn ca tài tử ở địa phương. Những lúc thắt ngặt cả gia đình cũng đi diễn ở đám tiệc, thậm chí đi... tụng kinh mướn để kiếm sống. “Cảm xúc đờn ca tài tử và kinh Phật dường như có tương đồng”, ông Quí nhận xét. Đó là khi những cảm xúc lạ lẫm đã theo ông trong lúc chơi nhạc, lúc sáng tác và cả khi... tụng kinh. Nó như một thứ tình cảm cần thổ lộ. Là lý tưởng cao sang giữa cuộc sống cơ hàn. Là lễ nghĩa của giới bình dân. Là khát vọng tri kỷ, tri âm... mà nhạc cụ hiện có chưa nói hết cho riêng ông. Thế là nhiều thứ “không giống ai” đã ra đời. Nó theo ông trong những buổi chơi đờn ca thâu đêm suốt sáng. Nó cũng theo ông đoạt nhiều giải thưởng và cũng ở nhà với ông trong mớ ngổn ngang của bao khát vọng không thành.

Anh chị em ông Quí, bà Tuyến có gần chục người theo đờn ca tài tử. Có người lập hẳn ban nhạc của riêng mình. Rồi đến các con, dâu rể của ông cũng sống với đờn ca. Cả cháu nội ông 9 tuổi cũng biết đờn biết ca... Ban đờn ca tài tử với toàn những thành viên gia đình của ông Chín Quí thật nhiều màu sắc. Họ đang chơi một thứ nhạc theo cách của riêng mình.

Tiến Trình

 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 7: Đệ nhất nguyệt cầm
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 6: Gánh hát toàn nữ nông dân
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 5: Những 'tài tử huyền thoại
 >> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 4: 80 năm, một tiếng đờn
 >> Báu vật' đờn ca tài tử
 >> Vinh danh đờn ca tài tử - di sản văn hóa của nhân loại
 >> Tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.