Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc lúng túng với khủng hoảng Ukraine

07/03/2014 16:30 GMT+7

(TNO) Trong khi lãnh đạo các nước trên thế giới gấp rút bàn bạc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lập trường của mình.

(TNO) Trong khi lãnh đạo các nước trên thế giới gấp rút bàn bạc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lập trường của mình. Điều này bộc lộ thái độ phân vân về các vấn đề ngoại giao, mặc dù vị thế toàn cầu của nước này đang lên nhanh chóng, các chuyên gia quốc tế bình luận.


Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh hồi năm 2013 - Ảnh: Reuters

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh đang đối mặt với áp lực phải nhanh chóng đưa ra lập trường về Ukraine.

Trung Quốc hiện đang có những quyền lợi toàn cầu, nhưng nước này vẫn chưa là một chiến lược gia hay tay chơi cho ván cờ toàn cầu… Nước này không phải là quốc gia chủ động và quyết định được đại cục”, AFP dẫn nhận định của ông Kenneth Lieberthal, một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Brookings (Mỹ).

Được thành lập hồi năm 1916, Brookings là một trong những viện nghiên cứu chính sách lâu đời nhất nước Mỹ và từng được đánh giá là viện nghiên cứu chính sách có ảnh hưởng lớn nhất thế giới hồi năm 2012.

Mặc dù khao khát có được một vị thế lớn hơn trên thế giới, nhưng Bắc Kinh vẫn chỉ theo đuổi các mục tiêu nhỏ ngoài nước, miễn là chúng không liên quan đến các mối bận tâm cốt lõi của nước này, theo ông Lieberthal.

Tuy cùng là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhưng Trung Quốc đã để đồng minh Nga giành thế chủ động trong các cuộc khủng hoảng như ở Syria.

Chuyên gia Mỹ này cũng nhận xét rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc có khuynh hướng đưa ra những tuyên bố sáo rỗng không trọng tâm, chẳng hạn như thúc giục “bình tĩnh” chỗ này, “kiềm chế” chỗ kia và đề nghị “một giải pháp chính trị” chỗ nọ.

“Nhưng giờ thì họ có các quyền lợi khiến họ phải thể hiện nhiều hơn so với những tuyên bố chung chung. Họ phải đưa ra các cam kết, cung cấp đảm bảo an ninh và phải hoạch định cho những tình huống bất ngờ”, ông Lieberthal nói.

Tình hình Ukraine “rất bất lợi” đối với Bắc Kinh

Giới phân tích quốc tế nhận định Trung Quốc hiện đang rất lúng túng để đưa ra lập trường của mình đối với tình hình Ukraine, do các lợi ích chồng chéo.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này tuyên bố: “Trung Quốc đã có một nguyên tắc lâu nay là không can thiệp vào chuyện nội bộ, đồng thời tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Có những lý do khiến tình hình Ukraine trở nên như ngày hôm nay”.

Khi được yêu cầu làm rõ rằng Bắc Kinh có ủng hộ các hành động của Nga tại Ukraine không, hoặc có xem những hành động này là một dạng can thiệp hay không, Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã từ chối trả lời.

“Tình hình Ukraine rất bất lợi cho Bắc Kinh. Đó là lý do vì sao họ đưa ra một tuyên bố mà chẳng ai hiểu được”, ông Niu Jun, một giáo sư về quan hệ đối ngoại thuộc Trường đại học Peking nói.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cơ quan này cho biết Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì vào hôm 6.3 đã nói với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice rằng cần có một giải pháp để “lo cho quyền lợi hợp pháp của người dân Ukraine”, nhưng không hề nói rõ giải pháp này là gì.

Ông Jia Qingguo, một giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Trường đại học Peking, cho rằng Trung Quốc đang bắt đầu nhận ra lợi ích của việc can thiệp vào các vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải tăng cường nghiên cứu cách thức triển khai các chính sách đối ngoại và nghĩ ra cách tiếp cận thế giới trong bối cảnh nước này đã biến chuyển từ một quốc gia kém phát triển thành một cường quốc, ông Qingguo nói thêm.

“Trung Quốc không có một chiến lược rộng lớn. Chính sách đối ngoại của nước này thường nhập nhằng và đôi khi không mạch lạc”, chuyên gia này cho biết.

“Trung Quốc là một nước đang phát triển và đồng thời cũng là một nước phát triển, vừa yếu vừa mạnh, vừa giàu vừa nghèo, vừa là một quốc gia bình thường đồng thời cũng là một siêu cường quốc. Vì thế quyền lợi của Trung Quốc cũng bị xung đột”, ông này nói thêm.  

Hoàng Uy

>> EU đe dọa trừng phạt Nga vì tình hình Ukraine
>> Tổng thống Putin: Quan hệ Mỹ - Nga không nên bị ảnh hưởng vì Ukraine
>> Crimea tuyên bố là một phần của Nga, gọi quân Ukraine là 'xâm lược
>> Nga tập trận phòng không quy mô lớn gần biên giới Ukraine

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.