Minh họa: DAD |
Không đi là... không đi
Từng là chuyên viên trong một cơ quan kinh tế nhưng vì quen với lối sống “4 khờ” (khắc khổ, khô khan), ông bỏ về quê. Một lần anh em trong nhà xào xáo vì tranh giành tài sản, ông buồn tình lên rìa núi vắng dựng một căn lều, cuốc đất trồng khoai. Công việc nhà nông không làm ông nguôi ngoai. Ông phẫn chí và trầm cảm nặng. Ông nói ông là mảnh vỡ văng ra từ một gia đình thiếu tình thương.
Chuyện chỉ có vậy nếu con đường thuộc dự án mở rộng quốc lộ không đi qua căn lều của ông. Trong một thời gian dài, chính quyền hết lần này tới lần khác thuyết phục ông dỡ lều để lấy mặt bằng giao cho dự án nhưng ông “không là không”. Đã vậy, ông còn… phùng mang trợn mắt với cán bộ bằng một mớ lý lẽ không đâu vào đâu. Phương án cưỡng chế đã được tính đến. Nhưng, chữ “nhưng” rất nhân văn bất ngờ xuất hiện khi huyện cho rằng làm vậy là tuyệt tình với một người đang bị chấn thương tâm lý khá nặng nề.
Vậy là huyện đề nghị xã trích ngân sách xây cho ông một căn nhà tình thương cách không xa căn lều. Nhưng, chữ “nhưng” lần này khiến anh em làm công tác giải phóng mặt bằng khá bức xúc: ông vẫn “cố thủ” sau mấy miếng tôn rách, dửng dưng với căn nhà tình thương được địa phương xây cho. Con lộ đi qua phải quẹo tránh túp lều của ông nên trông rất dị hợm. Hỏi vì sao không đi, ông nói tui không đi là… không đi chớ trăng sao gì.
“Phu vận” trước, dân vận sau
Nghe ông nhiều lần ca ngợi, trân trọng phái đẹp, hay phê phán “thứ” đàn ông nói năng thô lỗ với phái đẹp, huyện cử một “hoa khôi” thuộc khối dân vận, đến dùng chiêu “điệu hổ ly… lều”, làm… bạn nhậu với ông ở một quán vắng. Kết quả thật tuyệt: Ông từ tốn, điềm đạm, cởi mở, trải lòng mình với bóng hồng của huyện vốn duyên dáng, nói năng dịu dàng. Chạm cốc với ông, bóng hồng rỉ rả nói đàn ông phải có nhà, lâu lâu mời phái đẹp tới giao lưu cho lịch sự, anh hỉ. Ở lều nhếch nhác, hình ảnh người đàn ông trong mắt phụ nữ bị “mất điểm” nhiều lắm. Ông nói đúng đúng, phải có, phải có chớ. Bóng hồng tỉ tê: Anh nè, bỗng dưng… khuân nhà mới, anh sướng nhất đó. Ngày mai anh nhớ mời em nhậu tân gia nghen. Ông cười hết cỡ, lại nói đúng đúng, phải mời, phải mời chớ. Ông không hề biết rằng khi ông nói câu này thì căn lều của ông được dọn đi một cách êm thấm trước sự chứng kiến của bà con địa phương. Mấy bác cựu giáo chức xúm lại bàn tán. Người nói đây là cuộc cưỡng chế… đẹp như mơ nhờ có bóng hồng tham gia. Người nói đây là cuộc cưỡng chế… mềm, rất êm đềm vì phi “sắt thép”.
Kể câu chuyện trên, bóng hồng nói cái ông… nhân dân này hơi quá quắt cũng chỉ vì khát khao hơi ấm từ tình cảm gia đình. Người ta tâm bệnh, mình phải chữa bằng tâm dược. Lạt mềm buộc chặt. Cứ cứng nhắc và quá nguyên tắc đôi khi chỉ đạt lý mà không thấu tình.
Có người hỏi liệu điều đó có phải là… theo đuôi quần chúng không? Chị nói không. Đã dân vận thì không nên để dân… giận. Làm công tác mặt trận đôi khi phải biết… chịu trận. Với lại, mình là công bộc của dân, buồn buồn, dân “la rầy” chút đỉnh, đâu có sao.
Bạn của chị ái ngại, nói cậu đi sớm về khuya, gần đây lại hay nhậu với cái ông ngang như cua mà không sợ ông xã lùng bùng sao? Chị cười trong vắt, nói cậu yên chí đi, mình phải biết động viên, thuyết phục chồng, phải “phu vận” trước rồi mới nói tới dân vận chớ.
Trần Cao Duyên
>> Bóng hồng giữa những làn xe
>> “Bóng hồng” sau tay lái
>> Bị cưỡng chế, bèn đốt nhà
Bình luận (0)