Tình người trên biên giới

04/03/2014 10:09 GMT+7

Đường lên vùng biên giới Gary (H.Tây Giang, Quảng Nam) - nơi đóng chân của Đồn Biên phòng 651 còn lắm gập ghềnh. Chiếc UAZ 2 cầu trầy trật vượt từng chặng mới có thể “len” vào đến đồn sau 4 giờ đồng hồ.

Tình người trên biên giới

Bộ đội Đồn Biên phòng 651 giúp người dân  xát gạo - Ảnh: Hoàng Sơn

Suốt dọc đường đi, anh tài xế cứ bảo rằng, đường thế này là đỡ hơn chục năm trước - khi con đường quốc phòng dẫn vào 4 xã khu 7 chưa được mở. Thiếu tá Phan Văn Thí, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 651 cũng bảo, vùng đất này còn rất khó khăn do giao thông cách trở. “Nhưng tình người, tình quân dân thì khi nào cũng đong đầy. Chúng tôi ở đây dân bản ai cũng biết mặt và quý nhau như người trong nhà…”, thiếu tá Thí mở đầu câu chuyện.

Đồn Biên phòng 651 được thành lập vào năm 2003 với nhiệm vụ quản lý, đảm bảo an ninh biên giới trên tuyến gần 20km đường biên, 11 cột mốc, 1 mốc dấu. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ của lực lượng bộ đội biên phòng, hàng ngày các anh còn thường xuyên tiếp xúc, làm công tác dân vận với 3.500 dân là đồng bào người C’Tu tại hai xã Gary và Ch’Ơm. Hơn 10 năm lập đồn, nhờ những người lính áo xanh góp sức mà mảnh đất vùng biên vốn dĩ còn nhiều lạc hậu đã có nhiều đổi thay mà theo già làng Apool, ông Pơloong Điềm thì: “Có chính quyền địa phương, có thêm các “anh đồn” (bộ đội biên phòng-NV), chúng tôi mới có điện, đường, trường, trạm”.

Không ai lạ gì hình ảnh của các chiến sĩ khi vào bản giúp dân mỗi khi có lũ lụt hay cả đến việc gặt lúa, dựng nhà. Nhưng đến Gary, nhiều người sẽ thấy lạ khi thấy hình ảnh một thiếu tá đứng máy xát gạo giúp dân. Anh là Ngô Đình Sơn, kiểm soát viên của Đồn 651. “Người dân nơi đây làm được rất nhiều lúa vào mỗi vụ mùa. Thế nhưng mỗi lần làm ra gạo họ phải giã, chày cối rất mất công. Nhận thấy điều này, đồn chủ trương sắm máy móc để mua máy xát lúa. Chủ yếu là để giúp người dân, chứ họ đâu có tiền mà lấy”, anh Sơn tâm sự. Lại có bữa, biết người dân làm được căn nhà mới, các anh lại đến tận nhà tặng tua bin nước, kéo dây rồi mắc cả bóng thắp sáng một vùng. Nhìn ánh điện, nhiều người đã vỡ òa hạnh phúc.

Nói về sự đổi thay khi có người lính giúp sức, cán bộ xã ai cũng bảo nhiều lắm. Nhưng thấy rõ nhất là việc đại úy Trịnh Minh Chúc đã “số hóa” công việc hành chính cho UBND xã Gary. Đêm ở Đồn Biên phòng 651, chúng tôi đã hiểu hơn thế nào là “quân với dân như cá với nước”. Và biết thêm câu chuyện cán bộ địa phương với lính biên phòng cũng là những người anh em. Nơi phên dậu của Tổ quốc, những người lính đang cùng với đồng bào người C’Tu viết thêm câu chuyện đổi mới từ tình đoàn kết.

Hoàng Sơn 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.