>> Thay thế lãnh đạo tập đoàn chần chừ tái cơ cấu>> Tái cơ cấu DNNN không đủ điểu kiện cổ phần hóa
>> Dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Tiếp tục tái cơ cấu Vinashin: Lùi để tiến ?
Thoái vốn, cổ phần hóa đều chậm
Theo báo cáo của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về tình hình tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng công ty (TCT) và ngân hàng từ 2011 đến nay, trong khối có 32 đơn vị đều là các DNNN lớn với tổng vốn chủ sở hữu đến cuối 2013 hơn 1 triệu tỉ đồng. Tổng doanh thu đạt trên 1,8 triệu tỉ đồng và nộp ngân sách 297.023 tỉ đồng.
Về lộ trình tái cơ cấu, trong 32 đơn vị thuộc khối này quản lý có 24 đơn vị đã có đề án được phê duyệt và cơ cấu lại theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Tuy nhiên, theo đánh giá một số đơn vị triển khai rất chậm như: TCT Lương thực miền Bắc được phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngày 14.12.2012 nhưng đến ngày 17.5.2013 mới ban hành kết luận chỉ đạo việc tổ chức thực hiện; TCT Đường sắt Việt Nam có Đề án được phê duyệt ngày 21.1.2013, đến ngày 17.6.2013 Hội đồng thành viên mới có quyết định phê duyệt danh sách cổ phần hoá năm 2013…
Bên cạnh đó, kết quả thực hiện tái cơ cấu, đặc biệt là cổ phần hoá, sắp xếp lại DN còn rất hạn chế. Đến nay, trong tổng số 80 DN cần cổ phần hoá, mới thực hiện xong 10 DN. Về thoái vốn, trong tổng số 642 DN cần thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước, mới có 167 DN thực hiện thoái vốn xong, tổng số vốn đã thoái thu về đạt trên 7,8 nghìn tỉ đồng.
Đường sắt đang ì ạch tái cơ cấu - Ảnh: Anh Vũ
Chưa giải quyết được lao động dôi dư, mất việc
Tại một số tập đoàn, TCT theo đánh giá năng lực quản trị còn chưa tương xứng với quy mô, vị trí của đơn vị, công tác quản lý tài chính, đầu tư, quản trị rủi ro, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn lỏng lẻo. Việc thực hiện công khai, minh bạch thông tin, áp dụng công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại trong quản trị DN còn yếu. Hiệu quả hoạt động của các DN trong khối chưa cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 2,5% trong 3 năm qua. Một số đơn vị chậm được phê duyệt điều lệ, vốn điều lệ chưa được cấp đủ hoặc quy mô còn nhỏ, không tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, công tác sắp xếp lại lao động còn nhiều vướng mắc. Ở một số đơn vị như TCT Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, EVN, Agribank số lao động dôi dư cần sắp xếp khá lớn nhưng vẫn chưa giải quyết được đang ảnh hưởng đến tâm tư, cuộc sống của người lao động và hiệu quả của doanh nghiệp.
Đảng ủy Khối DN Trung ương chỉ ra rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng chậm tiến độ này là do hầu hết các đề án tái cơ cấu đều mới được phê duyệt, các cơ chế, chính sách chưa được ban hành kịp thời, đồng bộ, đồng thời trong 3 năm qua thị trường chứng khoán suy giảm sâu, tình hình kinh tế, tài chính khó khăn, không thuận lợi cho cổ phần hoá và thoái vốn. Nguyên nhân chủ quan là các đơn vị chưa thực sự quyết liệt, chưa có động lực và thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện tái cơ cấu.
Anh Vũ
Bình luận (0)