Tiếp sức cho ngư dân

13/03/2014 03:00 GMT+7

Thật đáng mừng khi trong buổi làm việc mới đây (ngày 11.3) với lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tổ chức này cũng như các bộ ngành có liên quan phải đặc biệt quan tâm đến hoạt động sản xuất và đời sống của ngư dân.

Thật đáng mừng khi trong buổi làm việc mới đây (ngày 11.3) với lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tổ chức này cũng như các bộ ngành có liên quan phải đặc biệt quan tâm đến hoạt động sản xuất và đời sống của ngư dân.

Người đứng đầu Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo: “Tôi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước không được để cho ngư dân bám biển phải vay nặng lãi”, đồng thời yêu cầu Tổng liên đoàn Lao động và các bộ ngành sớm vào cuộc chăm lo thực sự cho ngư dân bám biển.

Ngư dân là thành phần lao động đông đảo trong đội ngũ nhân lực của đất nước nhưng lâu nay bị hiểu lệch rằng chăm lo cho họ đã có Nghiệp đoàn Nghề cá hoặc cao hơn nữa là Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn. Việc Thủ tướng đề nghị Tổng liên đoàn Lao động vào cuộc đã khẳng định lại vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ lao động này, nhất là khi chúng ta đang ưu tiên phát triển kinh tế biển.

Phải nói thẳng rằng bám biển, khai thác biển, chủ công trong nghề cá, đảm bảo nguồn thực phẩm chính yếu cho đời sống hằng ngày, đem lại nguồn kim ngạch xuất khẩu hải sản quan trọng cho đất nước, không ai khác, chính là ngư dân. Không chỉ giữ vai trò đắc lực về kinh tế, họ còn là lực lượng ngày đêm góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước trên những vùng biển bao la của Tổ quốc, là cột mốc sống khẳng định chủ quyền lãnh thổ lãnh hải. Biển Hoàng Sa, Trường Sa hay bất cứ ngư trường nào của Việt Nam phải luôn có mặt ngư dân Việt, chẳng khác chi nông dân bám ruộng đồng, công nhân gắn với nhà máy. Tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho người lao động yên tâm, hăng hái sản xuất là trách nhiệm của nhà nước và mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, đoàn thể.

Nhân chuyện chỉ đạo của Thủ tướng, cũng cần nhắc lại vài điều đã qua. Chắc nhiều người còn nhớ chuyện ngư dân Mai Phụng Lưu (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) hoặc ngư dân Nguyễn Thành Nhất (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã từng sất bất sang bang khi tàu và ngư cụ bị Trung Quốc bắt bớ, tịch thu trái phép. Họ cũng như rất nhiều ngư dân khác phải chạy vạy đôn đáo mọi cửa, tìm mọi nguồn vốn để đóng mới tàu thuyền, sắm lại đồ nghề. Ngoài phần hỗ trợ của một số ngân hàng cổ phần và tổ chức xã hội, họ phải cắn răng chấp nhận vay ngoài với lãi suất cao. Không có tiền, không thể ra biển, nhất là biển xa. Cái nghề đầy những bất trắc, không chỉ bị nước ngoài đe dọa ngay trên vùng biển nước mình mà còn thường xuyên đương đầu với đủ thứ hiểm họa từ thiên nhiên, bão táp, gió to sóng cả… Họ ra khơi không chỉ vì cuộc sống của bản thân, gia đình họ mà còn vì nhiều thứ lớn lao, ý nghĩa hơn. Miếng cơm manh áo là một đằng, cao hơn là góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc.

Nay Thủ tướng đã nêu cụ thể, chỉ mong sao Ngân hàng Nhà nước và các ngành các cấp liên quan từ trung ương đến địa phương hãy xăm xắn vào cuộc, có hành động thiết thực, nhất thiết phải có những chính sách và biện pháp tức thời và dài hơi để ít ra hỗ trợ cho ngư dân có hiệu quả, cụ thể là tạo điều kiện cho bà con được vay vốn lãi suất ưu đãi mà đóng tàu, mua sắm ngư cụ, xăng dầu… yên tâm ra khơi làm kinh tế và bảo vệ đất nước.  

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.